Báo Guardian ngày 1-12 cho biết Bỉ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép những người làm nghề mại dâm có quyền nghỉ ốm, nghỉ thai sản có lương và thậm chí là hưởng lương hưu theo luật mới.
Trước đó vào tháng 5, các nhà lập pháp ở quốc gia này đã thông qua luật cho phép những người lao động trong ngành mại dâm được hưởng quyền bảo vệ lao động tương tự như bất kỳ ngành nghề nào khác, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng và bóc lột.
Điều luật đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1-12 vừa qua, đảm bảo người hành nghề mại dâm ở Bỉ được ký hợp đồng lao động và nhận được sự bảo vệ về pháp lý.
Mặc dù mại dâm đã được hợp pháp hóa ở Bỉ vào năm 2022, nhưng những người lao động trong ngành này không nhận được bất kỳ sự bảo vệ hay lợi ích lao động nào, chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp hay bảo hiểm y tế.
Do đó theo luật mới, những người lao động mại dâm hiện có quyền từ chối bất kỳ khách hàng nào không phù hợp hoặc buộc họ thực hiện các hành vi đặc biệt. Họ cũng sẽ không bị sa thải khi từ chối như vậy.
Bỉ cũng quy định đối tượng được phép kinh doanh mại dâm phải là những người có "nhân cách tốt" và có địa chỉ kinh doanh tại đây; đồng thời đảm bảo cơ sở hoạt động của họ được trang bị đầy đủ các nút báo động khẩn cấp, khăn trải sạch sẽ, phòng tắm và bao cao su.
Những quyền bảo vệ này sẽ không áp dụng cho những ai làm việc tại nhà hoặc các hoạt động như múa thoát y và sản xuất nội dung khiêu dâm.
Liên đoàn lao động ngành mại dâm Bỉ đã mô tả điều luật mới này là "bước tiến vượt bậc, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với người lao động mại dâm".
Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng các quy định này có thể "bị lợi dụng" để giảm thiểu hoặc loại bỏ ngành.
"Chúng tôi đã chứng kiến không ít thành phố lợi dụng các lý do như an toàn và vệ sinh để ban hành những quy định địa phương rất khắt khe khiến những người lao động mại dâm không thể làm việc ở đó", họ nhấn mạnh.
Một số tổ chức ủng hộ nữ quyền đã lên tiếng chỉ trích điều luật mới này. Khi dự thảo được công bố vào năm 2023, Hội đồng Phụ nữ nói tiếng Pháp tại Bỉ đã gọi đây là một bước đi “thảm họa” đối với các cô gái trẻ và nạn nhân của nạn buôn người.
"Việc chấp nhận mại dâm tồn tại trong xã hội và buộc phải bảo vệ những người hành nghề này là chấp nhận bạo lực mang tính phân biệt giới thay vì chống lại nó", người đứng đầu tổ chức này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận