22/02/2022 09:18 GMT+7

Người bền bỉ đưa văn học Việt đến Hàn Quốc

KIỀU BÍCH HẬU  thực hiện
KIỀU BÍCH HẬU thực hiện

TTO - Giáo sư Ahn Kyong Hwan từ lâu đã là cái tên quen thuộc với giới văn học Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Người bền bỉ đưa văn học Việt đến Hàn Quốc - Ảnh 1.

Từ trái qua: Truyện Kiều của Nguyễn Du, tập thơ Thời tái chế của Mai Văn Phấn và tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy (bản tiếng Hàn Quốc)

Trong ba thập niên qua, ông đã miệt mài dịch, nghiên cứu và giới thiệu với người dân Hàn Quốc những tác phẩm văn học giá trị của Việt Nam.

Nếu Chính phủ Việt Nam đưa ra một chính sách hỗ trợ dịch thuật cho các dịch giả nước ngoài thì điều đó sẽ tạo ra hiệu quả lớn cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Giáo sư AHN KYONG HWAN

Sau khi dịch và xuất bản những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thùy Trâm, Mai Văn Phấn..., mới đây giáo sư Ahn Kyong Hwan hoàn thành việc dịch và xuất bản tiểu thuyết Chúa đất của nhà văn Đỗ Bích Thúy ở Hàn Quốc.

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với giáo sư AHN KYONG HWAN:

* Thưa giáo sư, khi lần đầu biết đến đất nước Việt Nam, giáo sư đã có những suy nghĩ gì? Và sau đó, điều gì đã thúc đẩy giáo sư quyết định học tiếng Việt và nghiên cứu văn học Việt Nam?

- Khi còn là một học sinh THPT, tôi đã rất ấn tượng với cây dừa của Việt Nam mà tôi nhìn thấy trong ảnh. Thời điểm đó, Hàn Quốc là một quốc gia rất nghèo vì mọi cơ sở vật chất đều bị phá hủy do chiến tranh. Việt Nam cũng gặp khó khăn về kinh tế, vì mọi thứ đều bị phá hủy bởi chiến tranh. Tôi đã thầm mong sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có cơ hội thì một ngày nào đó tôi muốn xin việc vào công ty xây dựng, tham gia các dự án phát triển của Việt Nam và từ đó góp sức vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vì thế tôi đã chọn chuyên ngành tiếng Việt. Vào thời kỳ đó, lựa chọn này không phải là một quyết định dễ dàng vì tiếng Việt khi đó chưa được ưa chuộng lắm. Còn bây giờ tiếng Việt rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm sĩ quan 40 tháng trong quân đội, sau đó xin việc vào Tập đoàn Hyundai và được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh tại TP.HCM từ năm 1989 đến năm 1994. Vào thời điểm năm 1989, chỉ có khoảng 10 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam.

Tôi đã biết thêm nhiều điều mới mẻ về Việt Nam trong thời gian làm việc tại TP.HCM. Tình cờ thấy tác phẩm Nhật ký trong tù và Truyện Kiều tại quầy sách cũ, tôi thấy hứng thú với văn học Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tôi quan tâm và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi hiểu nhiều hơn về tác phẩm Nhật ký trong tù, và đó cũng chính là động lực thúc đẩy tôi quan tâm đến văn học Việt Nam.

Điều làm tôi ấn tượng với tác phẩm là tinh thần yêu nước, thương dân, yêu dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân đáng được nhân dân trên thế giới kính trọng.

* Giáo sư là người dịch nhiều nhất tác phẩm của Hồ Chí Minh ở Hàn Quốc, vậy quá trình đó diễn ra trong bao lâu, và điều khó khăn nhất mà ông phải vượt qua khi dịch tác phẩm của Hồ Chí Minh là gì?

- Đến nay, tôi đã biên dịch nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam và xuất bản tại Hàn Quốc. Trước khi biên dịch tác phẩm Nhật ký trong tù, tôi nghĩ phải về thăm quê Hồ Chủ tịch trước nên đã một mình đi tàu từ ga Hà Nội đến ga Vinh trong dịp Tết năm 2002.

Tôi bắt xe ôm đi Kim Liên, Làng Sen và đi một vòng thăm nơi sinh và quê ngoại của vị chủ tịch vĩ đại, và sau khi thăm mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - thì tôi trở về nước và bắt đầu biên dịch.

Bản gốc của tác phẩm Nhật ký trong tù bằng tiếng Hán nên tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình biên dịch vì may mắn là tôi đã học chữ Hán trước đó. Tôi đã đối chiếu bản tiếng Hán và tiếng Việt của tác phẩm Nhật ký trong tù làm cơ sở biên dịch ra bản tiếng Hàn, nên tôi tin chắc rằng bản dịch tiếng Hàn mà tôi dịch là bản hoàn thiện nhất về tác phẩm này trong số các bản dịch trên thế giới.

Chỉ chút khó khăn duy nhất là sau khi dịch tôi đã không thể xuất bản ngay vì không có chi phí. Rốt cuộc, tôi đã tự trả toàn bộ chi phí để cuốn sách được ra đời. Tôi đã nhận toàn bộ bản in tác phẩm Nhật ký trong tù bằng tiếng Hàn đầu tiên và mang gửi tặng thư viện của các trường đại học và cả thư viện Quốc hội tại Hàn Quốc với nỗ lực quảng bá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người bền bỉ đưa văn học Việt đến Hàn Quốc - Ảnh 3.

Sách Nhật ký trong tù (ảnh trái) và bìa sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Hàn Quốc

* Tại sao giáo sư chọn dịch tác phẩm Chúa đất của tác giả Đỗ Bích Thúy trong hai năm 2020 - 2021? Giáo sư nhận thấy tác phẩm này có ảnh hưởng như thế nào khi nó ra đời tại Hàn Quốc?

- Lý do tôi quyết định dịch tác phẩm Chúa đất của tác giả Đỗ Bích Thúy là vì được tổ chức "Hanse Yes 24 Foundation" hỗ trợ chi phí và chỉ định dịch cuốn tiểu thuyết Chúa đất. Nếu cuốn sách này được xuất bản tại Hàn Quốc, tôi nghĩ rằng người Hàn Quốc có thể hiểu thêm về Hà Giang, người Mông và văn hóa Việt Nam, từ đó cảm tình của họ đối với Việt Nam sẽ tăng lên. Và tôi rất ấn tượng về trí tưởng tượng và khả năng dẫn dắt câu chuyện của tác giả Đỗ Bích Thúy.

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc thông qua giao lưu văn hóa. Để người dân hai nước hiểu biết về văn hóa của nhau, tôi cho rằng nên xuất bản nhiều bản dịch các tác phẩm văn học như tiểu thuyết, thơ của tác giả hai nước. 

Tất nhiên, việc trao đổi các hoạt động nghệ thuật khác như triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh cũng có thể giúp ích nhiều cho việc củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nên chính phủ hai nước cần lập ngân sách và chi viện nhiều cho các hoạt động này.

Một số tác phẩm giáo sư Ahn đã dịch và cho ra mắt độc giả Hàn Quốc: Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2003), Truyện Kiều (2004), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (2008), Những năm tháng không thể nào quên, Tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2018), Thời tái chế của nhà thơ Mai Văn Phấn (2020), Chúa đất của tác giả Đỗ Bích Thúy (2022).

Giới thiệu truyện ngắn đương đại Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt - Hàn Giới thiệu truyện ngắn đương đại Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt - Hàn

TTO - Tập sách 'Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc' tuyển chọn từ tạp chí Koreana (tập 2) vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam ngày 25-11, đánh dấu bước tiếp nối từ lần ra mắt tập 1 vào năm 2019.

KIỀU BÍCH HẬU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp