07/02/2015 13:29 GMT+7

​Ngư dân chưa mặn mà với tàu vỏ thép

TRẦN MAI - LÊ TRUNG
TRẦN MAI - LÊ TRUNG

TT - Có nhiều lý do từ thiết kế, nhân lực vận hành đến cách tiếp cận nguồn vốn... đã khiến ngư dân không còn mặn mà với tàu vỏ thép.

Ngư dân đóng mới và sửa lại tàu cũ chuẩn bị sau tết vươn khơi tại triền đà Cổ Lũy, Quảng Ngãi - Ảnh: Tr.Mai

​Từng hồ hởi khi có nghị định 67 cho vay vốn đóng tàu vỏ thép nhưng khi các địa phương ven biển miền Trung chốt danh sách ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép, chỉ còn vài tổ chức, cá nhân tham gia.

Có nhiều lý do từ thiết kế, nhân lực vận hành đến cách tiếp cận nguồn vốn... đã khiến ngư dân không còn mặn mà với tàu vỏ thép.

Đăng ký rồi... rút lui

Sau hai đợt đăng ký đóng tàu vỏ thép, Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 10 ngư dân được phê duyệt, đồng ý cho tiếp cận nguồn vốn của nghị định 67. “Hiện giờ chỉ có ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu) xung phong đóng tàu vỏ thép nhưng cũng chưa tiếp cận được vốn” - ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, cho biết.

Theo ông Hùng, trong khi ngư dân có thể dùng tàu vỏ gỗ để đánh bắt tùy theo ngành nghề, theo mùa, còn các mẫu thiết kế của tàu vỏ thép mỗi con tàu chỉ dùng cho một ngành nghề đánh bắt. Do đó, ngư dân rất ngại đóng tàu vỏ thép.

“Tôi đã đi và tham khảo giá tại các nhà máy đóng tàu từ Khánh Hòa đến Hải Phòng, Quảng Ninh..., cuối cùng chọn Nhà máy đóng tàu Đông Bắc (Quảng Ninh) để đóng tàu vỏ thép. Thế nhưng khi lên gặp lãnh đạo Vietcombank Quảng Ngãi để nói về chuyện này, tôi được yêu cầu phải có giấy chứng nhận của hội đồng thẩm định giá, giá dự toán... Dù rất quyết tâm nhưng thú thật tôi cũng mệt mỏi bởi qua tết là mùa biển chính rồi, không thể ở nhà tiếp tục theo tàu vỏ thép được” - ngư dân Võ Văn Hân nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết dù rất nhiều ngư dân đăng ký đóng mới tàu vỏ thép lẫn vỏ gỗ theo chương trình của nghị định 67 nhưng đến nay chỉ mới có một tàu vỏ gỗ được thông qua, chưa có tàu vỏ thép nào.

“Ngư dân Lý Sơn hiện không còn mặn mà với nghị định 67 bởi việc giải ngân rườm rà, chưa kể làm biển chuyến được chuyến mất, khó trả nợ ngân hàng trong vòng 10 năm” - ông Chinh nói.

Ghi nhận tại điểm đóng tàu ở các xã Nghĩa Phú và Bình Châu (Quảng Ngãi) sáng 6-2 cho thấy nhiều ngư dân vẫn đang đóng mới tàu vỏ gỗ và sửa chữa tàu cũ chuẩn bị vươn khơi.

Ông Phan Như Huỳnh, chủ nhiệm HTX tàu thuyền Cổ Lũy (xã Nghĩa Phú), cho biết tại đây đang đóng mới 15 tàu cá và sửa chữa 8 tàu cá của ngư dân để sau tết người dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt.

“Ở đây ngư dân tự bỏ tiền và vay mượn của chủ nậu để đóng chứ không ai vay vốn theo nghị định 67” - ông Huỳnh nói.

Quá nhiều ràng buộc

Tương tự, theo Hội nghề cá TP Đà Nẵng, ban đầu địa phương có 157 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới 182 tàu cá (trong đó có 80 tàu vỏ thép), nhưng đến nay mới có hai tổ chức và 14 cá nhân đăng ký đóng mới với số lượng 16 tàu, trong đó có 13 tàu vỏ thép.

Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết để đóng một con tàu có công suất cỡ 1.000 CV (trị giá chừng 17 tỉ đồng) buộc phải đầu tư bốn máy mới bao gồm ba máy phát điện và một máy chính, như vậy mất gần 5 tỉ đồng.

“Bỏ ra chi phí nhiều như vậy nên ngư dân ngại đóng tàu vỏ thép” - ông Mười nói.

Ngoài ra, khi đóng tàu vỏ thép theo nghị định 67 cần có đội ngũ thợ cơ khí, điện lạnh, ít nhất mỗi tàu cần một thợ am hiểu cơ khí, một thợ điện lạnh. Mỗi chủ tàu cần có một gara để sửa chữa máy móc phòng khi tàu hư hỏng, trục trặc...

“Tụi tui tưởng chính sách hỗ trợ đơn giản, dễ quá nên đăng ký nhiều. Bây giờ mới thấy lộ ra những khó khăn lớn, yêu cầu và ràng buộc nhiều thứ nên hầu hết ngư dân quyết định buông là thế” - ông Mười lý giải.

Theo ông Trịnh Quang Vinh - chi cục phó Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, số lượng ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép ít là do họ e ngại, suy tính thật kỹ, cân đo đong đếm từng tí vì khoản vay để đóng tàu vỏ thép rất lớn. Một con tàu vỏ thép khi hoàn thành phải tốn 15-20 tỉ đồng, nên ngư dân phải nghiên cứu kỹ khả năng vay vốn và trả nợ. Ngoài ra, nhiều ngư dân không đáp ứng được các tiêu chí của nghị định 67.

“Vừa rồi, Bộ NN&PTNT giao Đà Nẵng đóng mới 39 tàu khai thác và 8 tàu hậu cần. Nhưng với tình hình hiện nay, rất có khả năng TP Đà Nẵng không hoàn thành chỉ tiêu này” - ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cũng cho rằng một ngư dân đóng tàu vỏ thép trên 10 tỉ đồng nếu vay theo nghị định 67, mỗi năm ít nhất ngư dân phải bỏ ra gần 1 tỉ đồng trả cả vốn lẫn lãi.

“Số tiền như vậy quá lớn nên ngư dân cân nhắc là khó tránh khỏi” - ông Tám nói.

Ngoài ra theo ông Tám, một số ngư dân vẫn đang băn khoăn về mẫu thiết kế tàu vỏ thép của Bộ NN&PTNT khi cho rằng nó không phù hợp với tập quán đánh bắt của mình.

“TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị không thu phần phí điều chỉnh thiết kế riêng nếu ngư dân điều chỉnh mẫu tàu cá phù hợp với phương thức đánh bắt” - ông Tám nói.

Mẫu tàu không phù hợp

Nhiều ngư dân tại Bình Định cho rằng mẫu tàu vỏ thép do Bộ NN&PTNT đưa ra không phù hợp với thực tế đánh bắt. Cụ thể, theo một số ngư dân, cabin tàu sắt cao nên gây cản gió, khiến tàu chịu sự rung lắc lớn. Nắp khoang chứa cũng không phù hợp với việc vận chuyển sản phẩm ra vào. Hơn nữa, tàu vỏ thép phải được bảo dưỡng định kỳ, trong khi đó cơ sở hậu cần hiện chưa phổ biến, luồng lạch tại các cửa biển không đảm bảo cho tàu vỏ thép ra vào.

Ngoài ra, theo ngư dân Huỳnh Phú Cương (huyện Hoài Nhơn), dù được vay ưu đãi nhưng khó khăn nhất là giá trị tàu vỏ thép quá lớn, có thể lên tới 10 tỉ đồng.

“Nếu đóng tàu vỏ thép, chúng tôi sợ không có khả năng hoàn vốn trả nợ ngân hàng mặc dù lãi suất thấp. Hơn nữa, chi phí cho một chuyến đi biển quá cao do tàu vỏ thép tốn nhiên liệu gấp 1,5-2 lần tàu gỗ. Nếu sản lượng tàu vỏ thép không cao hơn tàu gỗ gấp hai lần, số tiền chia cho bạn thuyền làm công sẽ giảm. Đặc biệt, muốn vận hành được tàu vỏ thép phải học, tập huấn, nâng cao trình độ nên nhiều ngư dân rất ngại” - ông Cương nói. 

* Ông Nguyễn Văn Trung (vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản):

Không tránh khỏi vướng mắc về thủ tục

Những ngư dân mới tham gia chương trình này chắc chắn sẽ gặp rắc rối về thủ tục, không thể ngày một ngày hai là tháo gỡ được. Bởi theo quy định, sau khi được chọn tham gia chương trình này và được UBND tỉnh thành phê duyệt, ngư dân phải có phương án khai thác hiệu quả, khả thi, có thiết kế tàu, hợp đồng với cơ sở đóng tàu... ngân hàng mới xem xét cho vay. Ngân hàng cho vay tiền cần những thủ tục để đảm bảo thu hồi vốn vay cũng là yêu cầu hợp lý.

Tính đến ngày 6-2, tại các tỉnh như Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã có trên 10 tàu vỏ thép được ngân hàng ký hợp đồng cho vay vốn đóng mới, một con số chưa nhiều như kỳ vọng.

Tuy nhiên, nếu những người đầu tiên đã có phương án phù hợp, những người kế tiếp sẽ sớm hoàn tất thủ tục và khoảng tháng 4-5, số lượng chủ tàu được vay vốn và các tàu mới khởi công sẽ tăng nhanh hơn.

Q.BẢO - TRƯỜNG ĐĂNG - L.ANH

* Ông Ngô Tấn (phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam):

Khó triển khai đúng tiến độ

Sau hơn năm tháng triển khai nghị định 67, đến nay Quảng Nam vẫn chưa có hợp đồng tín dụng nào được giải ngân trong số 92 tàu được phân bổ, trong đó có 30 tàu vỏ thép. Hiện ngư dân đã đăng ký tham gia 57 dự án đóng tàu mới, nhưng chỉ dừng lại ở giai đoạn tiếp cận mẫu thiết kế. Ngư dân đi đánh bắt xa bờ nên quá trình tiếp cận còn khó khăn. Khi tiếp cận được rồi, bà con cũng cần thời gian tìm hiểu, nhất là đối với các tàu vỏ thép, vì đó là phương thức đánh bắt và công nghệ hoàn toàn mới so với truyền thống trước đây nên họ do dự, chưa kể việc ngư dân muốn điều chỉnh thiết kế các mẫu tàu cho phù hợp với thực tế đánh bắt.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp ngân hàng cho vay lúng túng trong việc thẩm định tài sản. Một số ngân hàng còn do dự, chưa mạnh dạn khi cho ngư dân vay vì tài sản trên tàu là tài sản chung của nhiều người cùng góp lại làm ăn. 

TRƯỜNG TRUNG

Khánh Hòa: tắc ở ngân hàng

Giữa tháng 12-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt lần thứ nhất danh sách ngư dân đóng mới 10 chiếc tàu theo nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có sáu chiếc tàu vỏ thép đều của Công ty TNHH Lê Trứ (P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang). Tuy nhiên đến nay chưa có tàu vỏ thép nào được ký hợp đồng tín dụng.

Ông Lê Trứ - đại diện Công ty Lê Trứ - cho biết bắt tay vào việc mới thấy khó khăn, vướng mắc chồng chất nên đang muốn trả lại dự án. Theo ông Trứ, trong số 21 mẫu tàu vỏ sắt mà Bộ NN&PTNT ban hành không có mẫu tàu nào phù hợp với nghề và tập quán đánh bắt của ngư dân miền Trung. Do đó, doanh nghiệp đã làm việc với Nhà máy đóng tàu Cam Ranh, chấp nhận thuê cả tư vấn nước ngoài để thiết kế lại các mẫu tàu cho phù hợp.

“Tốn nhiều kinh phí để chỉnh sửa thiết kế các mẫu tàu vỏ thép cho phù hợp, rồi gửi lại cho bộ thẩm định, phê duyệt mới mang đến ngân hàng làm việc nhưng công cốc” - ông Trứ nói. Theo ông Trứ, nghị định 67 quy định tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép được cho vay đến 95% vốn, nhưng Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ cho vay 75% của 95% giá trị con tàu! “Họ nói với tôi là quy định của ngân hàng như thế. Có lẽ tôi không làm tàu vỏ thép nữa” - ông Trứ nói.

DUY THANH

 

TRẦN MAI - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp