07/05/2024 10:47 GMT+7

Ngư dân khốn khổ vì giang hồ 'làm luật' bao chiếm mặt biển

Cơ quan chức năng huyện Hòn Đất, Kiên Giang khẳng định có nhóm giang hồ bao chiếm mặt biển đòi bảo kê, thu tiền của ngư dân khi khai thác thủy sản. Nhóm này hoạt động táo tợn, sẵn sàng hành hung ngư dân nếu không đóng tiền.

Dù chính quyền huyện Hòn Đất thừa nhận có nhiều chòi trên biển do nhóm giang hồ dựng lên nhưng không tháo dỡ được - Ảnh: Biên phòng cung cấp

Dù chính quyền huyện Hòn Đất thừa nhận có nhiều chòi trên biển do nhóm giang hồ dựng lên nhưng không tháo dỡ được - Ảnh: Biên phòng cung cấp

Những ngày đầu tháng 5, Tuổi Trẻ Online trở lại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để gặp lại những ngư dân đã phản ảnh bị giang hồ bao chiếm mặt biển, cướp chén cơm của bà con gần 2 năm qua.

Dựng chòi thu tiền bảo kê

Ông L., ngụ xã Lình Huỳnh, cho biết ông từng là nạn nhân của nhóm giang hồ bao chiếm mặt biển khi nhóm này yêu cầu ông phải chia đôi sản phẩm mới cho khai thác thủy sản. Nếu không chia, nhóm này sẽ không cho hoạt động.

"Chỗ nào gần bờ họ đã chiếm hết, nếu không chung chi sẽ không cho làm. Tôi thấy bị chèn ép quá nên gia đình tôi chuyển xuống khu vực ven biển ở huyện An Biên kiếm chỗ khai thác", ông L. nói.

Còn ông Lê Hoàng Anh - phó chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh - thừa nhận có một nhóm người xăm trổ đang bao chiếm mặt biển ở xã Lình Huỳnh ngày càng táo tợn, gây bức xúc dư luận. Phức tạp nhất là xã Thổ Sơn, còn xã Lình Huỳnh giáp ranh cũng bị nhóm này quậy.

Nhóm người này cắm cây xuống biển cách bờ từ 2 - 3km. Khi nào có ngư dân chạy ra biển khai thác thì họ nói là ngư trường của họ. Nếu muốn khai thác phải trả tiền từ 400.000 - 500.000 đồng/ghe tùy ghe lớn, nhỏ. Nếu không đóng tiền sẽ "kiếm chuyện" hoặc hợp tác thì bán sản phẩm cho nhóm này với giá rẻ.

Toàn xã Lình Huỳnh có 40 cây cắm xuống biển. Nhóm này còn dựng 2 chòi trên biển.

"Nhóm này gồm những đối tượng có tiền án tiền sự, xăm trổ đầy mình. Họ từ ngoài địa phương vào đây. Các đối tượng này bao chiếm, manh động làm phức tạp thêm tình hình ở địa phương.

Đặc biệt là tranh chấp ngư trường trên biển, cũng từng xảy ra đánh nhau trên biển rất dữ dội. Kiến nghị tỉnh, huyện sớm hỗ trợ địa phương tháo dỡ các chòi này nhằm sớm giao khoán mặt nước biển cho bà con", ông Hoàng Anh đề nghị.

Thượng tá Nguyễn Văn Thơi - trưởng Công an huyện Hòn Đất - cho hay từ năm 2023, Công an huyện Hòn Đất phối hợp các ngành đã bắt, khởi tố 3 nhóm với 20 nghi phạm, liên quan đến bao chiếm mặt nước biển và các tội danh khác tại xã Thổ Sơn và xã Lình Huỳnh.

"Từ cuối năm 2022, tình trạng bao chiếm mặt nước biển đã xuất hiện. Đơn vị đã phối hợp các ngành thực hiện theo kế hoạch liên tịch giữa các cơ quan công an, biên phòng và các xã, thị trấn để xác minh các chòi trên biển và tháo dỡ các chòi này trong thời gian tới", thượng tá Thơi nói.

"Đại ca giang hồ" bao chiếm là ai?

Là người trực tiếp vây bắt một số vụ việc bao chiếm mặt biển, thiếu tá Nguyễn Văn Quân - phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Lình Huỳnh - khẳng định khu vực huyện Hòn Đất có khoảng 14 - 15 chòi trên mặt biển do nhóm giang hồ dựng lên.

Nổi nhất là nhóm giang hồ của ông Ph. (tên thật là T.T.Th., 43 tuổi, ngụ xã Sơn Bình). Nhóm ông Ph. này có gần 100 đàn em, đang đứng đầu nhóm bảo kê mặt nước biển.

Theo thiếu tá Quân, nhóm này có đầy đủ dao, gậy, mã tấu và súng tự chế nên rất hung hăng. Vì vậy, ông đề nghị phải tăng cường phương tiện, dụng cụ cho các lực lượng để tuần tra xử lý nghiêm nhóm giang hồ này. 

"Hôm trước, chúng tôi phối hợp với công an huyện rượt đuổi nhóm này nên họ không thu tiền được của dân. Sau đó, nhóm này đến tận nhà người dân chém 3 người gây thương tích. Vụ việc này đang được Công an huyện Hòn Đất thụ lý", thiếu tá Quân kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Xuân Nha - phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất - thừa nhận: "7 xã, thị trấn ven biển của huyện Hòn Đất đều bị bao chiếm mặt biển. Có ai bảo kê thì cũng chưa xác định được nhưng chúng tôi cũng giao công an theo dõi xem ai đang tiếp tay.

Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Những nhóm người này hoạt động táo tợn trong thời gian qua nên lực lượng biên phòng, công an cần hỗ trợ phương tiện, công cụ gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để đấu tranh tội phạm này".

Trước đó, đại tá Nguyễn Văn Hận - giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - yêu cầu Công an huyện Hòn Đất báo cáo riêng cho ông về tình hình các nhóm đối tượng bao chiếm mặt nước biển thu tiền bảo kê của ngư dân mà cử tri phản ánh.

Cử tri phản ảnh ‘hải tặc’ bao chiếm mặt biển, phải chia đôi mới cho đánh bắtCử tri phản ảnh ‘hải tặc’ bao chiếm mặt biển, phải chia đôi mới cho đánh bắt

Ngày 24-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tổ chức tiếp hơn 100 cử tri của xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, trước kỳ họp thứ 7. Ngư dân phản ảnh “hải tặc” bao chiếm mặt biển, chia đôi sản lượng thủy hải sản mới cho đánh bắt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp