Bộ tiêm insulin cho người mắc tiểu đường - Ảnh: Freeimages.com
Theo Hãng tin AFP, nghiên cứu đã rút ra kết luận trên từ một cuộc khảo sát đối với hơn 16.600 phụ nữ và 11.000 đàn ông có độ tuổi từ 40 tới 65 tại Potsdam (Đức) từ năm 1994 - 1998.
Theo đó, đối với nam giới, cứ thêm 10cm chiều cao sẽ giảm được 41% nguy cơ mắc tiểu đường type 2, trong khi con số này ở phụ nữ là 33%.
Các tác giả nghiên cứu suy đoán nguy cơ sức khỏe gia tăng ở những người có chiều cao khiêm tốn có thể liên quan tới hàm lượng mỡ trong gan cao hơn.
Ngoài ra, độ nhạy đối với hormone insulin có chức năng kiểm soát lượng đường trong máu và hoạt động của các tế bào đào tụy ở tuyến tụy tiết ra hormone này tốt hơn ở những người cao.
Các tác giả kết luận những điều này cho thấy chiều cao là một chỉ dấu hữu ích khi tiên lượng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính, trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai.
Theo thống kê của Hiệp hội quốc tế hỗ trợ các bệnh nhân tiểu đường, trên thế giới có khoảng 420 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 629 triệu người vào năm 2045.
Hiện tiểu đường chia thành 2 thể chính gồm type 1 và type 2. Đối với tiểu đường type 1, chiếm khoảng 10% số ca mắc bệnh, cơ thể không thể tự sản xuất insulin do có sự phá hủy tế bào beta của đào tụy và phải sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Trong khi đó, tiểu đường type 2, tuyến tụy không tiết đủ lượng insulin cần thiết để giữ cho mức đường huyết bình thường. Khi cơ thể bị khiếm khuyết insulin, glucose không được đưa vào tế bào khiến lượng glucose trong máu tăng cao.
Tiểu đường type 2 thường có liên quan tới béo phì và theo thời gian có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực hoặc mù lòa, suy thận, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận