Cô Hằng (bìa phải) đến thăm nhà nữ sinh Mai Thị Ngô Mây - Ảnh: BÍCH QUÂN |
Đầu năm học, thấy một cô học trò liên tục đến lớp trễ, cô Bùi Thị Thu Hằng (Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) rất tức giận.
Cô Hằng yêu cầu học sinh này phải viết bản kiểm điểm. Khi nhận lại bản kiểm điểm này, cô Hằng nhận thấy chữ ký của phụ huynh rất nguệch ngoạc. Những ngày sau đó, cô học trò ấy vẫn tới lớp trễ. Vậy là cô Hằng tự tìm đến nhà học trò.
Đứng trước gia cảnh của em học sinh ấy - Mai Thị Ngô Mây, cô Hằng đã bật khóc...
“Cô xin lỗi em”
Cô Hằng vẫn cứ thắc mắc là tại sao Mây luôn đi học trễ, chữ ký nguệch ngoạc dưới tờ giấy kiểm điểm đó là của ai. Tại sao cô học trò có học lực trung bình ấy lại luôn lặng lẽ, co mình lại chứ không sôi nổi, ồn ào như những bạn đồng trang lứa khác. “Điều đó thôi thúc tôi phải đến nhà Mây” - cô Hằng chia sẻ. Vậy là cô Hằng tự tìm đến nhà cô học trò đặc biệt đó.
Đứng trước căn nhà lụp xụp, phía trong nhà cha Mây bị đột quỵ nằm một chỗ, mẹ Mây đang bị bạo bệnh. Mọi sinh hoạt của gia đình đều dựa vào bà nội đã già yếu và Mây. Trong căn nhà đơn sơ, chiếc xe đạp cũ mèm để mỗi buổi sáng Mây đạp đến lớp cũng tuột xích, nằm lăn lóc...
“Sáng nào Mây cũng dậy sớm để lo cho cha mẹ, xong mới đạp xe tới trường. Ngặt nỗi, cái xe đạp cũ kỹ hư miết, nên em thường tới lớp trễ. Nhìn gia cảnh em như vậy, tôi ứa nước mắt và bật nói: Cô xin lỗi em. Xin lỗi vì đã vội vã phê bình em là không hòa đồng” - cô Hằng tâm sự.
Hôm đó, cô Hằng đã dắt chiếc xe đạp của cô học trò nhỏ đi sửa chữa lại đàng hoàng. Và những buổi học sau đó, Mây đã không còn đến lớp trễ.
Nhưng làm sao để cô học trò ấy tiến bộ trong học tập và giúp cuộc sống của em bớt vất vả? Vậy là cả cô và trò cùng hứa sẽ đồng hành với nhau. Các giáo viên trong trường cũng biết câu chuyện của Mây, nên ráo riết tìm kiếm mạnh thường quân, và họ đã cam kết sẽ trao học bổng cho Mây cho đến khi em học xong hết lớp 12. Các bạn trong lớp được phân công thay phiên nhau tới giúp Mây học hay giúp đỡ công việc nhà cho bạn, cùng đi học với bạn...
“Từ một học trò nhút nhát, rụt rè, Mây bắt đầu sôi nổi, hòa đồng hơn với các bạn” - cô Hằng chia sẻ.
Không chỉ vậy, sức học của Mây còn bứt phá một cách mạnh mẽ và ngoạn mục. Năm học lớp 8, Mây giành giải nhất học sinh giỏi toán cấp quận, lớp 9 giành giải nhì học sinh giỏi môn toán cấp TP. Chưa dừng lại, Mây còn thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).
Cách đây chưa lâu, các giáo viên của Trường THCS Lê Lợi cũng đã cứu được em Đ.L.D.D. có hoàn cảnh gia đình rất bi đát. Cha mẹ bỏ nhau, sau đó thì cha D. phát bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi biệt xứ. Chán nản, D. nghiện chơi game và lang thang, vật vờ sống dưới cầu Tiên Sơn.
Các giáo viên của trường phải tìm kiếm em, thuyết phục, chở D. về dỗ dành, lo ăn uống, chia sẻ, tâm sự cùng em. Ngay thầy Nguyễn Lâm - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn - cũng đến tận nhà D. để động viên em. Các thầy cô còn treo thưởng để động viên D. tiến bộ.
Trước những ân tình đó, D. đã nỗ lực suốt một năm học và sau đó trở thành học sinh giỏi của trường. Chính thầy Lâm đã đến nhà chở D. đi mua sắm tết, thưởng nóng cho D. 1 triệu đồng.
Giáo viên đồng hành cùng học sinh
Cô Nguyễn Thị Trà Mân - phó hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh - cho biết từ thực tế có nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình éo le như cha mẹ ly hôn, hoặc học sinh chưa ngoan, nghiện game... nên nhà trường đã thực hiện chương trình “Người bạn đồng hành”. Tùy theo mỗi hoàn cảnh của học sinh, các giáo viên sẽ xúc tiến thực hiện những hoạt động tiếp sức các em.
“Chúng tôi tạo điều kiện để các em học sinh chia sẻ tâm sự. Mỗi em một hoàn cảnh, nhiều em thổ lộ từ nhỏ đến giờ chưa từng một lần được tổ chức sinh nhật. Vậy là các cô góp tiền lại, mua bánh kem, trái cây và bí mật tổ chức một bữa sinh nhật ấm cúng cho các em” - cô Mân chia sẻ.
Cũng theo cô Mân, những em học sinh này thường có hoàn cảnh rất đặc biệt, nên giáo viên phải khéo léo khi chia sẻ cùng các em.
Nhà trường còn linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng học sinh. Điển hình như việc lập nhóm tham vấn học đường với 20 giáo viên, chuyên giải đáp tất cả câu hỏi của học sinh về chuyện tình cảm, tâm sinh lý...
Ban giám hiệu còn thường xuyên mời các giảng viên tâm lý của ĐH Sư phạm Đà Nẵng, giảng viên các trường nghề về trường nói chuyện về nghề nghiệp tương lai, trang bị cho học sinh kỹ năng sống, chọn nghề cho các em...
Năm học này, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh có 20 học sinh tham gia “Người bạn đồng hành”.
“Chúng tôi suy nghĩ rằng học sinh học yếu thì có thể dần dần tiến bộ. Nhưng với những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt hoặc chưa ngoan thì rất đáng lo ngại nếu chúng ta không kịp thời đồng hành, bên cạnh các em. Đó là cả một quá trình” - cô Mân cho biết thêm.
100% học sinh đạt hạnh kiểm trung bình trở lên Thầy Nguyễn Lâm cho biết từ năm 2010, Phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn đã triển khai thí điểm chương trình “Người bạn đồng hành”, đến nay đã nhân rộng ra tất cả các trường. Hằng năm, tùy vào tình hình thực tế mỗi trường, chương trình tổ chức cho thầy cô hướng dẫn, tư vấn các chuyên đề sát sườn hoàn cảnh của đa số học sinh, như tư vấn cho các em ham chơi, cha mẹ ly dị..., hướng học sinh chia sẻ về bản thân, hoàn cảnh gia đình... Hoặc khi có những chủ đề sinh hoạt về mạng xã hội, Facebook thì mời các chuyên gia về nói chuyện; trang bị các kỹ năng sống; tổ chức cho học sinh đi dã ngoại... Theo thầy Lâm, năm học 2015-2016 có 99 học sinh tham gia chương trình “Người bạn đồng hành” thì 80 học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, 100% đạt hạnh kiểm trung bình trở lên. |
“Đồng hành, tiếp sức để mỗi học sinh đặc biệt tiến bộ là cả một quá trình cam go. Nhưng đó là niềm hạnh phúc của người giáo viên". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận