23/06/2019 14:18 GMT+7

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 2: Bỏ bóng đá theo nghiệp văn phòng

H.ĐĂNG - T.TRUNG - H.DƯ
H.ĐĂNG - T.TRUNG - H.DƯ

TTO - Trong trang phục áo sơmi quần tây chỉnh tề, đúng 8h sáng Cao Phan Thanh bước vào bàn làm việc của mình ở ngân hàng. Trước 20 tuổi, Thanh đeo đuổi cuộc đời một ngôi sao bóng đá giàu triển vọng.

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 2: Bỏ bóng đá theo nghiệp văn phòng - Ảnh 1.

Buổi sáng, Cao Phan Thanh (trái) là nhân viên ngân hàng... ...Buổi chiều, Cao Phan Thanh (phải) lại xỏ giày ra sân “phủi” - Ảnh: T.TRUNG - H.Đ.

Nhưng rồi những chấn thương đã buộc anh phải giã từ đam mê.

Khi gặp Thanh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là vẻ ngoài... thừa cân của anh. Cựu hậu vệ 25 tuổi này cười khổ thú nhận anh từng gặp khủng hoảng tâm lý khi mới giải nghệ.

Nhiều người muốn có cuộc sống như tôi hiện tại nhưng tôi ước gì mình có thể thi đấu chuyên nghiệp. Giá như có thể hoán đổi, tôi sẽ sẵn sàng.

Cựu cầu thủ NGÔ CÔNG DANH

Sáng ngân hàng, chiều sân phủi

Việc đột ngột chuyển từ cuộc đời banh bóng, mỗi ngày chạy hàng giờ trên sân tập sang ghế giảng đường, rồi sau đó là văn phòng khiến Thanh không kịp cân bằng giữa dinh dưỡng và vận động. Và anh tăng hơn 10kg chỉ trong một thời gian ngắn sau khi rời xa sân bóng.

Còn trước đó? Năm 15 tuổi, Thanh là một trong những trung vệ giàu tiềm năng của Đà Nẵng và là một thành viên trong đội ngũ đăng quang Giải vô địch U15 quốc gia của đội bóng trẻ sông Hàn. 

Anh tiếp tục chơi tốt ở những giải cấp độ U17, U19 sau đó. Nhưng rồi tiềm năng của Thanh mãi mãi dừng lại ở... tiềm năng bởi những chấn thương ngày một dày đặc. 

Năm 20 tuổi, nhận thấy sự nghiệp của mình ngày càng đi vào ngõ cụt, Thanh giã từ sân cỏ để chuyên tâm vào việc học ở ĐH Thể dục thể thao.

"Đến lúc đó tôi mới thấy may mắn vì được ba mẹ, thầy cô thúc ép học hành thời còn là cầu thủ. Vừa đi đá banh, tôi vừa đậu vào ĐH Thể dục thể thao. Những lúc dưỡng thương, tôi lại tranh thủ đi học nên đến khi giải nghệ cũng không quá bỡ ngỡ. Điều khiến tôi khó chịu nhất là thói quen sinh hoạt, mất một thời gian mới quen được nên tôi sinh ra thừa cân" - Thanh kể.

Dù sao, việc thừa cân cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội xin việc của Thanh. Ra trường anh đi dạy, tranh thủ học thêm các khóa nghiệp vụ công việc văn phòng trước khi được một ngân hàng nhận vào làm việc với vai trò giao dịch viên. Sau một năm, Thanh đã hoàn toàn quen thuộc với công việc này và vẫn tiếp tục đi học để có thêm cơ hội tiến thân trong cuộc đời mới.

Toàn tâm toàn ý với đời sống công sở, cựu hậu vệ to khỏe nay đã chia tay sân bóng? Không. Ngay sau cuộc cà phê, Thanh rủ chúng tôi ra sân xem anh thi đấu cùng các đồng nghiệp ở một hội thao liên ngân hàng tại Đà Nẵng. 

Như nhiều giải phong trào khác, sân bóng nơi đây cực kỳ sôi động với cả ngàn CĐV đứng kín quanh sân, và Thanh lại được sống trong không khí bóng đá thuở nào. 

Với thân hình to quá khổ cùng đầu gối nhiều lần bị chấn thương, Thanh không còn nhanh nhẹn như ngày trước, nhưng kinh nghiệm vẫn giúp anh trở thành trụ cột trên sân.

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 2: Bỏ bóng đá theo nghiệp văn phòng - Ảnh 3.

Ngô Công Danh (đứng giữa) phụ giúp công việc buôn bán của gia đình - Ảnh: T.P.

Sẵn sàng đánh đổi cuộc đời yên ổn

Video Ngô Công Danh chia sẻ về cuộc số hậu bóng đá - Thực hiện: TẤN PHÚC - HOÀI DƯ

Không phải cầu thủ nào cũng giữ được vẻ điềm tĩnh khi nói về cuộc đời bóng đá thiếu may mắn như Phan Thanh. Với Ngô Công Danh - con trai cựu danh thủ bóng đá xứ Đồng Tháp Ngô Công Nhậm, đồng thời cũng là một thành viên trong lứa U15 Đồng Tháp vô địch giải quốc gia năm 2009 - sự đa cảm khiến anh không thể nào quên những kỷ niệm của sân bóng.

Chúng tôi gặp Danh ở cửa hàng phân phối bánh kẹo của gia đình anh. Trên tay Danh luôn là quyển sổ và cây bút ghi chép lại hàng hóa chuẩn bị đưa đi phân phối. 

Công Danh ngày nào gắn bó với sân cỏ và trái bóng nuôi dưỡng ước mơ bóng đá chuyên nghiệp giờ đã trở thành "ông chủ trẻ".

So với những cầu thủ lứa U15 vô địch quốc gia năm nào, cuộc sống của Công Danh thuộc diện ổn định đến đáng mơ ước. Nhưng khi gặp chúng tôi và bàn chuyện đá bóng, Công Danh vẫn không giấu được sự tiếc nuối vì giấc mơ sân cỏ kết thúc quá sớm. 

Năm 19 tuổi, Công Danh bị đứt dây chằng khiến đôi chân rất yếu. Tai nạn này cộng với lời khuyên từ người cha - cựu danh thủ nổi tiếng, Công Danh quyết định từ bỏ bóng đá để về phụ giúp gia đình kinh doanh.

"Giờ cuộc sống của tôi khá ổn nhưng vẫn luôn ao ước như Trường Khang thi đấu cho Đồng Tháp. Có lần thấy Khang ghi bàn, tôi đã khóc vì vừa vui vừa hụt hẫng. Đáng lý ra tôi đã có thể sát cánh cùng Khang trên sân bóng, tận hưởng niềm vui đó" - Danh nói, khóe mắt đỏ lên và khóc khi cố tránh ánh nhìn của mọi người. 

"Nhiều người muốn có cuộc sống như tôi hiện tại nhưng tôi ước gì mình có thể thi đấu chuyên nghiệp. Giá như có thể hoán đổi, tôi sẽ sẵn sàng" - Danh chia sẻ.

Đúng là Danh không từ bỏ bóng đá thật. Bây giờ cứ mỗi chiều, anh xách giày ra sân đá bóng để thỏa niềm đam mê. Anh cũng đã xây dựng một đội bóng tại địa phương cũng như hỗ trợ cho các giải đấu phong trào với phương châm: Mình không chơi được thì để người khác chơi. Bóng đá có thể không chấp nhận Công Danh nhưng anh không bao giờ từ bỏ bóng đá.

Đá phủi cũng được đồng ra đồng vào

Thanh cho biết: "Thi thoảng tôi vẫn đi đá phủi, có khi là ở những tỉnh thành khác. Ở Đà Nẵng không có chuyện đá phủi được nhận lương, được tạo công ăn việc làm như nhiều nơi khác, chỉ khi nào thắng giải mới có tiền thưởng. Nhưng nói chung cũng được đồng ra đồng vào, và quan trọng là mình được an ủi phần nào cho một cuộc đời cầu thủ đã đánh mất".

Kết thúc trận đấu, đội của Thanh giành chiến thắng. Nhưng thay vì ăn mừng, anh đến vực dậy những cầu thủ đội bạn. Dù chỉ là sân chơi phong trào nhưng Thanh thấu hiểu cảm giác tuyệt vọng mà đam mê bóng đá quá mức mang lại cho người trong cuộc.

T.P.

H.ĐĂNG - T.TRUNG - H.DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp