Một tuần những giọt cà phê đắng đót bởi những tin hạn, mặn miền Tây, cuối cùng kết thúc bằng những tin buồn vui lẫn lộn cũng về miền Tây: chương trình nước cho vùng hạn, mặn của Tuổi Trẻ thu được hàng triệu mét khối nước; ông Phạm Văn Bên - chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, người bỏ tiền túi để xây dựng ký túc xá và tài trợ chi phí cho sinh viên - qua đời.
Tin vui lẫn tin buồn nhưng cảm xúc lan tỏa lại như nhau: ngọt ngào, rộng mở, hào sảng và lôi cuốn như tấm lòng người miền Tây.
Lòng người miền Tây hào sảng, ai cũng đã từng nghe, từng biết, nhưng khi nghe tin ông Út Bên bỏ 37 tỉ đồng để sinh viên tại Đại học Nông lâm, người ta cũng vẫn ngạc nhiên. Và còn ngạc nhiên hơn khi ông cam kết sẽ tiếp tục cung cấp mỗi năm 15 tỉ đồng để tài trợ tiền ăn ở, huấn luyện kỹ năng sống, kể cả khiêu vũ cho sinh viên.
Ngạc nhiên rồi thì tâm đắc: vậy đó mới chính là người miền Tây, đã chăm lo là lo cho tới cùng, đào tạo một kỹ sư nông nghiệp không chỉ biết cây lúa, con cá, con tôm mà sẽ là một kỹ sư lịch lãm sẵn sàng mang bông lúa, con tôm đi giao thương khắp thế giới.
Tấm lòng hào sảng đầy yêu thương, trách nhiệm ấy vì vậy không chỉ gây ngạc nhiên, thán phục mà còn lôi cuốn.
Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, viết: “, anh Út Bên, mãi vang vọng trong tôi câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Anh chính là một người thầy không bục giảng, một người thấm đẫm đạo làm người, đạo làm doanh nhân…”.
Lúc sinh thời, dự án xây dựng ký túc xá của ông vừa công bố, tiến hành, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp xin được chung tay. Nay ông mất đi, trong nhiều lời chia buồn mang theo tâm nguyện: sẽ tiếp tục những tâm nguyện, sẽ lan tỏa tình yêu thương và những việc làm tử tế của ông trong đời.
Tấm lòng ông Út Bên đã được “gió cuốn đi” như thế.
Doanh nghiệp Cỏ May, những sản phẩm gạo Lài Đông Xuân, Sen Hè Thu, Cúc Thu Đông, ký túc xá Cỏ May, hàng ngàn việc làm, hàng trăm học bổng, những cơ hội nông nghiệp… những gì ông Út Bên đã để lại phía sau có thể lớn với nhiều người, có thể còn là nhỏ với nhiều doanh nghiệp khác nhưng tấm lòng của ông mới thực là mênh mông và sẽ tiếp tục được gió cuốn đi, tiếp tục lan tỏa ngay cả khi ông không còn nữa.
Ông Lê Minh Hoan tự hỏi, tự trả lời: “Mấy ai trong đời làm được như vậy? Chắc là có nhưng chắc là hiếm lắm”. Quả là hiếm, nhưng đã có, đã tạo nên ào ạt những xúc cảm muốn chung tay, muốn chia sẻ, muốn đồng hành, muốn yêu thương thì chắc sẽ không còn hiếm nữa.
Tâm nguyện ông Út Bên sẽ còn trong gia đình, trong những “người Cỏ May”, trong những sinh viên ngày ngày ra vào ký túc xá Cỏ May, trong những người đã nghe rưng rưng khi biết chuyện của ông. Không phải ai cũng có tiền tỉ nhưng tấm lòng thì đã sẵn, và đến lượt tấm lòng thì luôn có khuynh hướng mở rộng, nhất là khi những người đồng bào đang cần chia sẻ tới từng hạt nước.
Những bản tin về miền Tây hôm nay đã bớt mặn rồi, cho dù hôm nay miền Tây phải chia xa một người con đầy yêu thương hào sảng.
Gió đang cuốn chất hào sảng ấy đến mọi người, mọi miền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận