Các nguyên nhân gây ra trầm cảm đã biết như di truyền, môi trường sống, thay đổi hormone, căng thẳng, chấn thương não bộ, bệnh lý thực thể hay sử dụng chất kích thích. Rối loạn giấc ngủ là một trong số các triệu chứng của trầm cảm. Chúng ta có xu hướng giảm thời gian ngủ tối ưu khi già đi. Và tỉ lệ trầm cảm cũng tăng theo tuổi. Vậy có mối liên hệ nhân quả nào giữa giấc ngủ và trầm cảm? Thời gian ngủ tối ưu là bao nhiêu? Ngủ bù càng nhiều sẽ càng tốt?
Các nhà nghiên cứu của Đại học London, Vương quốc Anh đã sử dụng dữ liệu di truyền và thông tin về sức khỏe của 7.164 người, để trả lời liệu thời gian ngủ có gây ra trầm cảm hay không?
Ngủ quá ít hay quá nhiều đều có nguy cơ
Kết quả cho thấy những người ngủ từ dưới 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc triệu chứng trầm cảm cao gấp 2,5 lần những người có thời gian ngủ tối ưu (trung bình khoảng 7 tiếng/đêm). Trong khi đó, những người ngủ lâu hơn 9 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm cao gấp 1,5 lần.
Rõ ràng nghiên cứu này cung cấp một góc nhìn, việc ngủ ít hay nhiều mỗi đêm đều có thể tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, những người tham gia đều trên 50 tuổi, việc theo dõi không quá dài hạn.
Bên cạnh đó, thời gian ngủ và trầm cảm đều có khuynh hướng di truyền. Nghĩa là nếu ba mẹ của bạn có thói quen ngủ nhiều/ít thì có khả năng bạn cũng có xu hướng như vậy. Hoặc nếu ba mẹ của bạn mắc trầm cảm, bạn có nguy cơ cao bị trầm cảm hơn.
Để khẳng định chắc chắn ngủ ít/nhiều gây trầm cảm cần có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai. Dù sao, ngủ trung bình 7 tiếng/đêm là lựa chọn khá vừa vặn cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài rối loạn giấc ngủ, có những triệu chứng khác gợi ý trầm cảm như:
- Cảm thấy buồn, muốn khóc, trống rỗng, tuyệt vọng.
- Thay đổi thói quen ăn uống, sụt cân, không muốn ăn hoặc thèm ăn kèm tăng cân.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, mất động lực làm việc.
- Giảm trí nhớ hoặc thay đổi nhân cách.
- Đau nhức toàn thân.
- Thường muốn ở nhà hơn là đi ra ngoài, ngại giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động xã hội.
- Tự tử hoặc có ý muốn tự tử.
Khi nào được coi là tình trạng bệnh nặng?
Trầm cảm có thể cải thiện nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp trầm cảm đều có kết quả tích cực. Một số yếu tố có thể khiến trầm cảm khó cải thiện, bao gồm:
- Mức độ nặng của triệu chứng trầm cảm.
- Thời gian mắc bệnh.
- Kèm các rối loạn tâm thần khác như lo âu, tăng động giảm chú ý.
- Sử dụng các chất gây nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy.
- Thiếu hỗ trợ xã hội và gia đình.
- Không tuân thủ điều trị.
Để cải thiện trầm cảm, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm thuốc, tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Ngoài ra, người bệnh cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh:
- Ăn uống cân bằng và đủ dinh dưỡng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc và có giấc ngủ chất lượng.
- Tránh các chất kích thích và gây nghiện.
- Tham gia các hoạt động ý nghĩa và làm hài lòng bản thân.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ khi cần thiết.
Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị. Người bệnh không nên tự ti hoặc xấu hổ vì mắc bệnh, mà nên coi đó là một vấn đề sức khỏe có thể khắc phục được.
Trầm cảm cũng rất dễ tái phát. Bệnh có thể trở lại trong vòng 1 năm sau đợt điều trị. Với sự nỗ lực của bản thân, người thân và chuyên gia, trầm cảm có thể được cải thiện và người bệnh có thể lấy lại niềm vui sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận