Đó là kết quả của quá trình giữ rừng, giữ đất bền bỉ của bao thế hệ. Trong số đó có ông Năm Hồng, “người lính già” đã gần 20 năm là nhân viên bảo vệ VQG Tràm Chim.
Phóng to |
Ông Năm Hồng theo dõi di biến động của đàn sếu trong năm 2012 tại bãi năn thuộc phân khu A5, vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Tấn Đức |
Xế chiều, dưới chân cầu Kinh Ranh xã Phú Thành B, Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, người đàn ông mái tóc hoa râm vẫn giương ống nhòm ngó đăm đăm ra bãi sếu ăn. Rồi ông hồ hởi: “Mấy bữa nay có một đàn sếu 6-9 con, trong đó tôi thấy có hai con non mới nhập đàn hay lượn lờ ở đây. Đó là tín hiệu vui cho thấy khả năng mùa khô năm nay Tràm Chim sẽ tiếp tục đón đàn sếu đông đúc trở lại”.
“Duyên nợ” với sếu
"Ông Năm Hồng là người giữ rừng rất tâm huyết, chỉn chu với nghề. Bằng kinh nghiệm và tính tình chơn chất của mình, ông đã giúp VQG “hạ nhiệt” nhiều điểm nóng phá rừng, góp công không nhỏ để giữ chân sếu trở lại với Tràm Chim. Nếu người giữ rừng nào cũng được như ông Năm Hồng thì chúng tôi nhẹ lo hẳn đi" |
Sau khi cưới vợ ông Năm Hồng làm đủ thứ nghề, rồi ngang dọc khắp nơi trên sông nước miền Tây để mưu sinh nuôi tổ ấm. Nhưng như một duyên nợ từ thuở ban đầu, số phận dường như đã gắn đời ông với xứ sở Tràm Chim, Đồng Tháp Mười. Năm 1994, ông quay ghe trở về, lên bờ cắm lều ở tạm bên bờ Kinh Ranh (nay thuộc tổ 6, ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông) và gia nhập đội ngũ nhân viên bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim. Rồi cứ vậy mà thuộc lòng từng lùm cây, trảng cỏ, từng tập tính cũng như quy luật di cư, sinh trưởng của các loài chim có mặt nơi đây.
“Duyên nợ” nhiều nhất với ông là giống chim bên bờ tuyệt chủng - sếu đầu đỏ. Bằng ống nhòm và nghe tiếng kêu, ông Năm Hồng có thể nhận biết sự xuất hiện của đàn sếu từ khoảng cách vài cây số. Khi sếu bay ngang qua, dù đông tới hàng trăm con ông vẫn có thể đếm chính xác từng con một, thậm chí con nào mới nhập đàn, tuổi đời còn non ông cũng phân biệt được qua màu lông.
Anh em bảo vệ ở Tràm Chim còn truyền nhau ông chính là người đầu tiên “bế” được một con sếu trưởng thành. Đó là một ngày cuối tháng 3 cách đây gần chục năm, ông phát hiện một con sếu cao hơn đầu người ở phân khu A3 cứ chạy lấy đà mãi mà không thể cất cánh lên được. Tiến lại gần quan sát mới thấy sếu rụng gần trụi lông cánh nên không thể bay. Lo sếu gặp nguy hiểm, ông báo cho lãnh đạo VQG và bế nó về vườn.
Các nhà chuyên môn biết được con sếu này đang kỳ thay lông, lại thêm chứng bệnh gan có mủ nên lông rụng nhanh chóng, cộng với “sức khỏe kém” nên không thể cất cánh và lập tức được đưa lên TP.HCM cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Sau bận ấy ông Năm Hồng càng dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho sếu. Có lần thấy đàn sếu đáp xuống bãi năn rồi nhanh chóng bay đi, sợ chúng đói ông kêu vợ tìm mua lúa thật sáng vỏ về đãi sạch trấu, đêm đến mang ra rải ngoài bãi để bổ sung nguồn thức ăn cho sếu. Sáng hôm sau qua ống nhòm, ông Năm Hồng mừng muốn khóc khi thấy sếu đến mổ sạch từng nhúm lúa!
Người “hạ nhiệt” điểm nóng
Thời kỳ đầu nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh lên VQG Tràm Chim, thấy ông là người am hiểu địa bàn, có quan hệ tốt với dân địa phương, lãnh đạo vườn đã “biệt phái” ông vào chốt Kinh Cùng, phân khu A1. Đây là một trong những địa bàn sâu nhất của Tràm Chim. Từ vòng đê bảo vệ bên ngoài mất cả buổi len lỏi xuồng máy qua những cánh rừng tràm dày đặc mới vô được tới đây. Ngày ngày ông leo lên chòi canh, căng mắt quan sát bốn phía xem chừng hỏa hoạn và những người dân xâm nhập trái phép vô rừng đốn cây, bắt cá, phá hoại môi sinh.
Một mình ông vò võ, có khi cả tháng mới có người mang gạo, muối, nhu yếu phẩm ra tiếp tế. Ông hái rau, câu cá, tự túc cải thiện bữa ăn cho mình. “Mỗi lần nghe được tiếng người, tiếng máy nổ văng vẳng ở xa mừng như má đi chợ về” - ông Năm Hồng nhớ lại thời gian hơn bốn năm đóng chốt giữ rừng hệt như người lính canh chủ quyền Tổ quốc nơi đảo xa. Vậy mà, một mình ông với thứ “vũ khí” duy nhất là tấm lòng yêu rừng và những trải nghiệm của bản thân từ những ngày cơ cực phải bám vào thiên nhiên để sống, Năm Hồng đã thuyết phục nhiều người tuyệt hẳn chuyện xâm hại rừng. Năm Hồng bảo: “Ai cũng vì miếng ăn thôi, mình lấy lời lẽ phải trái phân tích cho họ thấy, tự động họ rút lui. Chứ dùng bạo lực thì không thể làm thay đổi nhận thức họ được”.
Bây giờ ở tuổi sắp bước vào hàng 60, ông Năm Hồng lại được điều động về “điểm nóng” ở phân khu A5, nơi thi thoảng vẫn còn xảy ra tình trạng người dân tự tiện xâm chiếm đất rừng hoặc thả trâu bò khiến bãi ăn của sếu bị động. Biết rõ vùng này người dân có thói quen dậy rất sớm, chưa tới 5 giờ sáng nhà nhà đã sáng đèn lo chuyện cơm nước để bắt đầu một ngày lao động mới, vậy là bữa nào Năm Hồng cũng thức từ 3-4 giờ sáng, đi bộ gần chục cây số “ôm” theo đường đê bảo vệ của VQG để nhắc nhở bà con. “Chú Hai nè, mấy bữa nay sếu về, đầu mùa chúng còn nhát lắm, chú đừng thả trâu vô bãi ăn của sếu nhé. Sếu bỏ đi luôn thì VQG Tràm Chim mất đi một nửa, chỉ còn tràm thôi. Như vậy còn ý nghĩa gì nữa” - ông Năm Hồng ghé lại từng nhà có nuôi gia súc, căn dặn thật kỹ.
Ngày qua ngày, người có trâu, bò ở hai xã Phú Thành B, Phú Hiệp đã quá quen với câu chào buổi sáng và những lời dặn dò của ông nên lắm bận Năm Hồng chưa kịp nói gì, chủ nhà đã nhanh miệng trách khéo: “Tui biết chú tính nói gì rồi! Đi dặn mấy hộ ở xóm trên đi chú Năm ơi”! Lúc đó ông Năm Hồng chỉ cười hề hề đáp: “Mưa dầm thấm lâu, nhớ hen!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận