29/09/2016 11:28 GMT+7

Ngôn tình Trung Quốc pha phim Hàn sướt mướt trộn phim bộ!

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz, chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ.

Các tác giả tham dự Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 - Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC
Các tác giả tham dự Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 - Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC

Do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư...

Nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Đó là nhận định của Văn Thành Lê - một nhà văn trẻ đang tham dự Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, khai mạc tại Bảo tàng Văn học VN với sự tham gia của 112 đại biểu là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả trẻ tuổi trong cả nước.

Chưa bao giờ ra sách dễ như bây giờ

Trong báo cáo tình hình văn học trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, trưởng ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn VN, không quên chỉ ra văn trẻ đang có sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng tác phẩm.

“Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, đã sôi nổi, đã nhiệt tình nhưng đa số mới chỉ dừng ở đấy. Trong khi đó thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí về cả lý tưởng.

Hơn bao giờ hết, xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy để độc giả có thể bấu víu vào đó” - nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.

Ngoài ra, còn nhiều điểm khó khăn được tác giả Mình và họ nhắc đến: Nhiều người viết trẻ chưa để ý rằng thầm lặng là mảnh đất của những cây cổ thụ; một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm cái mới của riêng mình đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mỹ, luân lý; phê bình văn học còn dấu hiệu của sự cẩu thả, hời hợt, khen chê không đúng với kích cỡ của tác phẩm tác giả, làm nhiễu loạn độc giả...

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê lại trăn trở ở khía cạnh khác, trong khi các tác giả 8X, 9X ra sách ào ào, dễ dàng công bố tác phẩm, dễ tìm đường đến với độc giả thì sự nhiễu của truyền thông thái quá đã làm “vàng thau lẫn lộn”.

“Tất nhiên có một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ “văn ăn nhanh” của mình là văn học. Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả bestseller là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz.

Chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ, có thể chỉ sau một cuốn sách tản mạn, ghi chép cảm xúc vụn vặt, sau vài ngày hội sách... Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục...” - Văn Thành Lê bày tỏ quan điểm.

Văn trẻ - nhưng không khí già từ ngày khai mạc

Dù 5 năm mới được tổ chức một lần, nhưng ngày khai mạc Hội nghị những người viết văn trẻ năm nay vẫn còn những “hạt sạn”.

Diễn văn khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - dài đến 20 phút nhưng chưa nói đến những điều thiết thực với đời sống văn học trẻ hiện nay.

Buổi đầu tiên của hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của các tác giả trẻ và những tác giả “đầu bạc”, nhưng chủ yếu là những tham luận khá dài nên tạo không khí khá già cho hội nghị.

Tham dự hội nghị, nhà thơ trẻ Lương Đình Khoa cho rằng ngày khai mạc hội nghị văn trẻ hơi nặng nề và chưa đạt hiệu quả cao, bởi việc đọc tham luận rất dài thay vì phát biểu từ cảm nhận một cách mộc mạc, chân thành, ngắn gọn để thu hút người nghe.

Từ kinh nghiệm tổ chức các hội nghị văn học trẻ Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: những cuộc hội nghị như thế này nên nhường diễn đàn để các tác giả trẻ được nói những điều họ cảm, họ nghĩ và những thế hệ đi trước chỉ nên đóng vai trò là người lắng nghe.

“Bởi tôi đánh giá văn học trẻ những năm gần đây có bước phát triển và không thế hệ nào có thể làm thay thế hệ nào cả. Mỗi thế hệ sẽ có cách cảm, cách nghĩ khác nhau. Điều đó là hợp thời. Thế hệ trẻ hiện nay chính là lực lượng cảm thụ tinh nhạy nhất, hăng hái nhất, chưa bị những thành kiến, trì đọng...” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phân tích.

Trong báo cáo tình hình văn học trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng văn trẻ ngoài dòng chảy chính thì có thể nhìn thấy rõ hai xu hướng.

Một xu hướng thiên về khám phá chiều sâu cá nhân, coi nghệ thuật là yếu tố đầu tiên và trên hết với lượng độc giả hạn chế: Nhật Phi, Đinh Phương, Lê Minh Phong, Trịnh Sơn, Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh...

Xu hướng thứ hai theo quan niệm văn học phục vụ số đông đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhẹ nhàng, dễ hiểu của độc giả, trong đó mạng xã hội là cầu nối quan trọng, với nhiều cái tên nổi lên gần đây như Anh Khang, Gào, Minh Nhật, Hamlet Trương, Nguyễn Phong Việt...

Hôm nay 29-9, hội nghị tổ chức tọa đàm Văn trẻ - nhập cuộc và sáng tạo và Thơ trẻ - truyền thống và cách tân.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp