02/06/2009 04:04 GMT+7

Ngừa bệnh xương khớp ở người cao tuổi

PGS PHẠM HUY HÙNG (BV ĐH Y dược TP.HCM)
PGS PHẠM HUY HÙNG (BV ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Thoái hóa khớp ở người cao tuổi là tình trạng lão hóa của khớp (thường trên 50 tuổi), biểu hiện lâm sàng là đau lưng, đau gối, đau háng.

QBUWtjGt.jpgPhóng to
Tập dưỡng sinh ở TP.HCM - Ảnh: P.H.Hùng

Đau tăng lên khi vận động, đứng lên, ngồi xổm, đi lại, thường có các phản ứng co cơ kèm theo và đau giảm khi nghỉ ngơi.

Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết, chụp X-quang có thể thấy khe khớp hẹp, mọc gai xương.

Tỉ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi. Theo thống kê của NHANES (National health and nutrition examination survey) ở lứa tuổi 25-34 tần suất mắc bệnh tăng lên mỗi năm là 0,1%, ở lứa tuổi 65-74 là 10-20%.

Thoái hóa khớp thường biểu hiện ở ba vị trí là cột sống, khớp gối và khớp háng.

Phần lớn bệnh nhân lớn tuổi có đau lưng, nếu chụp X-quang đều có các dấu hiệu của thoái hóa như mọc gai, hẹp đĩa đệm... là những dấu hiệu đặc trưng của thoái hóa cột sống và hầu hết những người trên 60 tuổi (dù không có biểu hiện gì) khi chụp X-quang đều có các dấu hiệu này.

Thoái hóa khớp gối: thường gặp ở nữ trên 50 tuổi, những dấu hiệu thường gặp là đau khi đi lại nhiều lần, khi lên xuống cầu thang, ngồi xổm cảm thấy rất khó, nghe có tiếng lắc rắc ở khớp, tình trạng này ngày càng tăng, đôi khi khớp có kèm sưng nóng và có dịch. Trên phim chụp X-quang có các dấu hiệu hẹp khe khớp và mọc gai.

Bệnh hoại tử chỏm xương đùi thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, có nguyên nhân chính là do uống nhiều rượu, đau và hạn chế vận động khớp háng ở các tư thế, nhất là dạng chân và bước lên cao, trên phim chụp sẽ thấy chỏm xương đùi bị hoại tử, mòn và xẹp, bệnh nhanh chóng dẫn đến tàn phế (đau và không đi được).

Cách phòng bệnh

Lao động hợp lý: một số nghề có thể gây thoái hóa sớm như khuân vác (thoái hóa cột sống), thường xuyên sử dụng búa, khoan (khớp vai, khuỷu); những người thường tập luyện thể thao như cử tạ, chạy, nhảy. Chú ý kiểm tra thường xuyên để hạn chế các ảnh hưởng quá mức đối với các khớp liên quan. Tránh các tư thế xấu như ngồi còng lưng.

Tập dưỡng sinh và luyện thở: tập dưỡng sinh có rất nhiều động tác ảnh hưởng đến cột sống như ưỡn cổ, ưỡn mông, bắc cầu, tam giác, vặn cột sống, chiếc tàu, sư tử, chào mặt trời...

Các động tác ảnh hưởng đến các khớp gối, khớp háng, khớp ở tay chân như xem xa xem gần, co tay rút ra phía sau, để tay giữa lưng nghiêng mình, bắt chéo tay sau lưng.

Tuy nhiên điều quan trọng là khi thực hiện các động tác dưỡng sinh này cần phải được kết hợp với phương pháp hít thở sâu thì tuần hoàn mới được tăng cường, và khí huyết lưu thông đến tận các tế bào, các cơ quan tạng phủ. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý luận của y học cổ truyền “thông tắc bất thống”, khí huyết lưu thông sẽ hết đau.

Dinh dưỡng hợp lý: tránh tình trạng béo phì (quá nặng cân dễ thoái hóa khớp gối). Người Trung Quốc có câu “trường đai đoản thọ”. Người có tuổi VN nên áp dụng lời khuyên thông minh của ông bà là “đói mười ăn bảy” trong việc giữ cân nặng tối ưu. Tiết giảm các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt như kẹo, bánh, chè, mứt, trái cây quá chín ngọt như xoài, nhãn, vải, các loại thức uống ngọt.

Rượu và thuốc lá có thể gây bệnh cho khớp háng (hoại tử đầu xương đùi) rất nguy hiểm.

Bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, A, (dầu thực vật, các loại đậu hạt, ngũ cốc), vitamin C (cam, quýt, bưởi, dâu tây, ớt, cà chua...), các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium, canxi (có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, nghêu, sò, ốc, hàu...).

Điều trị sớm

Điều trị sớm khi có các dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa.

- Sử dụng các phương pháp không dùng thuốc: châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chườm ngải cứu, đắp bùn nóng, dán cao, thuốc bôi, xoa ngoài, chạy điện...

- Tùy theo bệnh lý cụ thể, thầy thuốc có dùng các loại thuốc như thuốc điều trị tạm thời giảm đau, chống viêm, các thuốc có tác dụng tăng cường đồng hóa, nâng cao thể trạng như các nội tiết tố, thuốc dinh dưỡng sụn khớp; hoặc khi khớp bị tổn thương quá nặng, mất khả năng vận động thì có chỉ định thay khớp.

PGS PHẠM HUY HÙNG (BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp