Cán bộ y tế thống kê ca nhiễm mới mỗi ngày để làm báo cáo - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 5-3, Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng thông báo số ca nhiễm hằng ngày để tránh gây hoang mang.
Đếm ca hay thôi?
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên tiếp tục đếm ca hay dừng, bởi con số công bố hằng ngày hiện nay, theo nhiều ý kiến cũng là không chính xác. Anh Dương Văn Thành - một người dân ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng việc công bố số ca nhiễm COVID-19 mới không chỉ có tác động đến đời sống người dân mà còn tác động đến kinh tế.
"Dựa vào số ca nhiễm, nhiều người kinh doanh có thể đưa ra kế hoạch kinh doanh của mình. Nếu số ca nhiễm cao, đồng nghĩa với việc những người có thể ra ngoài lao động, vui chơi thấp, hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ bị hạn chế", anh Thành giải thích.
Theo anh Thành, việc công bố số ca nhiễm mới đã trở thành thông lệ nên khi có thông tin không công bố sẽ có nhiều người không đồng tình.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - lại đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế. Ông An cho rằng không cần đếm ca mới, nhưng tránh để người dân lơ là, chủ quan, vẫn cần thống kê, thông tin chính xác số bệnh nhân biến chuyển nặng, tử vong do COVID-19.
Nhiều ý kiến khác cũng thống nhất với đề xuất tạm dừng công bố ca mắc mới, nhưng lý do tạm dừng, theo họ là những thông số được công bố hiện nay chưa chính xác, không đúng với thực tế.
Theo TS Trần Thanh Tùng (Đại học Y Hà Nội), hiện nay nhiều người nhiễm nhưng không báo nên số liệu không chính xác. Hơn nữa hầu hết ca nhiễm hiện nay biểu hiện nhẹ do đã được tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19.
Trong phòng điều trị COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Chỉ cần công bố ca nặng, ca tử vong
Chia sẻ thêm, TS Tùng cho rằng việc xem số liệu hằng ngày đã thành thói quen của người dân. "Tuy nhiên khi con số đã không còn chính xác, không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì chúng ta nên gỡ bỏ. Tại nhiều nước họ đã không còn công bố ca nhiễm hằng ngày nữa. Bộ Y tế chỉ nên công bố số ca nặng phải nhập viện và tử vong hằng ngày mà không cần phải công bố ca mới chung", TS Tùng nói.
Với đề xuất kể trên, Bộ Y tế dự định các địa phương vẫn sẽ thống kê số mắc mới cùng 7 chỉ số đánh giá mức độ dịch, nhưng việc có công bố rộng rãi cho người dân biết hay không thì thực hiện theo điều 39 trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Sơ bộ, các địa phương sẽ công bố cấp độ dịch của địa phương, không công bố cụ thể số mắc mới hằng ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về dịch tễ thừa nhận thực tế số mắc mới tăng rất cao và có thể đề xuất dừng đếm ca sẽ được chấp thuận. Nhưng ông này cho rằng các cơ quan y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm, từ đó mới đánh giá được xu thế của dịch và có biện pháp xử trí.
"Số ca mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, nhưng số ca mới sẽ luôn đi trước số chuyển nặng và tử vong, nếu ngưng đếm, thả lỏng bây giờ là buông xuôi, chưa được. Tuy nhiên khi công bố thông tin thì chỉ cần thông báo số ca nặng và tử vong, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế", vị chuyên gia chia sẻ.
Một quan chức của Bộ Y tế cũng chia sẻ đang lắng nghe ý kiến xung quanh việc đếm hay không đếm ca nữa. "Vẫn thống kê số mắc mới, người dân sẽ biết cấp độ dịch tại khu vực mình sinh sống và nơi sắp đi đến, xem phòng chống thế nào. Còn công bố ca mới hằng ngày thì có cần và có lợi hay không?", quan chức này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận