26/10/2011 12:15 GMT+7

Ngọn nến không tắt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trong xóm trọ nghèo cạnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những bệnh nhân thận mãn tính đang phải đếm cuộc sống từng ngày bên chiếc máy lọc máu nhân tạo. Nhưng ở đó luôn đầy ắp chuyện cảm động của tình yêu và lòng hi sinh cho nhau.

LIRdoSfz.jpgPhóng to
Tình yêu của chị Nguyệt đã đơm hoa kết trái khi cô con gái xinh xắn chào đời - Ảnh: Quốc Việt

Cách đây cả chục năm, gia đình ông Mai Hồng Mã ở quê ruộng Ba Vì (Hà Nội) đã phải làm cư dân suốt đời ở xóm trọ này để chạy thận nhân tạo. Cuộc sống đèn treo trước gió của ông được níu kéo bằng tình yêu và sự hi sinh của người vợ. Bất hạnh là hai con trai ông cũng tự dưng đổ bệnh thận mãn tính như cha. Và người anh đã sớm ra đi!

Em trai ở lại được một cô gái nguyện yêu thương để săn sóc cho anh. Nhưng chuyện cảm động như phép mầu của những trái tim chan chứa yêu thương vẫn chưa dừng lại, khi người con gái út duy nhất còn khỏe mạnh của ông Mã cũng đem lòng yêu thương một bệnh nhân thận như cha và anh mình. Chưa đêm nào được ngủ ngon giấc, chưa ngày nào nguôi ngoai nỗi lo cuộc sống nghèo khó và bệnh tật của chồng, nhưng cả ba người phụ nữ này vẫn chan chứa tình yêu và hi sinh!

Phép mầu tình yêu

Buổi tối, Mai Thị Như Nguyệt, cô gái út của ông Mã, đi làm về. Nhìn Nguyệt cười thật tươi, khó hình dung đôi vai gầy này đang ngày ngày lo miếng cơm manh áo và vật vã giành giật cuộc sống cho người chồng bệnh tật. Kể chuyện chồng, Nguyệt bẽn lẽn tâm sự hai người đã đến với nhau từ chính những ngày cô chăm sóc bố ở bệnh viện.

Bố chạy thận giường bên này, anh Trần Công Quỳnh nằm giường bên kia. Lúc đầu cô chỉ để ý, tội tội cho Quỳnh vì cứ thấy anh nằm lặng lẽ, chẳng ai bên cạnh. Người chạy thận lâu năm, cơ thể suy kiệt, đau đớn, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vậy mà anh vẫn chỉ một mình! Thế rồi, cô rót hộ anh cốc nước, san sẻ cho anh trái chuối, củ khoai...

Lúc đầu Quỳnh cũng ngại, sợ cô gái đã chăm bố bệnh lại thêm vất vả vì mình. Nhưng rồi hai tâm hồn đồng cảm dần dần, thấy nhớ nhớ, buồn buồn nếu vắng bóng người kia. Hiểu hoàn cảnh Quỳnh, mất bố, mẹ già 82 tuổi, phải ra đời kiếm sống từ năm 15 tuổi, Nguyệt càng đồng cảm với anh.

Đôi lần cô và Quỳnh cũng tâm sự với nhau về ước mơ tương lai. Những ước mơ của người hiền lành, nghèo khó, đang chịu bất hạnh chỉ chân chất như ngọn cỏ, củ khoai nhưng chan chứa tình yêu thương. Rồi đến ngày họ thấy không thể thiếu nhau, thì Quỳnh lại xót xa cho Nguyệt. Cầm tay cô, anh ứa nước mắt: “Anh bệnh thận mãn tính, sinh con cái chắc khó khăn, mà sinh mạng cũng không biết lay lắt được mấy. Anh không nỡ nào làm khổ em”. Nguyệt nắm chặt tay Quỳnh thổn thức: “Em yêu anh là đã chấp nhận tất cả. Chúng mình chỉ thương nhau là em hạnh phúc lắm rồi”.

Chuyện tình của họ cứ lặng lẽ diễn ra nơi bệnh viện. Nguyệt âm thầm giấu mọi người. Nhưng bố cô hiểu tình cảm con gái và lo cho con. Định tâm sự với con nhưng ông không nỡ. Mẹ Nguyệt, người vợ yêu thương của ông, đã cả đời hi sinh cho chồng. Giờ đến số phận con gái lại giống mẹ... Ông ứa nước mắt thương con! Nhưng mẹ Nguyệt biết chuyện lại vui vẻ tán thành tình cảm con gái. Bà rủ rỉ với ông: “Nếu phải ăn ở với người không thương, chắc gì con đã hạnh phúc hơn lấy chàng trai bệnh tật kia. Thôi cứ để con nghe theo trái tim mình!”.

Ngày cưới Quỳnh và Nguyệt năm 2006 là sự kiện vui và cảm động của cả xóm chạy thận. Tình yêu đã chiến thắng bệnh tật. Quỳnh phải chạy thận định kỳ thứ hai, tư, sáu mỗi tuần, anh chỉ về quê ra mắt hai họ được một ngày lại phải vội vã lên chữa bệnh. Mẹ già anh rưng rưng cầm tay con dâu nói: “Mẹ cảm ơn con đã yêu thương và hi sinh cho con trai mẹ. Đến giờ mẹ mới dám tin đứa con bệnh tật của mình đã có tình yêu gia đình”.

Sau ngày vui, hai vợ chồng thuê phòng trọ 7m2 gần Bệnh viện Bạch Mai để tiện cho Quỳnh chữa bệnh. Nguyệt hết làm công nhân may, lại ngồi dán áo mưa và chăm sóc người khuyết tật. Thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, cô phải tằn tiện cho bản thân để lo thuốc men cho chồng. Xót vợ, ngày nào không phải lọc thận, Quỳnh lén ra đường chạy xe ôm. Nhưng bệnh thận kèm suy tim và huyết áp cao, Quỳnh hay kiệt sức, ngồi lả ở vỉa hè. Nguyệt tất tả tìm chồng, khóc: “Hãy để em lo cho anh. Chẳng lẽ anh nỡ để em góa chồng sớm à”.

Niềm hạnh phúc vỡ òa khi Nguyệt chuẩn bị có con gái đầu lòng chưa được bao lâu thì cô lại lặc lè mang thai nuôi chồng bệnh. Bệnh Quỳnh hay diễn biến xấu, phải cấp cứu. Người cùng phòng bệnh cũng ái ngại, thương Nguyệt bụng mang dạ chửa ngày đêm lo cho chồng từng muỗng cháo. Nhưng cô không bao giờ lộ mặt buồn hay nói lời lo lắng với chồng. Nguyện cầu hạnh phúc lớn nhất của đời cô là người chồng yêu thương không phải lìa xa mình!

Lan tỏa yêu thương

Tình nghĩa vợ chồng chan chứa trong bệnh tật của ông Mã rồi đến đời Nguyệt như ngọn nến ấm áp lan tỏa thương yêu, nhưng phép mầu tình yêu vẫn chưa dừng lại! Một ngày, Mai Anh Tuấn, người con trai cũng phải chạy thận như ông Mã, đưa về cô gái dịu hiền Phùng Thị Nghĩa xin được nên duyên vợ chồng.

Ông bà Mã xúc động hỏi Nghĩa: “Con có biết con trai bác bệnh thận mãn tính không?”. Nghĩa cúi đầu, nhỏ nhẹ trả lời cô đã biết từ khi Tuấn mới chớm bệnh vì là bạn học ở quê. Khi Tuấn bệnh, cô đã nhiều lần âm thầm lên thăm và chăm sóc anh. Tình yêu cháy bỏng trong tim họ suốt mấy năm nhưng đôi lứa vẫn giấu kín.

Ông bà Mã rất cảm động trước tình yêu và lòng hi sinh của cô gái cho con trai bệnh tật. Nhưng họ vẫn lặng lẽ để cô suy nghĩ chín chắn. Mãi sau cứ thấy đôi lứa quấn quýt như hình bóng, ông bà Mã mới tổ chức đám cưới cho con. Đám cưới nghèo mà cô dâu chỉ có duy nhất chiếc áo dài cũ về nhà chồng. Ông Mã thương con dâu, hỏi: “Cha mẹ không có gì nhiều cho con. Vậy chiếc vòng cổ, bông tai và nhẫn, con chọn cái nào?”. Nghĩa ứa nước mắt cảm động, chỉ xin một chiếc nhẫn đơn sơ làm kỷ niệm tình yêu, để đỡ tốn kém nhà chồng.

Con gái út ông bà đã nghe theo trái tim và nguyện yêu thương, sống đời hi sinh cho người chồng bệnh tật. Bây giờ, đứa con trai ốm đau suốt đời của ông bà lại được một cô gái khỏe mạnh khác yêu thương. Nhiều lúc, ông bà tâm sự với nhau: “Ông trời có mắt, đã đày đọa và cũng đã đền bù cho gia đình mình!”.

Nên duyên với người bệnh mãn tính, hai cô gái Nghĩa và Nguyệt thành trụ cột gia đình. Nghĩa làm công nhân may và chăm sóc người khuyết tật để lo cho chồng. Cuộc sống túng quẫn triền miên trong phòng trọ 9m2, nhưng chưa bao giờ cô than vãn một lời để chồng yên tâm chữa bệnh. Rồi phép mầu của tình yêu lại diễn ra khi những đứa con kháu khỉnh của họ chào đời khỏe mạnh. Ai đang phải ngồi đong đếm từng ngày cuối đời bên chiếc máy chạy thận nhân tạo mới thật sự hiểu chuyện sinh được con cái tuyệt diệu thế nào. Ông Mã bế cháu mà rưng rưng cảm động, nói với vợ, với con dâu, con gái mình: “Chính trái tim của những người vợ đã đem đến hạnh phúc gia đình mình”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp