Phóng to |
Anh hùng Phan Trọng Bình hôm nay -Ảnh: Tự Trung |
Dạo này ông vui vẻ hẳn lên và khỏe ra nhiều, do nghe tin Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng đội và cho ông, người từng một thời được mệnh danh là “ngôi sao Côn Đảo”.
Sẵn sàng chọn cái chết
"Cuối đợt tuyệt thực ở chuồng cọp, ông Bình chỉ còn thoi thóp, lại bị kiết lỵ kéo dài, máu ra bầm đen cả phòng giam. Quản trại cùng y tá đến gọi: “Mậu, muốn chết hay muốn sống?”. Ông trả lời: “Muốn sống”. “Sống thì ly khai nhé?”. Ông lại trả lời: “Không, sống để đấu tranh”. Sau nhiều phút ngần ngừ, cuối cùng y tá đã tiêm thuốc cho ông. Ông sống và tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng" Trích Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận |
Trong Bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ trân trọng bản xác định lập trường của các chiến sĩ can trường trong Lao 1 ngày ấy. Tấm giấy của ông Phan Trọng Bình chỉ có vài chữ mang nét nguệch ngoạc cố ý để che giấu tông tích: “Tôi không thể ly khai được: 3-1-1961 - Vũ Văn Mậu”.
Hơn bảy năm bị bắt, trải qua hàng chục nhà tù, vô số trận tra tấn thừa chết thiếu sống, đối phương khi ấy chỉ biết được ở ông một cái tên giả, không khai thác được gì ở con người mà mới 18 tuổi đã được kết nạp Đảng, 24 tuổi đã là phó bí thư tỉnh ủy Bà Rịa kiêm chính ủy trung đoàn 397. Thất bại trong việc khai thác thông tin, địch đưa ông xuống tàu ra Côn Đảo. Những cuộc tra tấn, siết bóp ở đây dã man, khốc liệt hơn mọi sự tưởng tượng, và yêu cầu cũng khốc liệt không kém: ly khai Đảng Cộng sản.
Hôm nay ông Bình không kể gì về những ngày sinh tử ấy nữa, chỉ cười hiền lành và nói giản dị: “Tôi theo truyền thống gia đình, theo cách mạng từ 13, 14 tuổi, chỉ xác định một điều: lý tưởng cộng sản là thiêng liêng, là cao nhất, quan trọng nhất, không thể thay thế được”. Không thể thay thế ngay cả khi đối trọng là cuộc sống của bản thân mình.
Câu chuyện của ông Bình trong những ngày ấy đã được ông Nguyễn Đức Thuận kể lại gần đầy đủ trong tác phẩm Bất khuất. Những ngày bị cách ly trong chuồng cọp, bị đánh giập phổi, gãy xương sườn, ông luôn cố gắng gom hơi sức để kêu to lên qua những vách đá, báo với anh em mình còn sống, còn vững vàng trong hàng ngũ. Với ông, “mọi hoạt động của Đảng đều do dân, vì dân và của dân. Độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất, giàu mạnh là nguyện vọng thiết yếu của toàn dân, cũng là của Đảng. Chúng ta sống vì dân, chết cũng vì dân”.
Cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng mà 6.000 người tù ở Lao 1 khởi xướng và theo đuổi suốt bảy năm, sau hơn 2.000 ngày đêm (giai đoạn 1, từ năm 1957-1964) đã đi đến thắng lợi cuối cùng chỉ với vỏn vẹn sáu người còn sống. Hàng trăm người đã chết trên chặng đường khốc liệt, hàng ngàn người phải tạm tách khỏi đội ngũ trong một giây ngã lòng, một khoảnh khắc xương thịt nhượng bộ vũ lực. Những cái tên Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Một, Nguyễn Minh, Huỳnh Văn Khi trở nên lấp lánh như những ngôi sao trong đêm trường Côn Đảo ngày ấy.
Hôm nay, đọc lại những câu chuyện của Lao 1, có lúc tôi nghe tim đập mạnh vì xúc cảm, có lúc thoáng nghi ngờ về độ xác thực. Có thật là thân xác con người có thể vượt qua những thử thách được đẩy đến tận cùng như vậy không? Ông Bình trả lời bằng một nụ cười: “Lúc đó tôi chỉ có hai lựa chọn: chọn lý tưởng là chọn cái chết, chọn ly khai thì phải sống trong dằn vặt suốt đời. Vậy là tôi chọn chết, lao vào cái chết”.
Phóng to |
Bản xác định lập trường của anh hùng Phan Trọng Bình - Ảnh tư liệu |
Món nợ đồng đội
Hôm nay, danh hiệu Anh hùng đã được phong tặng và truy tặng cho năm trong số sáu người cộng sản kiên trung ấy. Bộ hồ sơ cuối cùng đang được ban liên lạc tiếp tục hoàn tất.
Là người duy nhất còn sống trong sáu người, ông Bình bảo: “Tôi vui thay cho tất cả anh em”, và ông còn vui hơn với danh hiệu Anh hùng dành chung cho tất cả chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo. Được mệnh danh là ngôi sao sáng của Côn Đảo nhưng ông Bình không bao giờ quên những người đồng đội đã cùng sống, cùng chết với mình, dù là suốt chặng đường hay chỉ một ngày. “Tôi sống được là nhờ anh em” - ông nói. Đó là những anh em ở Lao 2, Lao 3 đã phải ngậm ngùi tạm xa rời hàng ngũ vì không chịu đựng nổi đòn tra, đày ải nhưng tâm trí luôn đau đáu về lý tưởng mình đã chọn, ánh mắt luôn tìm mọi cách hướng về Lao 1. Những người ấy đã xoay xở dành chén cơm, miếng thịt, cọng rau tuồn vào cho ông để giữ sức, giấu giếm từng viên thuốc, giọt dầu để ông có thể vượt qua đau đớn, liều mình đưa một mẩu giấy mang tin tức để ông có nguồn động viên tinh thần... “Thử hỏi không có họ làm sao tôi sống được đến hôm nay?” - ông Bình nói.
Hiện nay, hàng trăm cựu tù Côn Đảo còn sống ở các tỉnh thành đang chờ ngày tề tựu cùng nhau để đón nhận danh hiệu Anh hùng. Tóc đã bạc, chân đã mỏi nhưng lý tưởng của Đảng mà họ đã theo đuổi bằng máu, bằng tuổi trẻ vẫn như đang cháy rực trong tim. Trong những câu chuyện bên chén trà của họ ngày hôm nay không chỉ có những kỷ niệm xương thịt của “dân tộc Tà Ru (nói lái chữ “tù ra”) mà còn có những bản tin thời sự hằng ngày.
Ông Bình nói với tôi một cách gan ruột: “Tôi đã sống qua những hoàn cảnh cầm chắc cái chết để hi vọng cuối đời được thấy lý tưởng mà mình theo đuổi được trở thành hiện thực”.
Trong “sáu ngôi sao sáng” của Côn Đảo, ông Nguyễn Đức Thuận được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) sớm nhất vào tháng 2-2008. Ngày 26-7-2012, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Phan Trọng Bình, đồng thời truy tặng Anh hùng LLVTND cho các ông Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một. Trường hợp của ông Huỳnh Văn Khi đang tiếp tục được Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo hoàn tất hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày 27-4, Chủ tịch nước cũng đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực LLVTND cho tập thể chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận