17/12/2023 20:19 GMT+7

Người 10 lần lên đỉnh Everest đến Việt Nam chia sẻ về chinh phục nóc nhà thế giới

Ngày 17-12, tại sự kiện về leo núi và thám hiểm vùng Himalaya, anh Temba Bhote - nhà leo núi 10 lần chinh phục đỉnh Everest - đã có những chia sẻ, giao lưu với người Việt trẻ ấp ủ giấc mơ chinh phục các ngọn núi cao nhất thế giới.

Nhà leo núi người Nepal Temba Bhote tại buổi giao lưu ở TP.HCM - Ảnh: THÀNH TRỌNG

Nhà leo núi người Nepal Temba Bhote tại buổi giao lưu ở TP.HCM - Ảnh: THÀNH TRỌNG

Lần đầu đến Việt Nam, hướng dẫn viên leo núi người Nepal ấn tượng trước sự sôi động và thân thiện của TP.HCM. Anh Temba là nhà leo núi nổi tiếng ở Nepal, đã dẫn đầu nhiều đoàn thám hiểm những ngọn núi cao trên 8.000m như Everest, Makalu, Annapurna, Manaslu và K2 (Pakistan)…

Anh chia sẻ: "Trong sự nghiệp của mình, tôi đã leo lên đỉnh Everest 10 lần. Tôi học được nhiều điều từ những chuyến thám hiểm này. Lần đầu leo lên đến đỉnh Everest, tôi đã hoàn toàn kiệt sức, nghĩ rằng mình không thể chinh phục được, nhưng từ lần thứ hai trở đi đã tiến bộ hơn. Tôi mê chinh phục Everest và những ngọn núi khác mà tôi đã leo cao hơn 8.000m".

Leo núi phải chuẩn bị kỹ càng, từ từ

Theo anh Temba, để có thể chinh phục thành công Everest hay các núi có độ cao trên 6.000m, người mới bắt đầu nên leo trước những núi có độ cao thấp hơn rồi mới tăng dần, để rèn sức và đảm bảo an toàn tính mạng.

"Đi những cung khoảng 3.000 - 5.500m ở Nepal là cách để trải nghiệm, bước đệm để chúng ta biết ngưỡng chịu đựng của cơ thể mình như thế nào. Đó là khởi đầu của việc chinh phục độ cao từ 6.000m", anh nói.

Anh cho hay Everest Base Camp là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest. Muốn leo đến đỉnh phải có thời gian thích nghi, nếu không sẽ sốc độ cao và buộc phải quay về, làm quen lại từ từ.

"Môn leo núi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng và từ từ. Bên cạnh thể lực, sức khỏe thật tốt thì chuẩn bị tâm lý cũng là điều quan trọng để tránh hoảng sợ khi lên cao. Leo núi tuyết không thể dục tốc bất đạt, phải đi từng bước", anh cho biết.

Chị Céline Nhã Nguyễn trong hành trình chinh phục đỉnh Everest - Ảnh: NVCC

Chị Céline Nhã Nguyễn trong hành trình chinh phục đỉnh Everest - Ảnh: NVCC

Céline Nhã Nguyễn: Sẽ hoàn thành chinh phục mọi ngọn núi cao nhất mỗi châu lục

Tham gia buổi trò chuyện cùng anh Temba Bhote do Himalayas Adventure tổ chức còn có chị Céline Nhã Nguyễn (Nguyễn Thị Thanh Nhã). Đây là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest vào năm 2022. Sự kiện ấy đã truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ, những người cũng ấp ủ giấc mơ đứng trên nóc nhà thế giới Everest.

Chia sẻ tại buổi giao lưu TP.HCM, chị Nhã cho biết leo núi không cần sức mạnh, mà cần sức bền. Để cơ thể làm quen với điều đó, người leo cần tập những bài chú trọng sức bền, giúp cơ đùi săn chắc như leo cầu thang, đạp xe…

Ngoài ra cần phải đi thực địa những ngọn núi có độ cao từ 2.000 - 5.000m để cơ thể làm quen với độ cao. Trước mỗi hành trình thám hiểm, chị thường rèn sức bằng việc trekking các nơi gần TP.HCM như núi Dinh, núi Bà Đen, núi Chứa Chan…

Theo chị Nhã, có hai điểm khác biệt giữa leo núi (trekking) và thám hiểm (expedition). "Thứ nhất là khác nhau về độ cao. Leo núi dưới 4.000m - 5.000m vẫn được xem là trekking. Khoảng từ 6.000m trở lên thì khó khăn hơn và được xem là thám hiểm. Lúc này buộc phải dùng công cụ, trang thiết bị leo núi cao độ đi trên vùng tuyết.

Thứ hai là khác biệt về kỹ thuật. Có những ngọn núi không cao lắm nhưng đòi hỏi phải có nền tảng kỹ thuật tốt và sử dụng trang thiết bị cho leo núi cao độ, leo vách đá", chị Nhã cho hay.

Chị kể mình đã từng leo Jaya - ngọn núi cao nhất của châu Đại Dương. Dù núi này chỉ cao dưới 5.000m nhưng buộc phải leo bằng trang thiết bị, dụng cụ leo núi đá hoàn toàn. "Đó được xem là một sự thám hiểm lớn đối với người trong lĩnh vực leo núi", chị nói.

Chị Thanh Nhã đã chinh phục thành công 6/7 ngọn núi cao nhất ở mỗi châu lục, chỉ còn núi Denali (bang Alaska, Mỹ) và chị dự định thực hiện vào tháng 6-2024.

Theo những nhà leo núi chuyên nghiệp, người leo núi cần tìm hiểu về trang thiết bị dùng để leo như dây thừng, móc, bốt leo núi, đồ bảo hộ. "Phải leo một số núi để tìm hiểu xem đôi giày nào, bộ đồ nào hợp với mình, cách leo ban ngày và ban đêm đi, ăn uống làm sao, chống lại sốc độ cao thế nào. Những cái này bắt buộc phải qua thực tế chứ không có khóa học nào giúp mình yên tâm chuẩn bị lên thẳng đỉnh 8.000m", chị Nhã chia sẻ.

Bên cạnh đó, tài chính cũng là một yếu tố mà người muốn leo Everest phải tính toán kỹ, bởi chi phí đắt đỏ. Theo chị Nhã, giá thấp nhất là từ 10.000 USD và lên đến hàng trăm ngàn đô la cho một chuyến thám hiểm.

Anh Temba có một công ty được đặt tên là Adventure 14 Summit. Sở dĩ anh đặt cái tên này vì muốn chinh phục tất cả 14 ngọn núi cao trên 8.000m. "Đó là mục tiêu của tôi, tôi sẽ cố gắng hoàn thành giấc mơ này trong vòng ba năm", anh tâm sự. Nhà leo núi này hiện đã chinh phục 9/14 đỉnh núi cao trên 8.000m.

Anh cũng mong muốn sẽ phát triển bộ môn leo núi dành cho người châu Á, trong đó có người Việt Nam.

Người phụ nữ chinh phục đỉnh Everest nhanh nhất thế giớiNgười phụ nữ chinh phục đỉnh Everest nhanh nhất thế giới

TTO - Giới chức Nepal ngày 27-5 cho biết nhà leo núi Hong Kong Tsang Yin Hung đã trở thành người phụ nữ chinh phục đỉnh Everest nhanh nhất thế giới khi hoàn tất hành trình leo núi trong 25 giờ 50 phút.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp