Báo Tuổi Trẻ ra ngày 22-3 có đăng bài “” của tác giả Thúy Hằng, phản ánh thắc mắc của một số phụ huynh học sinh lớp 4 ở tỉnh Tiền Giang về việc đáp án bài thi chính tả “Trái vải tiến vua” của nhà trường khác với sách giáo khoa (SGK). Cụ thể như sau:
- SGK viết: “Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”. (Tiếng Việt 4, tập hai, tr. 51)
- Đáp án bài chính tả của nhà trường lại là “ngọt sắc”.
Là chủ biên SGK Tiếng Việt 4, tôi xin báo cáo quý tòa soạn và độc giả là đoạn văn “Trái vải tiến vua” được dẫn từ cuốn Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng (NXB Kim Đồng, 1999, tr. 49; biên tập sách: Nguyễn Quang Lập). Nhà văn viết là “ngọt sắt”, chứ không phải “ngọt sắc”. Khi chọn đoạn văn vào SGK, chủ biên, tác giả và biên tập viên đã bàn thảo khá kỹ về từ này.
Theo chúng tôi, nhà văn Vũ Bằng là người Bắc, do đó ông không thể lẫn “sắt” với “sắc” như người sử dụng phương ngữ Nam bộ. Giả sử có lỗi của nhà in thì Vũ Bằng cũng phải yêu cầu đính chính và khắc phục trong những lần in sau, bởi vì đây là cuốn sách tâm huyết mà ông “thành mến tặng” người vợ thân yêu ở Hà Nội “để thay lời ai điếu”.
Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có các từ “ngọt sắc” và “ngọt sắt”. Nhưng đặt trong văn cảnh, có lẽ viết “ngọt sắt” (“sắt” có nghĩa là “sắt lại”) phù hợp hơn với cảm nhận “nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”.
Trong lần xuất bản gần đây nhất (năm 2007), NXB Kim Đồng vẫn giữ là “ngọt sắt” (tr. 77-78).
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý báo và quý độc giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận