15/03/2004 06:01 GMT+7

Người châm bộc phá đồi A1

NGUYỄN LÊ 
NGUYỄN LÊ 

TT - Tối 6-5-1954. Bóng đen trùm xuống cứ điểm Điện Biên Phủ trong vắng lạnh ghê người. Có ba người thầm lặng men đồi A1. Hai người chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Có dặn lại gì không?”. Người lính đáp: “Không!”. Họ ra lệnh: “Cậu ở lại! Lúc pháo ta bắn dồn dập là hiệu lệnh để cậu giật nụ xòe!”. Người lính ở lại một mình. Một tấn bộc phá dưới đồi A1 đang chờ anh... Pháo ta nổ... Anh giật nụ xòe..

25JGlwH7.jpgPhóng to
Ông Bạch - Ảnh: Đỗ Hữu Lực
TT - Tối 6-5-1954. Bóng đen trùm xuống cứ điểm Điện Biên Phủ trong vắng lạnh ghê người. Có ba người thầm lặng men đồi A1. Hai người chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Có dặn lại gì không?”. Người lính đáp: “Không!”. Họ ra lệnh: “Cậu ở lại! Lúc pháo ta bắn dồn dập là hiệu lệnh để cậu giật nụ xòe!”. Người lính ở lại một mình. Một tấn bộc phá dưới đồi A1 đang chờ anh... Pháo ta nổ... Anh giật nụ xòe..

Đào hầm công phá đồi A1

50 năm sau chiến thắng Điện Biên, người lính ấy nay tròn 80 tuổi. Tên ông là Nguyễn Văn Bạch. Ông nhớ lại: đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất án ngữ đường đánh vào trung tâm chỉ huy địch. Ban chỉ huy chiến dịch giao cho đại đội công binh của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đào hầm ngầm xuyên vào lòng đồi A1 để đánh bộc phá.

Ông Bạch kể: “Giao thông hào lầy bùn nước và máu. Đào hầm ở tư thế hàm ếch, càng đào sâu càng tối và thiếu oxy để thở, mỗi tốp chỉ đào vài phút lại chui ra. Vận chuyển đất càng khó khăn hơn. Chúng tôi phải lấy vải dù kiếm được của địch may thành túi nhỏ đựng chừng 30kg đất để kéo ra ngoài. Ròng rã gần một tháng mới đào xong 49m đường hầm. Đoạn cuối hầm nằm ngay dưới đồi A1!”.

Ông Bạch nhớ lại: “Đưa được 1.000kg thuốc nổ vào cuối hầm, cả đại đội trưởng Khung, tổ trưởng Đảng Lê Viết Thoảng và tôi bò vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật lần cuối. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với năm đường dây cháy chậm và năm nụ xòe. Hai đồng chí đồng ý cho tôi xung phong ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ, tôi sẽ ôm 3kg thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng người như chiến sĩ cảm tử”.

Ông Bạch nói: “Hai đồng chí bịn rịn chia tay rồi trở ra phía sau. Trận địa lúc đó bỗng trở nên lặng lẽ khác thường. Đầu óc tôi căng ra như dây đàn: không phải sợ hi sinh mà sợ bộc phá không nổ, không hoàn thành được nhiệm vụ... Đến lúc pháo binh nổ, tôi giật nụ xòe và chạy được vài bước... Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội.".

"Đất đá văng lên. Tôi ngã xuống, bị một mảnh đá rơi vào chân nhưng vẫn lê được về trận địa. Không ai nhận ra và cũng không ai nghĩ tôi còn sống. Họ hỏi: “Ai?”. Tôi trả lời tôi mới châm bộc phá đồi A1 về. Các anh xông lên đánh đồi xong về kể: đồi A1 bị xé toạc, hầu hết lính địch chết, còn lại nằm thoi thóp vì bị sức ép. Một số ở vị trí an toàn thì đồn nhau VN có bom nguyên tử mới phá được A1 nên sợ hãi kéo ra hàng...”.

Dũng sĩ diệt bom mìn

DLVCW8pJ.jpgPhóng to
Một góc chiến trường Điện Biên Phủ - Ảnh: Werner Mullers
Ông Nguyễn Văn Bạch không nhớ rõ mình sinh ngày tháng nào. Ông bảo: “Bố tôi nói tôi sinh năm 1924, sinh cùng ngày tháng một thằng bạn trong xóm”. Năm 25 tuổi, đội viên du kích Nguyễn Văn Bạch tình nguyện gia nhập quân đội nhân dân VN.

Anh lần lượt tham gia các chiến dịch quan trọng: chiến dịch Lê Hồng Phong đánh Phố Lu đảm nhận nhiệm vụ bắn bazooka; chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng; chiến dịch Hà Nam Ninh đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch; chiến dịch Trần Hưng Đạo đi xây dựng sở chỉ huy chiến dịch ở núi Tam Đảo; chiến dịch Hoàng Hoa Thám đi phá cầu Phúc Liệt đường 18 Hải Phòng; chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào làm nhiệm vụ tháo bom mìn của địch...

Tháng 3-1953, Nguyễn Văn Bạch đang làm tiểu đội trưởng tiểu đội chuyên phá bom nổ chậm và bom bươm bướm ở dốc Pha Đin, bản Chẹn, thì được cấp trên điều động về làm tiểu đội trưởng đội đặc nhiệm M83 chuyên nhiệm vụ phá bom, mìn nổ chậm ở Điện Biên Phủ.

Ông Bạch kể trong đời chiến trận đã hai lần cầm chắc cái chết. Một lần xung phong tháo ngòi nổ còn nguyên vẹn gắn vào một quả bom tại Suối Rút, Hòa Bình để lấy tư liệu về cho đơn vị học tập. Lần thứ hai là lần châm bộc phá đồi A1. Nhưng để có 1.000kg thuốc nổ đánh đồi lần ấy, ông cũng đã trải qua những giờ phút đối mặt tử thần.

Ông nhớ lại: “Cấp trên giao đồng chí Khung đánh đồi bằng 1.000kg thuốc nổ nhưng chỉ cấp 500kg. Còn lại đại đội phải tự kiếm lấy. Đồng chí Khung tin tưởng tôi đủ khả năng và kinh nghiệm để kiếm ra số thuốc nổ này nên giao tôi”.

Gần thời gian đào hầm, ông Bạch phát hiện một xác máy bay B24 của địch bị bắn rơi ở Điện Biên còn năm quả bom chưa cháy. Ông dẫn đầu một tốp gồm bốn chiến sĩ bí mật luồn lách qua sân bay Mường Thanh và đồi Độc Lập, tháo được bom thu gần 500kg thuốc nổ mang về.

Ngay khi kết thúc chiến dịch, ông Bạch được dưỡng thương và ngày 8-5-1954 được đưa về bộ chỉ huy tại Mường Phăng gặp tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Ông được dự hội nghị mừng công và gắn huy hiệu Hồ Chí Minh.

Năm 1956, ông Bạch chuyển về Bộ tư lệnh công binh và ở đó hai năm trước khi về lại quê nhà làm xã đội phó. Giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc, đơn vị cũ gọi ông tái ngũ và cho đi học trường sĩ quan công binh, sau chuyển sang Bộ tư lệnh phòng không không quân. Ông Bạch nghỉ hưu năm 1977 và được ban quản trị hợp tác xã quê nhà giao làm thủ kho.

Người anh hùng thầm lặng

OCVhM0pi.jpgPhóng to
Thông báo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc đề nghị phong anh hùng cho ông Bạch và sơ đồ đồi A1 do ông Bạch vẽ - Ảnh: Quyền Trung
Ở thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi đến thăm ông trong căn nhà nhỏ một chiều cuối xuân. Người lính công binh già cặm cụi quét, gom ngô hạt phơi ngoài sân. Mấy đứa cháu nhỏ len lét nép vào ông khi thấy khách lạ.

Câu chuyện của ông Bạch cứ xoáy về chuyến đi kỷ niệm trở lại Điện Biên Phủ. (Ông Trần Quang Tạo, cộng tác viên báo Vĩnh Phúc, người hơn mười năm nay lần tìm khắp nơi hòng xác minh lý lịch cho ông để lập hồ sơ, tờ trình đề nghị phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông).

Ông Tạo kể: “Anh Bạch muốn trở lại Điện Biên lắm nên tâm sự với tôi, cả hai cùng nghèo, nghĩ khó khăn. Anh bảo nếu đi được sẽ bán thóc”.

Năm đó là 1996. Liên hệ, viết thư tay cho tất cả ban ngành và chính quyền; cuối cùng hai ông được UBND tỉnh Lai Châu mời lên thăm, cấp vé máy bay, kinh phí ăn ở. Chuyến đi ấy ông Bạch được người dân Điện Biên trọng thị như một người anh hùng.

Họ đòi ông kể chuyện, đòi ông giảng giải cách tháo bom mìn, xin chụp ảnh, xin tận tay sờ nắn vào người ông. Ông Tạo phải đưa ông Bạch về bằng tiền nhuận bút ứng trước nhưng vô cùng cảm động: “Dân nói với tôi: cảm ơn ông đã đưa được nhân chứng sống của chiến thắng Điện Biên về đây!”.

Khi chúng tôi tìm tới thì hầu hết người xung quanh không biết ông Bạch là người châm bộc phá đồi A1. Ông Tạo bảo: “Ngay như chỉ huy là anh Khung, anh Thoảng cũng tưởng anh Bạch hi sinh rồi. Đợt tôi tìm đến, gần trong tỉnh thì lóc cóc xe đạp, ngoài tỉnh thì bắt ôtô; ai nghe anh Bạch còn sống đều ngạc nhiên và vui mừng. Xin gì họ cho hết, từ chứng nhận, thư tay, xác minh nơi công tác của anh Bạch... "

"Cứ chỗ nào biết về anh Bạch là tôi tìm đến xin xác minh quá trình công tác, công trạng... Đến giờ thì hồ sơ đã đầy đủ, tỉnh ủy, UBND đã họp nhiều lần, đã thống nhất, có tờ trình lên Chính phủ phong tặng anh hùng chống Pháp cho anh”.

Ông Bạch thì chỉ ao ước: “Tôi vẫn mong trở lại Điện Biên lần nữa. Cũng già rồi, chẳng biết thế nào. Không trở lại tôi cứ thấy ân hận”.

NGUYỄN LÊ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp