22/07/2012 05:01 GMT+7

Ngư dân các nước được trang bị... tận răng

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Ba năm trở lại đây, tàu cá Trung Quốc thường xuyên tổ chức thành từng đoàn hàng chục chiếc xuống biển Đông đánh cá, số lượng năm sau thường cao hơn năm trước với hỗ trợ của các tàu ngư chính, hải giám.

nza6nwSd.jpgPhóng to
Một tàu đánh cá Thái Lan chuẩn bị ra khơi ở Phukhet - Ảnh: fotopedia.com

Một số nước có chung ngư trường với nhau cũng đã lập cơ chế đào tạo và bảo vệ ngư dân đánh bắt xa bờ của mình.

Hiện đại hóa đội tàu

Từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã liên tục hiện đại hóa cho đội tàu đánh cá của nước này. Bằng chứng, đội tàu 30 chiếc của tỉnh Hải Nam đang đánh bắt ở biển Đông là những con tàu vừa mới xuất xưởng hoặc vừa mới được nâng cấp nhằm phục vụ những chuyến đánh bắt dài ngày và xa bờ.

Trong 30 chiếc tàu này, dẫn đầu đội tàu đang đánh bắt cá phi pháp ở Trường Sa thời gian gần đây là chiếc Quỳnh Tam Á F8168. Đây là tàu đánh cá hiện đại bậc nhất Trung Quốc với chiều dài 83m, rộng 13,8m, tải trọng 2.000 tấn. Tàu này năm tầng, có khả năng chứa đến 60 giường dành cho thuyền viên. F8168 còn được trang bị hệ thống tự động nhận dạng tàu AIS, hệ thống định vị vệ tinh để xác định vị trí tàu trên biển và hệ thống đo độ sâu để tránh mắc cạn. Chiếc tàu này còn có sáu phòng làm lạnh cấp tốc có thể chứa được đến 30 tấn cá.

Tân Hoa xã cho biết trong tháng 5-2012, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã và đang được lắp đặt hệ thống vệ tinh hàng hải Bắc đẩu. Đây là một hệ thống cung cấp các dịch vụ liên quan đến hàng hải, theo dõi tàu và cứu hộ khẩn cấp trên biển. Hơn 30.000 thiết bị kết nối với hệ thống này đã được lắp đặt cho các tàu cá ở Trung Quốc. Chỉ riêng tỉnh Hải Nam, từ năm 2010 tỉnh này đã chi 12,5 triệu USD để hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị liên lạc hàng hải trên 6.000 tàu đánh cá của họ. Ngư dân chỉ phải trả 10% trong tổng chi phí lắp đặt thiết bị này trên tàu của mình.

Cũng trong tháng 5-2012, Trung Quốc triển khai tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 hỗ trợ sáu tàu cá khác đến biển Đông đánh bắt cá đã gây phản ứng hàng loạt ở các nước trong khu vực. Khi có đội tàu trên cùng đi thì các tàu đánh cá của Trung Quốc có thể tác nghiệp trên biển đến chín tháng.

Thái Lan là quốc gia có lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn ở khu vực Đông Nam Á. Chủ tịch Hiệp hội Ngành cá quốc gia Thái Lan Mana Spripitak cho biết hiện nay Thái Lan có hơn 800 tàu cá đánh bắt công nghiệp đang hoạt động ở các khu vực biển của Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Các tàu cá của Thái Lan thường được trang bị phương tiện liên lạc với đất liền khá hiện đại, ngư dân được đào tạo kiến thức sử dụng thuần thục các phương tiện này. Đội kiểm ngư của nước này thường xuyên nắm bắt thông tin về địa điểm hoạt động các tàu cá mang quốc tịch của nước họ để kết hợp ứng phó kịp thời khi ngư dân của họ gặp sự cố trên biển.

Philippines là quốc gia có ngư trường đánh bắt cá ở biển Đông, từ năm 2002 đã tập trung vào công tác huấn luyện cho ngư dân của mình sử dụng thuần thục các công nghệ viễn thông dùng trong liên lạc với đất liền mỗi khi có sự cố. Chính phủ nước này đã có hẳn một chương trình cải tạo hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghề cá cho ngư dân của mình trị giá hàng chục triệu USD.

Lập cơ chế bảo vệ đặc biệt cho ngư dân

Để bảo vệ ngư dân vùng biển khai thác cá của mình, nhiều nước đã có lực lượng kiểm ngư như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines... Các nước cũng sử dụng lực lượng có vũ trang hoặc bán vũ trang như cảnh sát biển, biên phòng, hải quân để kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển của các quốc gia, nhằm bảo vệ ngư dân của nước họ hoạt động hợp pháp trên biển.

Mới đây, Hãng tin Antara (Indonesia) cho biết Indonesia và Malaysia bước đầu nhất trí về cơ chế xử lý tàu thuyền của nhau đi vào các vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Trong đó, hai bên đồng ý chỉ kiểm tra và buộc quay về chứ không bắt giữ ngư dân, tàu bè đi vào khu vực tranh chấp nếu họ không mang vũ khí hoặc bị nghi đe dọa an ninh.

Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát biển Malaysia Datuk Mohd Amdan bin Kurish cho rằng bảo vệ ngư dân là vấn đề rất quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia láng giềng.

Theo ông Kurish, áp dụng luật quốc tế cho các vấn đề liên quan đến ngư dân, đến việc đánh bắt cá trái phép tại những vùng biển công bố chủ quyền là cần thiết. Cảnh sát biển Malaysia đã thiết lập đường dây nóng với Singapore, Indonesia, Thái Lan để trao đổi thông tin giải quyết ngay tức thì những sự cố trên biển liên quan đến ngư dân của mình

Riêng Trung Quốc, ngay từ tháng 4-2010, Cục Quản lý nghề cá nước này đã tuyên bố sử dụng tàu tuần tra thường xuyên tại biển Đông để bảo vệ ngư dân của họ, trong đó có hai tàu sẽ chốt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam để bảo vệ ngư dân Trung Quốc.

Khi ấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu tuần tra của nước này được điều tới để hộ tống các tàu đánh cá cũng như khẳng định quyền đánh cá của nước này trong vùng biển quanh quần đảo Trường Sa.

Điều này đồng nghĩa với việc đội tàu tuần tra này không chỉ có nhiệm vụ cung cấp phương tiện, hỗ trợ y tế cho các tàu của ngư dân Trung Quốc mà chúng còn có “nhiệm vụ” ngăn chặn tàu cá của ngư dân các nước trong khu vực biển Đông.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp