Nhiều người chỉ trích hình ảnh nữ tính, ẻo lả của các ngôi sao Trung Quốc hiện nay - Ảnh: SCMP
Gần đây, dư luận Trung Quốc tranh cãi kịch liệt về vấn đề các nam diễn viên/ca sĩ nước này có vẻ đẹp "đào tơ" khi xuất hiện trên màn ảnh.
Bên cạnh đó, một khái niệm mới có tên "Tinh Trư Nam" (tạm dịch: người đàn ông tinh tế) cũng được ra đời để nói về các chàng trai trẻ nước này dành nhiều thời gian để chăm chút ngoại hình.
Một số ý kiến cho rằng xu hướng này cần được ngăn chặn vì nó hoàn toàn tương phản với vẻ đẹp truyền thống của người đàn ông Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 25-10 cho biết giữa làn sóng gây nhiều tranh cãi đó, một viện đào tạo ở Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ nỗ lực "giải cứu các cậu bé".
Hoạt động được 6 năm nay, viện đào tạo có tên "Câu lạc bộ của những cậu bé" đã tiếp nhận khoảng 20.000 bé trai tuổi từ 5-12 để dạy dỗ. Các phụ huynh hy vọng thông qua những khóa học tại đây, con cái họ sẽ vượt qua được nhiều vấn đề như lười, nhút nhát, béo phì, "mít ướt"...
Viện đào tạo trên cũng cung cấp khóa học kiểu học quân sự dành cho những bé trai thiếu nam tính hoặc "quá nữ tính".
Tang Hai Yan, nhà sáng lập viện đào tạo trên, cho biết các bé trai cần biết gánh vác trách nhiệm, có khả năng giải quyết các tình huống khẩn cấp và thân hình rắn rỏi.
"Ngày nay, nhiều người đàn ông không ra dáng đàn ông", ông Tang chia sẻ.
Các bé trai tham gia khóa huấn luyện của "Câu lạc bộ những bé trai" trong một trại hè 2018 ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc - Ảnh: GLOBAL TIMES
Giới thiệu về các khóa học, một tấm chương trình đào tạo của viện đào tạo trên viết: "Có một hiện tượng phổ biến giữa các thanh thiếu niên ngày nay là những chàng trai dễ bị tổn thương. Nhiều chàng trai thiếu tự tin, không quyết đoán, thiếu khả năng và thậm chí không có ước mơ".
Bà Zhao, mẹ của một bé trai 9 tuổi, đã gửi con bà đến viện đào tạo trên thường xuyên. Gần như mỗi cuối tuần trong suốt kỳ nghỉ hè và nghỉ đông kể từ năm 2016, cậu bé đến đây đều đặn để chơi bóng đá và tham gia nhiều hoạt động khác để tăng sự "nam tính".
Vị phụ huynh cho biết ngoại hình không nên là tiêu chí chính để đánh giá một cá nhân. Theo bà, quan trọng nhất là chàng trai phải có các đặc điểm nam tính.
Nhiều phụ huynh khác cũng khen ngợi chương trình huấn luyện của viện đào tạo trên. Họ cám ơn các thầy cô giáo vì đã giúp trẻ em trải qua những thay đổi đáng kể, từ sự rụt rè nữ tính đã trở nên nam tính hơn.
Trong chương trình huấn luyện của "Câu lạc bộ của những cậu bé", các bé trai phải thường xuyên tham gia các bài học kiểu học quân sự với thời gian biểu khắt khe. Họ phải tập dáng đứng của những người lính, tự dọn giường, ca những bài ca quân đội, tham gia các hoạt động như đấu võ, chơi thể thao…
Tờ Nhân Dân Nhật Báo trong một bài xã luận viết rằng công chúng nên chấp nhận những giá trị thẩm mỹ khác nhau - Ảnh: AFP
Trong khi một số người ủng hộ, một số phụ huynh khác cho rằng không nên ép buộc trẻ em tham gia những khóa học như vậy như tuổi các bé còn quá nhỏ.
"Việc cố tình ép trẻ em tham gia khóa học có thể gây ra tác dụng ngược, chẳng hạn tính chống đối. Một thói quen tốt cần mất nhiều thời gian để hình thành. Điều này không thể thay đổi chỉ với khóa học ngắn hạn", bà Liu, hiện có một bé trai 7 tuổi, bình luận.
Peng Xiao Hui, giáo sư về giới tính học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung của Trung Quốc, cho rằng người dân Trung Quốc cần đánh giá hiện tượng đàn ông thiếu nam tính trong một bức tranh lớn hơn.
"Chúng ta cần tôn trọng những khác biệt về tính cách. Nếu thiếu nam tính là đặc điểm của một ai đó, thì điều đó không nên bị chỉ trích", giáo sư Peng chỉ ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận