Phóng to |
Elvis Phương, Hương Lan, Quang Linh ấn tượng trong tiết mục Gánh lúa (Phạm Duy) - Ảnh: Gia Tiến |
Phóng to |
Thanh Bùi và giọng hát Việt nhí Ngọc Duy với My cool Vietnam - Ảnh: Gia Tiến |
Phóng to |
Nhạc sĩ Nguyên Lê, NSND Thanh Hải và nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc trong bản hòa tấu jazz Ngẫu hứng lý ngựa ô - Ảnh: Gia Tiến |
Phóng to |
Tiết mục Làng tôi - Ảnh: Gia Tiến |
Phóng to |
Các nghệ sĩ chào kết chương trình sau ca khúc Thương ca tiếng Việt do Mỹ Tâm thể hiện (được viết riêng cho Duyên dáng Việt Nam 26) - Ảnh: Gia Tiến |
Ngay từ hôm họp báo giới thiệu chương trình (sáng 27-12-2013), đạo diễn Tất My Loan - tổng đạo diễn chương trình -đã nhấn mạnh: "Cái mà tôi muốn khoe nhiều nhất ở chương trình lần này là hình ảnh đội ngũ đạo diễn và những người thực hiện chương trình". Đó là một đội ngũ rất hùng hậu, phần lớn đều "Tây học" hoặc lớn lên từ trời Tây: Phạm Hoàng Nam, biên đạo múa người Pháp gốc Việt Linh Rateau, đạo diễn/nghệ sĩ đương đại người Mỹ gốc Việt Tuấn Andrew Nguyễn, đạo diễn/nghệ sĩ xiếc người Đức gốc Việt Tuấn Lê, biên đạo múa Tấn Lộc, John Huy Trần, Alexander Tú, thiết kế video Fernando Toma, Matt Lucero, giám đốc âm nhạc Đức Trí, nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi...
Chỉ cần nhìn vào dàn "cán bộ nòng cốt" này cũng đủ thán phục bởi ở Việt Nam rất hiếm khi mời được những cá tính nổi trội trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp cùng "ngồi lại" với nhau, phụ nhau một tay như thế này.
Vài năm trước, nhiều kiều bào đã trở về để được xem Duyên dáng Việt Nam. Còn hôm nay, rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã trở về để được trình diễn, góp sức vào Duyên dáng Việt Nam...
Duyên dáng Việt Nam 26 chính là nơi cho những sáng tạo, những "tâm tình" của một thế hệ Việt kiều trẻ tuổi đó, mà Linh Rateau, Tuấn Andrew hay Tuấn Lê, John Huy, Thanh Bùi... là những ví dụ. Vậy nên cái nhìn của họ về Việt Nam có cái gì đó vừa lạ vừa quen, vừa bỡ ngỡ vừa thân thương, trìu mến.
Như Linh Rateau, cô đã "chạm" vào Việt Nam với ca khúc Bonjour Việt Nam (Xin chào Việt Nam) trong trẻo, đầy tình thương mến qua tiếng hát của Thái Trinh. Rồi từ đó, mở ra là một Việt Nam tươi đẹp, đầy cuốn hút với Bướm hoa (Trần Mạnh Tuấn), Tình ca phố (Đức Tuấn), Xinh tươi Việt Nam (V.Music), Saigon Saigon (Hồ Ngọc Hà)...
Sau những tiếp xúc mới mẻ ban đầu ấy, "những người trẻ" cũng kịp tìm về cội nguồn của mình với phần Gạo (dàn dựng bởi biên đạo múa Tấn Lộc) và Làng tôi (biên đạo, nghệ sĩ xiếc người Đức gốc Việt Tuấn Lê).
Một lần nữa, Tình yêu của đất và nước (Quang Linh), Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang (Hương Lan), Một ngày bình yên (Elvis Phương), Ngẫu hứng Lý ngựa ô (NSND Thanh Hải, Đức Trí, Nguyên Lê, Quyền Thiện Đắc), Quê tôi (Thùy Chi), Chiều phủ Tây Hồ (Lệ Quyên)... đã làm nức lòng khán giả mộ điệu bởi những lời ca, điệu nhạc và phần dàn dựng rất đỗi Việt Nam với hạt lúa, ụ rơm, tre nứa, nón lá, áo bà ba, khói lam chiều...
Và một Việt Nam năng động, hội nhập qua phần dàn dựng của Tuấn Andrew cũng là một phần khá thú vị của chương trình. Rap, hip hop, R&B, beatbox, những âm thanh đường phố... là những gì đương đại nhất mà người xem có được từ Duyên dáng Việt Nam 26. Phần này cũng cho thấy một Việt Nam với nhiều "giằng xé" giữa mới cũ, giữa xưa và nay, giữa hội nhập và giữ gìn bản sắc... Vậy nên những sáng tạo, thử nghiệm cho phần này gồm những bản phối mới cũng như cách thể hiện mới cho ca khúc Thương quá Việt Nam (Anna Trương thể hiện), Dòng máu Lạc Hồng (Thu Minh), Tình ca (Nguyên Thảo)... cũng "xung đột" và nhận được những ý kiến trái chiều nhất.
Với cả bốn phần của chương trình, người xem hoàn toàn mãn nhãn nhờ ánh sáng đẹp, hình ảnh rất tốt, tạo hiệu ứng thị giác cao, các màn vũ đạo đỉnh cao (nhưng âm thanh chưa thật "đã"). Đây cũng là kỳ Duyên dáng Việt Nam đầu tiên mà phần vũ đạo của các nghệ sĩ múa và phần trình tấu của các nhạc công được đề cao ngang bằng, thậm chí hơn cả giọng ca của các ca sĩ. Có lẽ cũng từ đây, cái nhìn về một sô trình diễn, giải trí mang tính tạp kỹ sẽ có những đổi khác với những sáng tạo mạnh mẽ và tích cực hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận