Thượng tá Lê Đức Đoàn trong buổi tối cuối cùng làm nhiệm vụ trước khi về hưu (tối 31-10) - Ảnh: Đ.Nguyễn |
Tôi gặp người cảnh sát giao thông ấy tròn một tuần sau khi ông nghỉ hưu. Ông là thượng tá Lê Đức Đoàn (55 tuổi), từng công tác tại đội cảnh sát giao thông số 1, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tận tụy
Tôi vừa vui, vừa bất ngờ! Tôi ngẫm ra rằng, bất cứ ai cũng vậy thôi, dù công tác ở lĩnh vực nào, làm nhiệm vụ gì, chức vụ gì, nếu biết đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, sống chân thành, có tình có nghĩa với dân thì sẽ được dân ghi nhận và tri ân bằng tình. Cao hơn tất cả, đó là tình người với người |
Thượng tá LÊ ĐỨC ĐOÀN |
Từ khi về hưu, mỗi sáng ông vẫn thường ra ngồi trước cửa Nhà thờ lớn vì: “Ở đó có nhiều kỷ niệm từ những ngày tôi đưa các con còn nhỏ đi học và ngồi đây, phía trước Nhà thờ lớn là một khoảng không gian đủ thoáng để mình ngẫm lại những chuyện buồn vui của cuộc đời, những chuyện mình đã làm được và chưa làm được” - ông chia sẻ.
Điều làm ông vừa vui, nhưng vừa phải ngẫm ngợi nhất là trong mấy ngày đầu khi về nghỉ hưu nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn của những người ông chưa nhớ tên, chia sẻ, bày tỏ tình cảm yêu mến ông và tiếc nhớ vì mỗi khi qua cầu họ không còn được gặp ông để nói câu quen thuộc như trước: “Chào bác Đoàn! Chào chú Đoàn! Chào ông Đoàn! Chào ông cảnh sát giao thông tử tế!...”.
Những ngày này ông luôn sống cùng kỷ niệm, nhớ nhung, cả sự bâng khuâng khi rời xa cây cầu đã gắn bó với một phần đời mình.
Ở đó ông được chứng kiến sự trưởng thành, đổi khác của những người hằng ngày qua cầu. Từ em bé qua cầu mỗi sáng ngày xưa, giờ đã học xong đại học đi làm, rồi có gia đình... Hay những người dân ngoại tỉnh, ngày xưa khắc khổ, mỗi sáng vẫn phải đạp xe đi làm, giờ đã tích cóp được tiền mua xe máy. Những người làm nghề xe ôm, hôm nhiều khách hôm vắng khách...
“Những khuôn mặt ấy rất thân quen, gắn bó với tôi, để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Mình chỉ cần để ý một chút thôi - mỗi lúc họ qua cầu - cũng đủ để cảm nhận được từng thân phận con người đang đổi khác ra sao” - ông nhớ lại.
Ông cũng chia sẻ thật lòng: “Làm ở trên cầu vất vả lắm!”. Vì là tuyến giao thông huyết mạch nên lượng người xe qua cầu Chương Dương thường xuyên rất đông. Lại thêm thời tiết Hà Nội, mùa hè thì nắng cháy da thịt, mùa đông mưa phùn, gió bấc. Những ngày giá rét gió từ sông Hồng thổi vào buốt căm căm đến tận ruột gan, nhất là vào ban đêm. Những hôm trời mưa rào thì nước mưa táp vào mặt rát như kim châm.
Với những chiến sĩ trẻ đỡ hơn, nhưng với ông vừa có tuổi lại thêm bị thương, nên để hoàn thành nhiệm vụ là sự cố gắng rất lớn. Vì ông luôn nghĩ rằng “khi mặc lên người bộ cảnh phục công an nhân dân thì đó vừa là vinh quang cũng là trách nhiệm trước nhân dân. Đó cũng là sự lao động chân chính của người cảnh sát giao thông. Để mỗi khi người dân đi qua, thấy mình đứng ở đó người ta sẽ yên tâm và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông”.
Tình người - tình đời
Xứng đáng với từ tử tế Thượng tá Lê Đức Đoàn sinh năm 1959, ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông bắt đầu công tác trong ngành công an từ năm 1977, đến năm 1980 được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN. Hiện ông là thương binh hạng 3/4 vì năm 2005, trong khi truy đuổi một toán cướp có vũ khí đã bị thương. Năm 2012, ông vinh dự được bầu chọn là 1 trong 10 công dân ưu tú của thủ đô. Năm 2013, ông được Thủ tướng tặng bằng khen. Đầu năm 2014, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Ông về nghỉ hưu đầu tháng 11-2014. Trung tá Trần Ngọc Quyên, đội phó đội cảnh sát giao thông số 1, cho biết thượng tá Lê Đức Đoàn xứng đáng được gọi là một người cảnh sát giao thông tử tế: “Đồng chí Lê Đức Đoàn là một người rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc, thường xuyên ở chốt trên cầu Chương Dương. Nếu không có đồng chí Đoàn, nhiều người vì một vài phút nông nổi có lẽ sẽ không còn được sống trên cõi đời này nữa. Đồng chí ấy cũng hướng dẫn tận tình từng li từng tí đối với anh em chiến sĩ trẻ mới vào nghề. Đó là người cảnh sát giao thông ưu tú, tử tế của cây cầu Chương Dương”. |
Mấy chục năm đứng chốt cảnh sát giao thông cầu Chương Dương, ông Lê Đức Đoàn đã cứu được gần 40 người, trong đó có những người gặp tai nạn giao thông, và cả những người có ý định nhảy cầu tự tử.
Mỗi khi có tai nạn trên cầu, ông luôn được người qua đường báo tin đầu tiên. Theo ông, cứu người cũng phải có kỹ năng. Như trường hợp phụ nữ có thai, chẳng may gặp tai nạn thì ông không thể bế xốc người ta lên luôn được. Làm như vậy sẽ bị sẩy thai. Lúc ấy, ông phải chấp nhận đứng như một biển báo trên cầu để người dân biết mà tránh đường, cho người gặp tai nạn được nằm tại chỗ, đợi xe cấp cứu đến.
Nhiều năm cứu người có ý định quyên sinh, rồi lắng nghe tâm sự của họ, ông Đoàn đã rút ra được ba nguyên nhân chính dẫn đến việc đó: mâu thuẫn nội bộ gia đình, khó khăn về kinh tế, bị xâm hại tình dục dẫn đến chán đời. Và thường những người tự tử hầu hết là phụ nữ. Ông mới chỉ bắt gặp ba người có ý định quyên sinh là nam giới.
Ông vẫn còn nhớ trường hợp một cô gái có ý định quyên sinh trên cầu mà ông cứu được. Khi đó, cô gái đi xe máy ra giữa cầu, cứ đứng ở đó, không chịu xuống. Thấy người dân đến báo, ông vội đi nhờ một chuyến xe buýt ra giữa cầu, vì sợ rằng nếu đi xe máy ra cô gái nhìn thấy mình có thể sẽ nhảy xuống luôn thì ông lại ân hận.
Ông kể lại: “Tôi đã dặn trước tài xế xe buýt, khi đến cách cô gái ấy chừng 5m thì mở cửa xe. Xe đến gần, tài xế mở cửa, tôi vội lao xuống, bám chặt lấy cô bé. Rồi tôi cũng thuyết phục được cô bé chiến thắng ý định quyên sinh để quay về cuộc sống. Trong khoảnh khắc ấy cô gái ôm lấy tôi mà khóc ướt hết áo tôi giữa mùa đông. Cả xe buýt và người dân dừng lại trên cầu cùng vỗ tay. Lúc ấy cảm động lắm. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn rưng rưng”.
Sau đó, người cảnh sát giao thông già mới được nghe kể chuyện vì sao cô gái định quyên sinh. Thì ra cô gái đang có thai nhưng chồng hay ghen nên thường xuyên bị chồng đánh, mắng. Nghe xong, ông gọi điện cho chồng cô gái đến khuyên nhủ, đưa vợ về nhà.
Sau này mỗi lần đi qua cầu, đôi vợ chồng ấy vẫn đưa con ghé vào hỏi thăm ông và nói: “Chú đã hai lần cứu sống gia đình cháu!”.
Nói về những việc làm ấy, thượng tá Lê Đức Đoàn cười rằng: “Đó chỉ là những việc hết sức đời thường, bằng tình cảm giữa con người với con người mà ai cũng cần có mà thôi. Đặt cương vị ai ở vào hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như tôi. Thấy người gặp nạn sao nỡ không giúp được? Lương tâm mình không cho phép thờ ơ như vậy. Với người cảnh sát giao thông, cao hơn trách nhiệm là tình người”.
Ông còn phân tích rằng trong khoảnh khắc có ý định quyên sinh, mỗi người luôn có những toan tính, suy nghĩ, đấu tranh trong tư tưởng, sự do dự có nên hay không nên làm như vậy. Ông là người giúp họ chiến thắng trong những cuộc đấu tranh ấy để trở về với cuộc sống.
Chẳng thế mà mới nghỉ hưu được một tuần, điện thoại của ông lúc nào cũng bận rộn bởi những cuộc gọi, tin nhắn của những người từng được ông cứu sống, giúp đỡ và cả những người vẫn thường qua cầu Chương Dương nhưng không thấy ông đứng làm nhiệm vụ ở đó nữa. Theo lời kể của thiếu úy Phạm Gia Hợp, chiến sĩ đội cảnh sát giao thông số 1, làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương, hằng ngày vẫn có nhiều người qua cầu gặp anh hoặc ghé vào đồn để hỏi vì sao mấy hôm nay không thấy người cảnh sát già ấy ở đây nữa...
Phần thưởng vô giá Ngày trước, mỗi khi thấy ông đứng trên cầu, nếu lái xe nào có ý định vượt trái hiệu lệnh mà nhìn thấy ông thì đều nghiêm chỉnh dừng lại. Ông coi đó là phần thưởng vô giá mà người dân Hà Nội tặng lại ông sau bao nhiêu năm gắn bó vui buồn với cây cầu. Để có được phần thưởng ấy, người cảnh sát giao thông đã vượt qua nhiều cám dỗ vật chất để giữ phẩm chất đạo đức của mình. Ông thừa nhận trong bất cứ một ngành nghề nào, cũng như ngành cảnh sát giao thông, đều có một số ít người khi thực thi công vụ cố ý gây bức xúc, phiền hà cho nhân dân. Nhưng đó chỉ là số ít. “Để xảy ra hiện tượng đó, theo tôi, trách nhiệm thuộc về cả phía người thi hành công vụ chưa nghiêm túc và người tham gia giao thông chưa có hành vi ứng xử đúng mực. Bản thân tôi khi làm nhiệm vụ cũng đã gặp nhiều trường hợp như vậy, nhưng không bao giờ tôi nhận tiền của người khác. Có nhiều cháu sinh viên mắc lỗi nhỏ, đưa tiền cho tôi, tôi chỉ hỏi rằng “các cháu lấy đâu ra tiền mà đưa? Phải nhớ rằng tiền các cháu đang dùng là mồ hôi, công sức của bố mẹ các cháu vất vả mới làm ra”. "Vì thế, thay vì xử phạt, mình nên hướng dẫn và dặn dò họ lần sau đi cẩn thận hơn, để an toàn cho chính họ và người khác nữa. Tôi luôn nghĩ rằng pháp luật đặt ra cần phải nghiêm minh là cần thiết. Nhưng cao hơn hình phạt là sự cảm hóa bằng tình người. Ở bất cứ cương vị nào, công việc nào, địa vị nào thì quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử có tình người. Đó mới là cái còn lại sau cùng khi ta không làm công việc ấy nữa”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận