Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết:
Ông Lương Ngọc Khuê |
* Quá tải bệnh viện diễn ra nhiều năm, dẫn đến nhiều hệ lụy nhưng biện pháp giải quyết dường như rất chậm và chưa phát huy tác dụng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có giải pháp tăng giường bệnh ở các bệnh viện quá tải, năm chuyên khoa quá tải (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi). Năm vừa qua có thêm 1.600 giường ở Bệnh viện K, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam. Số giường bệnh bình quân cũng tăng nhanh, đạt tới 24,5 giường/vạn dân, đầu năm 2012 số này mới ở mức trên 21 giường/vạn dân. Để tiếp tục giảm quá tải, Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được khởi công, các bệnh viện Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... cũng triển khai trung tâm ung bướu. Đó là chưa kể đề án bệnh viện vệ tinh chuyển giao gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh đã được phê duyệt.
* Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ Y tế là chất lượng khám chữa bệnh chưa tương xứng với viện phí sau điều chỉnh...
Phóng to |
Bệnh nhi điều trị ung thư nằm chen chúc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
- Giải quyết vấn đề này, bộ trưởng Bộ Y tế giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng thông tư về chuẩn mực đạo đức nghề thầy thuốc. Đây là văn bản mang tính pháp lý, quy trách nhiệm cho giám đốc bệnh viện, giám đốc sở y tế nếu có trường hợp cán bộ y tế thuộc đơn vị mình phụ trách vi phạm quy tắc nghề nghiệp, chứ không kêu gọi chung chung. Từ đầu tháng 4, bộ tổ chức bốn lớp tập huấn về quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho Hà Nội và TP.HCM, tới đây sẽ có thêm sáu lớp nữa. Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, công khai các tiêu chí như chất lượng điều trị, cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ... để người dân có thể “chấm điểm”. Bộ tiêu chí này chưa ban hành nhưng có nhiều bệnh viện đề nghị được áp dụng ngay...
* Trong một đề án gần đây của Bộ Y tế, bộ cho biết năm 2020 mới hết quá tải bệnh viện. Ông có nói nhiều biện pháp mạnh, nhưng chặng đường để bệnh viện hết quá tải, người bệnh đỡ khổ lại còn quá dài...
- Quá tải ở đây có nhiều khía cạnh. Mục tiêu từng bước là giảm nằm ghép, tới đây bệnh viện vẫn đông nhưng người bệnh không phải nằm ghép, viện phí được công khai minh bạch, quy trình khám chữa bệnh được giám sát để người bệnh không phải chờ lâu. Cơ sở vật chất ở một số bệnh viện tuyến cuối không phải đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, như Bệnh viện Việt - Đức bệnh nhân vẫn đông nhưng khu điều trị nội trú gần như không còn tình trạng nằm ghép. Còn về lâu dài, khi các biện pháp tổng thể như chuyển giao gói kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình... được triển khai, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.
* Còn một vấn đề đang gây tranh cãi gần đây là quy định siết chuyển tuyến. Nếu người bệnh bắt buộc phải vào bệnh viện tuyến dưới để điều trị thì có vi phạm quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh theo nhu cầu đã được luật hóa trong Luật bảo hiểm y tế hiện hành không?
- Bệnh viện tuyến dưới phải nâng cao năng lực của mình, phải làm thật tốt các gói kỹ thuật được chuyển giao để người bệnh khi cần điều trị, họ có thể nghĩ đến ngay bệnh viện gần nhà và đến chữa trị, vừa đỡ tốn kém vừa giảm được quá tải tuyến trên. Còn việc “siết” chuyển tuyến, theo tôi, các biện pháp quản lý về chuyên môn, tăng cường bình bệnh án, bình đơn thuốc, tăng cường quản lý chuyên môn nghiệp vụ... Đây không phải điều gì mới mà từ những năm 1970 đã thực hiện, sau giai đoạn cấp cứu thì chuyển về bệnh viện tuyến dưới điều trị tiếp, vừa giảm được quá tải vừa đỡ được chi phí điều trị.
Đề nghị bố trí vốn cho các dự án xây dựng bệnh viện Theo Bộ Y tế, trong bốn năm từ 2008-2012 có 760 dự án y tế được xây dựng từ nguồn trái phiếu chính phủ, trong đó có 594 bệnh viện, trung tâm y tế huyện, 166 dự án bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện chuyên khoa. Thế nhưng vốn được cấp cho các dự án chỉ đạt 30-50% nhu cầu, nên nhiều bệnh viện chỉ xây dựng phần vỏ, chưa có trang thiết bị và chưa đủ nhân lực. Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải bố trí vốn để bảo đảm tiến độ các dự án bệnh viện. Các địa phương phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ trình độ khai thác tốt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được đầu tư phục vụ khám chữa bệnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận