Ngổn ngang với ma trận và lời phê "sinh sản vô tính"

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TT - Những ngày này, các trường tiểu học đang bước vào giai đoạn tổng kết năm học - cũng là năm đầu tiên thực hiện theo thông tư 30.

Một tiết luyện viết của học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Đến thời điểm này, nhiều giáo viên như tôi vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả thực tế của thông tư.

Ở cuối năm học, giáo viên lại tiếp tục “tập chép” lời phê từ sổ này sang sổ khác như học kỳ 1. Tuy nhiên, giáo viên đã bớt đau đầu, giảm được thời gian để suy nghĩ ra những lời phê. Bởi từ sau học kỳ 1, những lời phê kiểu “sinh sản vô tính” đã được nhiều đồng nghiệp email cho nhau, đưa lên mạng xã hội đầy rẫy... cứ thế mà thầy cô chọn lựa lời phê để chép. Vì vậy, lời phê của học sinh lớp này giống học sinh lớp khác, thậm chí học sinh không cùng khối lớp, không học cùng trường nhưng có lời phê giống nhau cũng là chuyện hiển nhiên.

Các thầy cô chỉ có thể đặt bút phê những học sinh nổi trội hoặc có vấn đề cần lưu ý về học tập, năng lực, phẩm chất mà thôi. Còn những học sinh không có gì đặc biệt thì thầy cô đành phải sao chép lời phê để bớt đi phần nào sự cực nhọc khi giải quyết “một đống ngồn ngộn” hồ sơ sổ sách.  Sự quá tải và bất hợp lý dẫn đến thực trạng trên là điều không thể tránh khỏi.

Cũng theo thông tư 30, giáo viên phải ra đề kiểm tra. Việc ra đề kiểm tra không có gì khó khăn nếu như không buộc giáo viên phải làm ma trận trước khi ra đề kiểm tra, buộc tỉ lệ đánh giá nhận thức của học sinh thể hiện qua đề kiểm tra là những con số “cứng nhắc”: 50% là nhận biết, 30% là thông hiểu và 20% là vận dụng.

Việc làm ma trận trước rồi dựa vào đó để làm đề kiểm tra không phải giáo viên nào cũng có thể làm được. Vậy là đa số thầy cô đã làm theo “quy trình ngược”, nghĩa là ra đề trước rồi dựa vào đó để làm ma trận sau, rồi nộp đủ như yêu cầu của ngành! Một số thầy cô không hiểu ma trận, không tính được chính xác tỉ lệ nhận thức theo yêu cầu, đành mượn đề kiểm tra của đồng nghiệp, giữ nguyên các dạng trong đề cho đúng với ma trận, chỉ sửa lại số hay câu văn... Giáo viên chưa thông suốt, chưa rành rẽ mà đã vội vã thực hiện dẫn đến một thực tế như thế.

Theo thông tư 30, học sinh không đạt yêu cầu ở kỳ kiểm tra cuối năm sẽ được kiểm tra lại nhiều lần, và thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy sẽ chịu trách nhiệm bổ sung kiến thức sau mỗi lần kiểm tra không đạt, để các em tiếp tục kiểm tra lần sau. Sẽ có bao nhiêu giáo viên bỏ hết thời gian nghỉ hè của mình để rèn những học sinh yếu kém cho đến khi các em kiểm tra lại đạt yêu cầu?

Đã có giáo viên phát biểu: “Lên lớp, thi lại đều trong tay mình, tự mình làm khổ mình chi vậy?”… Chỉ có thể chấp nhận việc học sinh tiểu học ở lại lớp là bình thường và không tính thi đua giáo viên thì mới có kết quả học tập thực chất.

Những ưu điểm trên lý thuyết qua thông tư 30 đã được nêu ra rất nhiều. Nhưng những vấn đề trong thực tế thực hiện suốt một năm qua đã làm những người trong cuộc như tôi hay tất cả những ai quan tâm đến giáo dục tiểu học đều trăn trở, lo lắng.

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp