01/12/2015 10:46 GMT+7

Ngư dân trở về từ nhà tù Thái Lan

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TT - Sau nhiều ngày bị cầm tù do đánh bắt vi phạm vùng biển Thái Lan, nhiều ngư dân trở về trong trạng thái bất an và những món nợ chồng chất.

Gia đình ngư dân Nguyễn Văn Hiền sum họp sau khi trở về từ Thái Lan  - Ảnh: T.Trình
Gia đình ngư dân Nguyễn Văn Hiền sum họp sau khi trở về từ Thái Lan - Ảnh: T.Trình

Cuộc sống vốn đã nghèo giờ càng thêm khó khăn.

Cách nay ít hôm, trên chuyến bay từ Don Muang về TP.HCM, một hành khách tên P.H.P. đã đưa lên Facebook cá nhân hình ảnh và hoàn cảnh tù tội của nhóm 14 ngư dân tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) được trao trả về và đi cùng chuyến bay với anh.

Anh P. cho biết trên chuyến bay từ Thái Lan về, nhiều khách du lịch thương cảm hoàn cảnh của các ngư dân đã quyên góp cho họ ít tiền để làm lộ phí về quê.

Nhiều người biết rằng từ khi bị bắt giữ đến khi cầm được trên tay chiếc vé về quê, họ đã trải qua những ngày thật dài trên nước bạn và sẽ tiếp tục có những ngày tháng dài nợ nần chồng chất khi về lại quê nhà.

Bị chĩa súng vào người

Trong số 14 ngư dân Sông Đốc được trả về mới nhất, có 9 người đi trên tàu CM 99693 của ông Dương Hoàng Dủ (khóm 3, thị trấn Sông Đốc) và 5 người đi trên tàu CM 91030 của ông Trương Công Luận (khóm 10, thị trấn Sông Đốc, trên tàu ông Luận lúc bị bắt có 6 người, nhưng chỉ có 5 người được về).

Họ bị lực lượng hải quân Thái Lan bắt giữ ngày 18-9 . Khi khai báo với cơ quan chức năng Việt Nam, các chủ tàu này... không biết tàu mình hoạt động ở tọa độ nào khi bị bắt. Chỉ biết cùng bị bắt trong đợt đó, ngoài tàu ông Dủ, ông Luận còn có ba chiếc của địa phương khác.

Tài công Dương Hoàng Huy (24 tuổi) của tàu CM 99693 kể đêm tàu anh bị bắt, thời tiết rất xấu, mưa gió lớn nên tàu anh và một số tàu gần đó, cùng hành nghề câu mực, cũng chưa câu được gì.

Qua bộ đàm, các tàu cá thông báo cho nhau có “tàu sắt” (tàu chấp pháp của Thái Lan). Các tàu Việt Nam nổ máy chạy về hướng Việt Nam. Rượt đuổi không bao lâu, tàu anh Huy đã bị một tàu quân sự áp vào.

Ngoài ra, bốn tàu khác cũng bị bắt giữ. Những người mặc quân phục chĩa súng lùa các ngư dân sang tàu sắt. Tại đây, họ bị trói thúc ké ra sau, đầu áp sát xuống sàn tàu. Anh ruột của Dương Hoàng Huy là Dương Hoàng Hữu do mỏi ngóc đầu dậy liền bị đánh báng súng vào lưng.

Ngư dân Nguyễn Văn Hiền (28 tuổi, ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) cũng bị bắt trên tàu CM 99693 còn ám ảnh:

“Tui bị cởi trần, trói thúc ké, bị phơi mưa phơi nắng trên tàu sắt hai đêm một ngày. Bị bắt tối hôm trước, nhưng đến tối hôm sau chúng tôi mới được cho húp chén cháo...”.

Đến hôm sau, các ngư dân bị đưa vào nhà tù tỉnh Songkhla (phía đông nam Thái Lan) và bị kết án 3 tháng tù.

“Hậu phương” rối ren

Bà Trần Thị Dự (khóm 3, thị trấn Sông Đốc) có hai con là Dương Hoàng Huy và Dương Hoàng Hữu rùng mình nhớ lại cảm giác bà hay tin hai con bị Thái Lan bắt giữ. Bà tìm đầu mối tại Sông Đốc coi ai biết đường đi nước bước chỉ bà liên lạc và bảo lãnh các con bà và những người khác.

Bà Dự kể bà đã chạy hỏi mượn khắp nơi, số tiền bà Dự phải chung thông qua “cò” để lãnh các con về gần 100 triệu đồng. Riêng Huy vì là tài công nên “cái giá” để được tự do cao hơn, đến 70 triệu đồng. Các ngư dân còn lại thì trên dưới 15 triệu đồng mỗi người.

Khổ nhất là vợ của ngư dân Thái Văn Ân (quê Kiên Giang) theo chồng đến Sông Đốc. Chồng đi biển, vợ ở nhà trọ nuôi hai con nhỏ.

Ngày Ân bị bắt cũng là lúc vợ anh biết mình mang bầu đứa con thứ ba. Gần hai tháng chồng bị giam cầm, người mẹ trẻ bụng mang dạ chửa nách hai con đi hái rau, bắt ốc bán nhưng cũng không đủ để cho con ăn.

“Tội nghiệp, con bé chạy tới nhà tui khóc như mưa. Tui động viên nó hãy coi như chồng đi làm ăn lâu chưa về... Có lúc nghe nó than đói không tiền mua gạo cho các con ăn, tui bảo con tui lấy gạo, lấy cá khô về cho mẹ con nó.

Vậy mà, khi nghe tin có đường chuộc được chồng về, không hiểu nó chạy đi kiếm ở đâu được 2 triệu đồng đem đến nhờ tui cứu chồng nó. Tui cũng đi mượn khắp nơi để chuộc con mình cùng mấy thằng bạn khác, nên mới cầm tiền nó. Thấy tội, tui cho lại nó 70.000 đồng để về mua gạo nuôi con” - bà Dự trầm giọng.

Bà Trần Thị Dự và con trai Dương Hoàng Huy kể lại quá trình Huy bị bắt và được lãnh ra khỏi nhà tù Thái Lan - Ảnh: T.Trình
Bà Trần Thị Dự và con trai Dương Hoàng Huy kể lại quá trình Huy bị bắt và được lãnh ra khỏi nhà tù Thái Lan - Ảnh: T.Trình

“Không thấy đường về”

Anh Dương Hoàng Hữu kể lúc ở trong nhà tù Thái Lan, biết vợ ở nhà không làm sao có tiền để chuộc mình về, Ân theo năn nỉ anh Hữu nói với mẹ chuộc luôn anh về. Khi về Việt Nam, làm có tiền anh sẽ trả lại.

“Nói vậy chứ nó làm nuôi vợ con nó còn không xong, tiền đâu trả tui” - bà Dự nói. Trong số 14 người trở về, có 5 người đi trên tàu CM 91030 của ông Luận. Lúc bị bắt, tàu ông Luận có 6 người.

Thế nhưng tàu bị bắt đưa vào Songkhla, tàu chìm, ông Luận bỏ tàu, bỏ người luôn. Một số người được người nhà chạy vạy tiền “ké” vào tốp người con bà Dự.

Chị Nguyễn Thị Út, vợ ngư dân Nguyễn Văn Hiền, cho biết để có tiền cho chồng về, chị phải vay nóng 12 triệu đồng với tiền lãi mỗi ngày 130.000 đồng. Và để có tiền trả lãi, chị phải gửi đứa con 3 tuổi, đi lột tôm mướn.

“Tôi còn may, chứ trong tù ở Bangkok tôi thấy có nhiều chú tuổi cao nhưng cũng bị giam không được về” - Hiền nói.

Họ do không có người thân, không có tiền chi phí nên cứ ở tù lâu lắm rồi. Hằng ngày, các tù nhân phải đóng tiền vệ sinh, không có tiền thì bị mấy “tù trưởng” đánh đập. Các ngư dân này nói những “tù trưởng” cũng là người Việt Nam, bị giam lâu, biết chút ít tiếng Thái nên được cho quản lý các tù nhân Việt Nam khác.

“Mấy người lớn tuổi chắc ở tù tới chết chứ không thấy đường về” - Hiền chua xót.

Hiền nói được về ở nhà với vợ con ít hôm, anh cũng sẽ lại tìm tàu ra biển, chứ ở nhà lấy tiền đâu nuôi vợ con. Còn bà Dự nói cùng bị bắt và được về với các ngư dân khác có anh Trần Văn Dài. Mọi người nói nhà anh Dài rất khó khăn, nên vừa về nhà hôm trước, hôm sau lại theo tàu ra biển.

“Cầu mong chuyến này nó ra biển được bình yên” - bà Dự thở dài.

Lạc lõng trở về

Tại thị trấn cửa biển Sông Đốc vốn có quá nhiều ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, cầm tù… nên khi hỏi về một nhóm ngư dân bị nhà chức trách Thái Lan cầm tù trở về thì dường như ít được quan tâm.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, chủ tịch UBND thị trấn, lắc đầu “chào thua” khi chúng tôi hỏi tên một trong số 14 ngư dân vừa trở về từ Thái Lan vào ngày 27-11.

Các ngư dân tại Sông Đốc xem tàu bị nước ngoài bắt là chuyện “xui xẻo” nên hạn chế hỏi han, họ cũng không bình luận gì về chuyện của các ngư dân khác.

Một báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết từ đầu năm 2010 đến ngày 19-11-2015, Cà Mau có 248 tàu/2.269 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ.

Trong đó bị tịch thu 187 tàu, bị bắn chìm 1 tàu, bị cặp mạn lấy tài sản 9 tàu, đã chuộc và thả về 51 tàu/481 thuyền viên.

Trong số các nước bắt giữ tàu của ngư dân Việt Nam, Thái Lan bắt 159 tàu/1.753 thuyền viên, đã chuộc 36 tàu, 151 tàu bị tịch thu. Malaysia bắt 35 tàu/358 thuyền viên, đã chuộc 9 tàu, tịch thu 26 tàu. Campuchia bắt giữ 18 tàu, tất cả đều cho chuộc về.

Mong muốn đối xử nhân đạo

Theo ông Đỗ Chí Sĩ - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau), thời gian trước Cà Mau có buổi làm việc với đoàn công tác của Thái Lan tại Sông Đốc.

Cuộc gặp gỡ sau sự kiện tàu chấp pháp của Thái Lan bắn chết ngư dân Việt Nam và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam phát hiện, lập biên bản, tuyên truyền rồi phóng thích ba tàu Thái Lan vi phạm vùng biển Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc với các đại diện từ Thái Lan, ngư dân Sông Đốc cũng chất vấn vì sao tàu Thái Lan vi phạm chủ quyền Việt Nam được nhà chức trách Việt Nam đối xử nhân đạo; còn tàu ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ lại bị tịch thu, phạt tù, đòi tiền chuộc.

“Mình bắt tàu Thái Lan rồi nhắc nhở, phóng thích..., qua thông tin liên lạc người dân mình biết hết. Người dân mong muốn Thái Lan đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam chứ không muốn nhà chức trách Việt Nam cũng xử phạt ngư dân Thái Lan vi phạm” - ông Sĩ nói.

Cũng theo ông Sĩ, biên giới trên biển thuộc hải phận tỉnh Cà Mau với các nước giáp ranh là Malaysia, Thái Lan và Campuchia có các vấn đề: với Malaysia có một vùng biển chồng lấn, Việt Nam và Malaysia đã thỏa thuận khai thác chung; với Thái Lan và Campuchia thì có vùng nước lịch sử.

Một vài vụ người dân báo đang đánh bắt trong vùng biển này cũng bị cơ quan chức năng nước bạn bắt giữ.

Ông Sĩ cho biết ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước bạn còn do yếu tố thời tiết. Khi thời tiết xấu, tàu ngư dân chạy tránh, trú bão đã vi phạm sang vùng biển nước bạn nhưng lại không thực hiện đúng quy định cất các phương tiện đánh bắt.

Ngoài ra, cũng có tình trạng ngư dân “mê” đuổi theo luồng cá từ vùng biển Việt Nam mà chạy sang vùng biển nước bạn.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp