16/02/2020 11:52 GMT+7

Ngụ ngôn mới về thảm họa môi trường

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Thoạt tiên, chạm vào mắt công chúng là vẻ ngoài quái gở từ những hình nhân của nghệ sĩ François Andes - tác giả triển lãm Giao điểm thảm họa. Chừng vài phút sau đó, người ta đột ngột nhận ra chính mình mới là phần kỳ dị của thế giới tự nhiên.

Ngụ ngôn mới về thảm họa môi trường - Ảnh 1.

Quan hệ giữa con người và loài rùa là phát hiện thú vị của nghệ sĩ Andes khi nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam - Ảnh: MAI THỤY

Triển lãm Giao điểm thảm họa đang diễn ra tại Quỳnh Gallerie (18 Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM) đến ngày 28-3 không phải là cuộc tiếp xúc đầu tiên của nghệ sĩ người Pháp François Andes với Việt Nam. Năm 2018, ông từng đến trưng bày những tác phẩm về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên qua chuyện dân gian Triều Tiên, Brazil…

Suốt hai năm lưu trú sáng tác ở Việt Nam, sự thần bí của đạo Mẫu, những truyền thuyết luân chuyển giữa các thế hệ người Việt đã thu hút sự chú ý của François Andes.

Từ tự nhiên đồ sộ và bí ẩn...

Giao điểm thảm họa gồm 23 tác phẩm tranh vẽ, điêu khắc, sắp đặt của họa sĩ François Andes chìm vào tiếng dương cầm của giám tuyển Gustavo Carvalho. Trong không gian cổ tích, François Andes đang tạo ra một ngụ ngôn mới về thảm họa môi trường.

Vậy nghệ sĩ François Andes nhìn thấy gì từ dân gian? Tác giả say mê với những khu rừng và dòng sông dọc hình hài Việt, chúng gắn với đời sống người dân, chảy vào thơ ca, gieo mình vào những bản nhạc. Ở một loạt tác phẩm, nghệ sĩ thể hiện giới tự nhiên khổng lồ mà con người từng sống, nhân loại thống trị thiên nhiên nhưng cũng từng tôn thờ thế giới ấy, tạo nên những vị Mẫu cai trị chính mình.

Dưới nét bút chì của François Andes, tự nhiên (của quá khứ) hiện lên đồ sộ, bí ẩn mà lại hòa hợp với con người. Trong lối vẽ đặc trưng của họa sĩ, hình dáng con người được khoác lớp mặt nạ thú như một ẩn dụ cho mối quan hệ bền chặt của nhân loại và phần còn lại của thế giới. Thế nhưng sự xuất hiện dày đặc đến mức lấn át của con người trong tranh cũng dự báo phần nào những thảm họa tất yếu.

... đến thiên nhiên trong cuộc chiến bất tận

Trọng tâm của triển lãm là hai căn phòng đối lập, sự hòa hợp nói trên nằm trong căn phòng sơn trắng, phía bên kia là một không gian đỏ chói. François Andes muốn đưa ra một cảnh báo chỉ bằng ba tác phẩm Cuộc đua gà, Cái chết trong khu vườn này, Cuộc xâm lăng mới. Mỗi bức tranh rộng chỉ hơn gang tay nhưng lại dài hơn 5m, kéo dọc căn phòng.

Không còn dùng nét chì bay bổng, ông lập tức chuyển sang màu nước với sắc độ mạnh đến gay gắt để tả cảnh thiên nhiên nằm quằn quại dưới những tòa nhà cao tầng chen chúc xung quanh. Bức tranh như một câu chuyện không hồi kết, dẫn người xem đi xa hơn đến nơi nhân loại cởi bỏ lớp mặt nạ và ra sức tàn sát thiên nhiên, đốt rừng, diệt chủng các loài thủy sản. Dòng sông vốn là nơi truyền thuyết hình thành, nuôi nấng muôn loài nay lại trở thành một chứng nhân bất đắc dĩ cho sự hủy hoại.

Để tạo nên một biểu tượng về sức mạnh tuyệt đối của con người, họa sĩ François Andes chọn loài rùa, linh vật duy nhất có thật trong tứ tượng của phương Đông. Thế nhưng loài thú linh thiêng và có sức sống dai dẳng này trong tác phẩm của François Andes cũng chỉ là thú cưỡi cho nhân loại trước những cuộc chiến bất tận, đối đầu với mẹ thiên nhiên.

Dường như François Andes muốn thử thách người xem, bất cứ ai đi vào căn phòng màu đỏ khi quay trở ngược để xem tranh ở căn phòng trắng đều không thấy gì khác ngoài cái tàn bạo của con người với ngọn lửa rực cháy ẩn trong tranh. Sự chuyển đổi này vừa do tác dụng quang học khi đứng lâu trong không gian đỏ bao trùm, vừa do nhận thức của con người về những điều chúng ta đang làm hôm nay.

Sau tất cả, điều gì khiến con người còn nghĩ về những câu chuyện cổ và dòng sông, cánh rừng? François Andes tâm sự chua chát bên lề triển lãm rằng đôi khi con người hiện đại vẫn dùng thần thoại để biện minh cho những cơn bão, gió lốc, lũ lụt, động đất như thể chúng chẳng dính dáng gì đến sự tàn phá họ đã gây ra. Đó hẳn là sự gắn kết cay nghiệt nhất giữa con người với bài học từ cha ông mà chúng ta có thể nghĩ ra.

Thông điệp đáng lo sau bức ảnh Việt Nam tại cuộc thi ảnh môi trường thế giới Thông điệp đáng lo sau bức ảnh Việt Nam tại cuộc thi ảnh môi trường thế giới

TTO - Ảnh chụp một phụ nữ ngồi đan lưới của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt được chọn vào danh sách những bức ảnh nổi bật tại một cuộc thi ảnh môi trường của Anh.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp