Phóng to |
Anh Huỳnh Ngô Tịnh trao quà cho các bạn thanh niên công nhân nghèo trong một chương trình - Ảnh: N.Trường |
Hơn bốn năm gắn bó với trung tâm, anh Tịnh đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ đời sống thanh niên công nhân. Hầu hết hoạt động trung tâm đều phải đi vận động mạnh thường quân. Nhưng phải làm cái gì mới, giúp được cho công nhân thiết thực là điều anh làm những năm qua.
Đến gần công nhân
Năm 2011, khi thăm các khu trọ công nhân, Tịnh không yên lòng khi thấy nhà trọ xập xệ, đời sống công nhân buồn tẻ. “Lúc đó tôi tự hỏi làm sao giúp các bạn? Có xây nhà mới cho các bạn được không?” - anh nói. Rồi Tịnh nghĩ ra việc thành lập các khu trọ thành khu lưu trú văn hóa công nhân. Yếu tố văn hóa được xác định gồm các tiêu chí: phòng trọ đảm bảo diện tích tối thiểu 12m2, an ninh và an toàn cháy nổ, có sân rộng tổ chức được sinh hoạt tập thể cho công nhân đang cư trú.
Cùng với đó, Tịnh còn đi vận động xin tivi, dàn karaoke, lập kệ sách... để công nhân vui chơi, giải trí. Mỗi tuần nhân viên trung tâm lại xuống luân phiên qua các khu, tổ chức các buổi tuyên truyền về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe sinh sản... hay đơn thuần là chiếu phim miễn phí cho mọi người.
Để hoạt động được lâu bền, trung tâm vận động thành lập CLB thanh niên công nhân ngay tại khu lưu trú. CLB tự tổ chức các hoạt động cho mình. Không chỉ vậy, trung tâm cũng vận động cả chủ nhà trọ hỗ trợ công nhân khó khăn, không tăng giá điện nước hay giảm tiền trọ. Còn chính quyền địa phương tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại các khu lưu trú văn hóa.
Đến nay, trung tâm đã thành lập được 35 khu lưu trú văn hóa với hơn 5.000 thanh niên công nhân lưu trú. “Mở được một khu lưu trú văn hóa là mở thêm được một cánh cửa đến gần với thanh niên công nhân”, Tịnh nói.
Quyết tâm làm
Những năm gần đây Tịnh cũng là người đứng ra làm ông mai bà mối tổ chức đám cưới tập thể cho 315 cặp đôi công nhân.
Ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể xuất phát từ câu chuyện đơn giản mà Tịnh được các bạn công nhân chia sẻ: “Nhiều người yêu nhau mà đâu dám cưới, có người đăng ký kết hôn mấy năm rồi mà chưa được mặc áo cô dâu. Cũng có những đám cưới mà sau đó cô dâu chú rể nợ như chúa chổm. Nhiều công nhân lao đao vì đám cưới và cũng nhiều người sợ cưới lắm”.
Lúc đầu trung tâm chỉ dám làm đám cưới cho năm cặp. “Lúc đó các bạn công nhân phải đóng đến 2 triệu đồng, còn trung tâm phải chạy đôn chạy đáo mới huy động được tiền tài trợ gần trăm triệu đồng nữa để tổ chức lễ cưới. Có lúc tưởng phải hủy vì không huy động nổi”, Tịnh nhớ lại. Năm cặp đôi công nhân nên duyên hạnh phúc là động lực để Tịnh tiếp tục làm công việc xe duyên đến nay. Giờ đám cưới được tổ chức tươm tất hơn, mỗi cặp đôi cũng chỉ “góp vốn” 1 triệu đồng.
Chị Châu Thị Hoàng Oanh - giám đốc trung tâm tiệc cưới Grand Palace, nơi đã hỗ trợ trung tâm tổ chức đám cưới tập thể hai năm liền, ấn tượng: Tịnh và các thành viên của trung tâm luôn muốn làm hết sức để có những đám cưới chỉn chu nhất cho công nhân.
Những hoạt động khác của trung tâm như mở lớp học võ, học luật miễn phí hay tổ chức du lịch giá rẻ... đều được Tịnh đưa ra dựa trên nhu cầu thực tế của thanh niên công nhân. Những việc đã làm được cũng nhiều nhưng Tịnh và trung tâm vẫn còn trăn trở: công nhân vẫn còn khổ quá, vẫn còn nhiều điều phải lo cho công nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận