31/12/2016 19:07 GMT+7

'Người anh em, có thể thí một xu không?'

DU LÊ
DU LÊ

TTCT - 24 giờ sau hung tin về sự ra đi, dẫu thanh thản, ngay trong Giáng sinh, những bài báo nói về George Michael, trong vai mạnh thường quân lắm khi bí mật, xuất hiện.

Ảnh promo cho tour diễn Symphonica
Ảnh promo cho tour diễn Symphonica

Và đó là một phần không thể không nhắc tới trong cuộc đời người nghệ sĩ này.

Một trong những đề thi viết IELTS yêu cầu thí sinh nêu quan điểm về vấn đề “liệu người nổi tiếng ủng hộ các dự án như quyên quỹ quốc tế sẽ giúp thu hút sự quan tâm vào các vấn đề hệ trọng, hay như số khác cho rằng họ - người nổi tiếng - chỉ làm cho các vấn đề trở nên kém quan trọng?”.

Đây hẳn là một sự kiểm tra khả năng tư duy ngôn ngữ lấy ra chính từ một tranh luận phổ biến ở xã hội phương Tây, nhất là sau đỉnh cao của Live Aid - một cuộc hòa nhạc để quyên góp giúp đỡ nạn đói hoành hành tại Ethiopia - diễn ra ngày 13-7-1985 đồng thời tại sân vận động JFK, Philadelphia (Mỹ) và sân vận động Wembley tại London (Anh), cùng rất nhiều show hưởng ứng tại Nga, Nhật, Úc.

Live Aid thu hút khoảng 1,9 tỉ người xem qua truyền hình tại 150 quốc gia, thu được 150 triệu bảng Anh thời bấy giờ.

Trước đó, George Harrison tổ chức Concert for Bangladesh năm 1971, với sự tham gia của Bob Dylan, Ravi Shankar, Eric Clapton, Ringo Starr, Billy Preston, Leon Russell (vừa qua đời tháng 11-2016), gây quỹ viện trợ tác hại của bão Bhola và chiến tranh giải phóng Bangladesh, đóng góp trực tiếp cho UNICEF.

Đấng nam nhi đích thực

Năm 2000, bản Brother, can you spare a dime (Người anh em, có thể thí một xu không?) xuất thần của George Michael, hát lại sáng tác giàu nghĩa tình của thời Đại khủng hoảng 1930 tại Mỹ ở buổi concert của Luciano Pavarotti & Friends (Modena, Ý), được báo giới cho là xuất sắc nhất trong suốt đêm diễn đầy các ngôi sao và... chán ngắt, bất chấp mục đích từ thiện muốn gây quỹ ủng hộ Tây Tạng và Campuchia.

Ngày 6-11-2011, George biểu diễn show từ thiện trong khuôn khổ tour lưu diễn Symphonica cùng dàn nhạc tại Nhà hát opera hoàng gia London cho Quỹ tưởng niệm Elizabeth Taylor mới thành lập bởi Tổ chức Elton John AIDS Foundation, thu được con số khổng lồ 987.000 bảng. 

George từng tổ chức hẳn một đêm nhạc miễn phí hoàn toàn cho giới cấp dưỡng như lời biết ơn những chăm sóc họ đã mang tới cho mẹ anh khi bà còn sống, trước khi qua đời do ung thư vào năm 1997. Anh “boa” 5.000 bảng cho một nữ phục vụ đang học điều dưỡng và lâm vào nợ nần, nhà báo Sali Hughes tiết lộ chuyện này và gọi George là một “đấng nam nhi đích thực”.

Global Festival lần thứ tư
Global Festival lần thứ tư

Fan của Beatles và người dân cảng Liverpool cũng tri ân tấm tình của George khi anh đã mua lại với giá 1,4 triệu bảng chiếc piano John Lennon đã sử dụng khi sáng tác bản nhạc Imagine và hiến lại cho Bảo tàng Beatles Story.

Các show diễn miễn phí là thực tiễn các utopia thu nhỏ của sự hân hoan và ý thức cộng đồng trội lên khỏi vũng lầy tồn tại ngày qua ngày của những điều chán ngắt, khùng điên và bức bối, ai đó đã nói như vậy từ năm 1980.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới vơi dần tình thương”

Từ bé, George với Andrew Ridgeley, người bạn học tại trung học Bushey Meads, Hertfordshire, đã kiếm tiền từ việc hát rong - biểu diễn tại nơi công cộng - ở khu vực London Underground phía tây bắc London.

Một trong những giấc mơ rồ dại thuở thiếu thời này của anh và Andrew về sau đã trở thành hiện thực: bốn năm sau khi thành lập, Wham! trở thành nhóm nhạc phương Tây đầu tiên biểu diễn tại Trung Quốc, trước 15.000 khán giả.

Nên nhớ rằng Careless Whisper được sáng tác khi George mới... 17 tuổi. Được ví như Thriller phiên bản Anh với 10 triệu bản thu tiêu thụ riêng tại Mỹ, album solo đầu tay Faith (1987) được George viết, phối khí và sản xuất, thay đổi hoàn toàn hình tượng một thần tượng tuổi teen thành một siêu sao âm nhạc phạm vi toàn cầu khi George 24 tuổi.

Wham! chấm dứt, nhưng hình ảnh hai thiếu niên bất cần, trẻ trung vẫn sống mãi ở giữa đỉnh cao phong độ.

Chứng kiến cái chết bi đát của thần tượng Freddie Mercury (nhóm Queen), tham gia vào buổi tribute độc nhất vô nhị cho Fred và cái chết bi đát không kém của người tình Anselmo Feleppa năm 1993, đều vì AIDS, không ngạc nhiên khi George Michael thấm thía nỗi đau của những bệnh nhân AIDS trong giai đoạn bùng nổ của căn bệnh thế kỷ 20.

Wham! tại Vạn lý trường thành năm 1985
Wham! tại Vạn lý trường thành năm 1985

Trong nhiều năm, đại diện Tổ chức phòng chống HIV Terrence Higgins Jane Barron cho hay George đã luôn đóng góp với tư cách cá nhân. Bản hit lừng danh của anh, hát với Elton John, Don’t let the sun go down on me, năm 1991 cũng sử dụng tiền tác quyền thu được để sung vào 10 tổ chức từ thiện khác nhau.

Ngoài AIDS, George còn có sự tri ân dành cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cả giới thợ mỏ, bên cạnh những ủng hộ nhiệt thành cho sự bảo vệ và công nhận cộng đồng LGBT mà anh thuộc về (George là người đồng tính, một thứ cực hình khi bị báo chí săm soi đời tư như ở Anh, từng xảy ra với Oscar Wilde).

Nhà báo Esther Louise Rantzen, sáng lập kiêm chủ tịch ChildLine - đường dây nóng 24 giờ tư vấn miễn phí cho trẻ em đến trước 19 tuổi tại Anh - cho hay toàn bộ tác quyền từ hit Jesus to a Child, bản hit năm 1996 của George, đều được sung quỹ, lên đến hàng triệu bảng (con số chính thức không được tiết lộ) và giúp đỡ hàng trăm ngàn thanh thiếu niên.

Trong đời tư, George từng tham gia phiên bản celeb Ai là triệu phú với Ronan Keating và hiến tặng số tiền thắng giải, 32.000 bảng, cho một quỹ từ thiện. Anh đích thân gọi điện bí mật cho một phụ nữ tham gia chương trình truyền hình Deal or No Deal mắc chứng vô sinh và tặng 15.000 bảng phục vụ chữa trị, ngay ngày hôm sau. Người phụ nữ, hay tin George mất, đã kể câu chuyện này cho người dẫn chương trình Richard Osman.

Danh sách các tổ chức và quỹ từ thiện George đã tham gia hoặc ủng hộ hiện kim không hề ngắn: ChildLine, Children with AIDS, Crusaid, Elizabeth Taylor AIDS Foundation, Elton John AIDS Foundation, Goss-Michael Foundation, Gray Cancer Institute, Help a London Child, Jubilee Action, Macmillan Cancer Support, Marie Curie Cancer Care, Meals On Wheels, Nottinghamshire Bereavement Trust, Outcome, Red Hot Organization, The Food Chain, Uk Thalassamia Society, War Child, Swan Lifeline, Sightsavers International, Rhys Daniel Trust, Chữ thập đỏ... với nhiều mục đích, từ phòng chống AIDS & HIV, bảo vệ động vật, bảo vệ thanh thiếu niên kém may mắn/cơ nhỡ đến nhân quyền, chống côn đồ học đường, giải tỏa trầm cảm và tự tử...

George từng chia sẻ về mẹ mình: “Bà cảm thấy cũng như tôi, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vơi dần tình thương”.

Celeb vỗ lưng nhau

Nghệ sĩ tiền phong Frank Zappa từ chối tham gia Live Aid với quan điểm chương trình không giải quyết triệt để các vấn đề những quốc gia đang phát triển đang gặp phải, mà chỉ tạo thêm cách cho những quốc gia phát triển... dùng “chất kích thích”.

George Michael và Freddie Mercury chụp năm 1990, 1 năm trước khi Freddie qua đời vì AIDS.
George Michael và Freddie Mercury chụp năm 1990, 1 năm trước khi Freddie qua đời vì AIDS.

Alan Wilder của nhóm nhạc Anh thành công nhất nhì thập niên 1980 Depeche Mode băn khoăn, tự nhận mình là một kẻ hoài nghi, không biết bao nhiêu lợi nhuận thu được từ doanh số bán đĩa vượt trội đến tay người dân Ethiopia.

Từ thiện nên là một nghĩa cử hoàn toàn riêng tư, phi vụ lợi. Andy Kershaw chỉ trích Bob Geldof - người khởi xướng Live Aid - đã hù dọa các nghệ sĩ tham gia biểu diễn rằng Bob là kẻ khó ưa, hời hợt, chua ngoa và tự thỏa mãn. Bob Geldof theo tường thuật nay đã vào truyền thuyết, đã ngắt sóng và hét: “Dẹp địa chỉ đi, hãy nói con số [tiền thu được]” và kêu gọi khán giả: “Đưa tiền của mấy người đây!”.

Luôn tồn tại một mối quan hệ khắng khít tay ba giữa các tổ chức, giới nghệ sĩ và người nổi tiếng nói chung, cùng những nhãn hàng lớn nhỏ, quây lấy người thụ hưởng khó khăn ở giữa theo chủ nghĩa Geldof (đặt theo tên Bob Geldof).

Yếu tố ăn khách, nổi tiếng và cả mức độ ồn ào được đặt lên hàng đầu, vô hình trung loại ra ngoài rìa những nghệ sĩ kém tên tuổi hơn, nhưng không có nghĩa những nghệ sĩ đó không thể hay không có ý định tham gia từ thiện. “Mọi người đều cảm thấy bực dọc khi mãi nghe cánh celeb vỗ lưng khen nhau rộng lượng, và họ đúng đó” - George nói.

Hình tượng và vai trò áp đặt lên một người nổi tiếng từ phía xã hội, từ phía truyền thông, từ chính nền văn hóa nội tại lẫn học hỏi từ giao thoa thường khó có những ranh giới rõ rệt. Đời tư, thậm chí tư cách của một người nghệ sĩ, sẽ chỉ được ưu ái khi họ cố tình hay vô ý lộ ra những hình ảnh và nghĩa cử mà công chúng tìm thấy mình ở đó, và họ sẽ dễ bề nổ tung lên nếu thấy điều ngược lại.

Khó mà chỉ rõ ra rằng sự toàn vẹn không tưởng của nhân vật công chúng không - xìcăngđan, cao thượng và tài năng ở châu Á hay sự xới tung đời tư cá nhân người nổi tiếng của kền kền báo chí phương Tây, cái nào gây tác hại đến người nghệ sĩ hơn.

Thay vì đạo mạo phán xét, hay dễ dãi tán dương những nghĩa cử hết sức bình thường và con người như của Mỹ Tâm mới đây, chúng ta nên chú trọng hơn vào những giá trị, dẫu lỗi thời hay dễ dịch chuyển, mà chúng ta chủ đích chọn cho mình.■

George Michael
George Michael

George Michael đã lận lưng 17 giải thưởng từ 49 đề cử danh giá của âm nhạc trong sự nghiệp 30 năm, trong đó có 3 giải Brit Award, 4 giải MTV Video Music Award, 2 giải Grammy, 4 giải Ivor Novello.

DU LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp