Một cánh đồng lúa mì gần thành phố Bashtanka, khu vực Mykolaiv, Ukraine (ảnh chụp hôm 9-6) - Ảnh: Reuters
"Nga đang đảm bảo một hành lang xanh an toàn cho các loại ngũ cốc và bất kỳ loại thực phẩm nào khác như hạt có dầu, để có thể xuất khẩu từ Ukraine mà không gặp trở ngại nào, thông qua thành phố Melitopol hoặc Berdyansk" - Phó thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko trả lời phỏng vấn độc quyền Hãng tin Reuters vào hôm 16-6.
Hành lang xanh
Hai thành phố Melitopol và Berdyansk mà phó thủ tướng Nga nhắc đến nằm gần với biển Azov hơn biển Đen. Phần phía nam biển Azov nối với biển Đen nhờ eo biển Kerch. Hiện chưa rõ "hành lang xanh" mà bà Abramchenko đề cập có đi vào biển Đen hay không và kéo dài từ đâu đến đâu.
Hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết hai cảng lớn của Ukraine trên biển Azov là cảng Berdyansk và Mariupol đã sẵn sàng nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc.
Bất chấp động thái tích cực trên của Nga, vấn đề xuất khẩu lương thực của Ukraine vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn vì vẫn chưa thể vận chuyển an toàn lương thực Ukraine từ các cảng quan trọng ở biển Đen, đặc biệt là cảng Odessa.
Thời gian qua, phía Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau đặt thủy lôi cản trở đường vào cảng Odessa - nơi Kiev lo ngại quân Nga có thể tìm cách chiếm bằng một cuộc tấn công từ trên biển. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Abramchenko nhắc lại quan điểm của Nga rằng việc mở các tuyến đường biển tới Odessa sẽ tùy thuộc vào Ukraine.
"Chúng tôi không thể cung cấp hành lang xanh cho Odessa vì Ukraine đã làm mọi cách để cảng này không hoạt động" - bà Abramchenko cáo buộc.
Cũng trong hôm 16-6, Hãng tin Interfax dẫn lời ông Denis Pushilin - lãnh đạo của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở vùng Donbass - cho biết các chuyến tàu chở ngũ cốc và kim loại sẽ sớm rời cảng Mariupol ở biển Azov và có thể đến Trung Đông. Mariupol là thành phố cảng nằm ở phía nam Ukraine và do lực lượng Nga kiểm soát kể từ tháng 5.
Ít nhất 5 nước thiếu ăn
Ukraine và Nga đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài gần 4 tháng qua đã cản trở việc xuất khẩu ra thế giới. Khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đang bị kẹt lại do các cảng biển bị phong tỏa và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Lượng hàng xuất khẩu của Ukraine đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay khi nước này chỉ có thể cố gắng vận chuyển thực phẩm bằng các tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt cồng kềnh, trong bối cảnh Nga phong tỏa biển Đen.
Điều đó đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt, còn Liên Hiệp Quốc cảnh báo về nạn đói ở các nước nghèo vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), Ukraine và Nga sản xuất khoảng 1/3 lượng lúa mì được giao dịch trên các thị trường toàn cầu và khoảng 1/4 lượng lúa mạch của thế giới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi cho biết chiến tranh có thể ảnh hưởng đến ít nhất 3 vụ thu hoạch lúa mì ở Ukraine, với ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái vẫn bị mắc kẹt tại các cảng ở biển Đen và không còn chỗ để chứa ngũ cốc của các vụ mùa sắp tới.
Theo báo Washington Post, đến nay có 5 quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng do cuộc khủng hoảng lương thực bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine. Đó là Nigeria, Somalia, Ethiopia, Ai Cập và Yemen. Trong đó, Ethiopia đang bị thiếu đáng kể bánh mì và dầu ăn.
EU thúc Nga bỏ phong tỏa các cảng Ukraine
Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh việc dỡ phong tỏa các tuyến đường thương mại ở biển Đen vẫn phải là ưu tiên.
"Thế bế tắc trên biển Đen đe dọa đến an ninh lương thực và hàng hóa toàn cầu" - điều phối viên về khủng hoảng Ukraine của Liên Hiệp Quốc Amin Awad nói và dự đoán 1,7 tỉ người có nguy cơ gia tăng nghèo đói do khủng hoảng lương thực.
Thăm Kiev hôm 16-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU thúc giục Nga chấp nhận sáng kiến của Liên Hiệp Quốc về việc dỡ phong tỏa các cảng Ukraine để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận