Kỹ sư Võ Văn Phương cùng cộng sự xử lý sự cố đường dây thông qua phần mềm tự động - Ảnh: B.D.
"Lâu nay các sự cố trên hệ thống điện thường tốn kém nhiều thời gian cho việc phát hiện, sửa chữa. Nhưng mọi thứ giờ đây đã khác. Thay vì phải dò tìm sự cố và cắt điện trên diện rộng, chúng tôi chỉ việc ngồi ở phòng điều hành và biết được những gì đang xảy ra ở ngoài hiện trường" - thạc sĩ Võ Văn Phương, phó phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Đà Nẵng, nói.
Ông cùng ba cán bộ tại Điện lực Đà Nẵng sáng tạo và ứng dụng thành công hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh.
Việt hóa phần mềm ngoại
Ông Phương cho biết yêu cầu phát triển lưới điện thông minh được Chính phủ và Tập đoàn Điện lực VN đặt ra từ lâu, đòi hỏi mỗi cán bộ, kỹ sư toàn ngành phải tìm ý tưởng sáng tạo.
Những năm 2016, sau nhiều thời gian mày mò lên ý tưởng, ông cùng ba cộng sự trong công ty gồm Nguyễn Hoàng Nhân, Lê Hoài Sơn và Lê Văn Phú quyết định đăng ký đề tài khoa học xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh.
Thời điểm này trên thế giới việc tự động hóa quy trình vận hành, sửa chữa điện lưới đã được làm bài bản. Tuy nhiên, trong nước đa phần các công việc đều phải thực hiện thủ công. Một trong những thao tác mất rất nhiều thời gian và khiến không ít khách hàng phàn nàn là khi hệ thống điện bị trục trặc, việc mất điện sẽ xảy ra trên diện rộng, mất rất nhiều thời gian để dò tìm vị trí hư hỏng, điện bị cúp trong thời gian dài.
Sau nhiều tháng mày mò tài liệu, ông Phương cùng ba kỹ sư phát hiện ở Canada có phần mềm cô lập, xử lý sự cố tự động hoạt động rất hiệu quả. "Tuy nhiên vì bản quyền sở hữu trí tuệ, hành lang pháp luật cũng như khả năng ứng dụng ở Việt Nam khác biệt nên chúng tôi phải tự sáng tạo trên cơ sở phần mềm lõi để "nội địa hóa" phần mềm này" - ông Phương cho biết.
Dự án táo bạo của ông Phương mở ra cơ hội lớn làm thay đổi cách thức vận hành, quản lý hệ thống điện và ngay lập tức được lãnh đạo Điện lực Đà Nẵng ủng hộ hết mình.
Suốt 2 năm trời, từ cuối 2016 đến 2018, ông Phương cùng êkip gần như dành hết thời gian để nghiên cứu. Dù thực tế đã có thiết bị tương tự trên thế giới, nhưng hệ thống đường dây, phụ tải và nhu cầu phát triển điện ở Việt Nam còn đang trong giai đoạn nóng bỏng, khách hàng sử dụng điện liên tục gia tăng, hệ thống đường dây cùng thiết bị chưa đồng bộ nên việc áp dụng phần mềm rất khó khăn.
Khi đường dây điện biết "tự chữa lành"
Kỹ sư Võ Văn Phương theo dõi hệ thống điện tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Điện lực Đà Nẵng - Ảnh: B.D.
Khi nghe câu chuyện đường dây điện biết tự cô lập, khoanh vùng nơi có sự cố, nhiều tín đồ của phim khoa học viễn tưởng sẽ dễ liên tưởng tới hình ảnh các robot chiến đấu… tự cô lập, xử lý các vết đạn trên cỗ máy của mình. Những hình ảnh đó dù trên phim ảnh nhưng thực tế cũng không khác nhiều về cách thức vận hành của hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh mà ông Phương cùng nhóm kỹ sư đã sáng tạo thành công.
Kỹ sư Võ Văn Phương cho biết phải mất ít nhất 3 lần thử nghiệm và nếm cảm giác thất bại trong 2 năm trời, hệ thống tự động hóa của ông và nhóm kỹ sư mới "thuần hóa" được trong môi trường điện trong nước. Ngày 10-1-2018, hệ thống lần đầu tiên được đưa ra lắp đặt và thử nghiệm trên trục đường Lê Văn Hiến, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Đây là khu vực tập trung nhiều cơ quan, các doanh nghiệp lớn, các khu du lịch. Tuy nhiên việc thử nghiệm đã đem đến kết quả lớn hơn mong đợi. "Chúng tôi rất hồi hộp và đã gửi thông báo có thể sẽ có sự cố mất điện cho khách hàng ở nơi thử nghiệm hệ thống. Tuy nhiên hệ thống đã xử lý tốt sự cố, vận hành thành công khiến mọi người đều rất vui mừng" - ông Phương nhớ lại.
Về nguyên lý hoạt động của hệ thống này, kỹ sư Phương cho biết hệ thống gồm một bộ thiết bị được đặt tại các trạm biến áp theo từng phân đoạn, khu vực. Khi có sự cố xảy ra, hệ thống sẽ kích hoạt và tự tính toán, phân tích, xác định vùng lưới điện bị sự cố. Từ đó dữ liệu được gửi đi điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện để cô lập vùng có sự cố.
Kế đó, hệ thống sẽ tiếp tục phân tích, xác định vùng lưới điện có thể khôi phục cung cấp điện trở lại, tính toán phương án khôi phục cung cấp điện tối ưu đảm bảo vận hành an toàn cho các thiết bị và tối thiểu hóa tổn thất điện năng. Qua bước này, hệ thống tiếp tục gửi tín hiệu để vận hành các dao cắt (cầu dao) có tải để khôi phục cung cấp điện cho khách hàng. Thay vì mất ít nhất 45 phút để có điện trở lại, hệ thống này sẽ khôi phục hệ thống điện trong vòng chưa đầy 15 giây.
Sáng tạo nhỏ, hiệu quả lớn
Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) cho biết phần mềm tự động hóa của nhóm thạc sĩ Phương đem lại hiệu quả rất lớn. Không chỉ nâng cao tỉ lệ tự động hóa vận hành hệ thống, ý tưởng sáng tạo này còn thay đổi cách thức quản lý hệ thống đường dây.
Đây cũng là hệ thống đầu tiên trong cả nước được triển khai tự động hóa hoàn toàn, không cần có sự can thiệp của nhân viên vận hành trong việc xác định vùng sự cố, cô lập vùng sự cố và khôi phục cung cấp điện nhanh chóng cho các khách hàng sử dụng điện.
Sau khi kết quả của giải pháp được triển khai áp dụng xây dựng thành công tại Đà Nẵng, rất nhiều đơn vị trong ngành như Công ty Điện lực Ninh Bình, Công ty Điện lực Phú Thọ, Tổng công ty Điện lực Miền Nam... đến tham quan trao đổi kinh nghiệm để triển khai xây dựng.
"Hiện nay hệ thống đang được đầu tư, nâng cấp rộng rãi ra toàn TP Đà Nẵng để quản lý điện hiệu quả hơn. Từ chỉ 16 xuất tuyến được trang bị hệ thống, Điện lực Đà Nẵng đang đầu tư lắp đặt hệ thống lên toàn bộ 54 xuất tuyến trên toàn thành phố" - thạc sĩ Võ Văn Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận