21/01/2019 12:01 GMT+7

Ngôi nhà xanh khuyến học của chiến sĩ biên phòng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Tại Đồn biên phòng Lăng Cô (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế), hoạt động thu gom 've chai' được các đoàn viên phát triển rộng rãi ra cộng đồng để gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học.

Ngôi nhà xanh khuyến học của chiến sĩ biên phòng - Ảnh 1.

Chi đoàn Đồn biên phòng Lăng Cô trao học bổng cho các em học sinh hiếu học trên địa bàn - Ảnh: CĐLC

"Khi anh em chi đoàn đưa mô hình ra cộng đồng, sự chung tay của xã hội được nhân lên, cơ hội giúp đỡ các em nghèo hiếu học cũng được nhân lên" - thiếu tá Hoàng Văn Dũng, chính trị viên phó, bí thư chi đoàn Đồn biên phòng Lăng Cô, "cha đẻ" của mô hình này, nói.

Mô hình này đã kêu gọi người dân cùng chung tay vừa bảo vệ môi trường vừa hướng tới những điều tốt đẹp cho cộng đồng, khích lệ các cháu vươn lên trong cuộc sống. Đây là một trong những hoạt động vận động quần chúng, qua đó anh em trong đơn vị có thể nắm địa bàn tốt hơn nhằm sẵn sàng trong mọi tình huống.

Trung tá LÊ HỒNG TUYÊN TUYÊN

Đưa mô hình vượt khỏi đơn vị

Đầu năm 2018, khi vừa về nhận công tác tại Đồn biên phòng Lăng Cô, thiếu tá Dũng nhận thấy đặc điểm chung của địa bàn là có rất nhiều vỏ lon bia được các hàng ăn, quán xá vứt lăn lóc khắp nơi. Vốn có "máu" hoạt động cộng đồng, câu hỏi đặt ra trong đầu thiếu tá Dũng là tại sao không "làm gì đó" với những vật dụng bỏ đi này?

"Làm gì đó" trong ý nghĩ của anh chính là việc đưa mô hình gom vỏ lon trong đơn vị mình đến từng nhà dân, quán nhậu để người dân bỏ đúng nơi đúng chỗ, cũng như "tích tiểu thành đại" ủng hộ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Một cuộc vận động "gần dân" được chi đoàn thực hiện ngay sau khi nhận được sự thống nhất cao trong tập thể. Các chiến sĩ Đồn biên phòng Lăng Cô ban đầu đến các nhà hàng đặt vấn đề xin vỏ lon bia, nước ngọt. Trong những cuộc trò chuyện ấy, các chủ quán có thắc mắc là để làm gì, gom như thế nào...

Thiếu tá Dũng cùng anh em chi đoàn bắt tay ngay vào việc cắt tôn, hàn thép để làm những mô hình đựng vỏ chai, lon nước sao cho vừa thẩm mỹ vừa nhắc nhở được ý thức chung tay cho mọi người. Vài tuần sau đó, một loạt Ngôi nhà xanh ra đời, được đặt tại khuôn viên một số quán ăn gần đồn.

"Ngôi nhà xanh mang ý nghĩa là màu xanh áo lính biên phòng, do anh em chi đoàn làm ra là để môi trường xanh sạch đẹp. Nhưng ý nghĩa hơn hết là màu xanh hi vọng nuôi những ước mơ, hoài bão đến trường của trẻ em nghèo hiếu học" - thiếu tá Dũng giải thích cách đặt tên cho những mô hình gom vỏ lon có treo bảng tên được đặt tại các quán xá.

Nhưng không phải lúc nào việc lắp đặt Ngôi nhà xanh cũng thuận lợi. Ý thức của một số người dân, đặc biệt là một số quán, nhà hàng chưa nhiệt tình bởi liên quan đến nguồn thu nhập của họ. Những cuộc tâm sự "tỉ tê", những buổi đi vận động để người dân thấy "việc làm nhỏ ý nghĩa lớn" mang lại được những đoàn viên chiến sĩ xem như một bài tập huấn "gần dân".

Mưa dầm thấm lâu, khi biết được những vỏ lon vứt đi lại có thể mang đến những cơ hội đến trường cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mọi người vui vẻ ủng hộ. 

Đến nay đã có gần 20 mô hình Ngôi nhà xanh đặt tại các quán ăn lớn, còn quán nhỏ, hộ dân mọi người cũng thường xuyên "để dành" cho Ngôi nhà xanh. Chẳng mấy chốc, số vỏ lon trở thành những suất học bổng khuyến học chỉ sau hai tháng triển khai mô hình.

Ngôi nhà xanh khuyến học của chiến sĩ biên phòng - Ảnh 3.

Mô hình Ngôi nhà xanh của chi đoàn Đồn biên phòng Lăng Cô thu gom vỏ lon tại các hàng quán để tạo quỹ học bổng - Ảnh: CĐLC

Lòng tốt nhân lên

Chị Lê Thị Bình, một chủ quán ăn ở Lăng Cô, kể những ngày đầu thấy các chiến sĩ biên phòng xuống dãy quán ăn vận động, mọi người hơi... bất ngờ. Nhưng khi biết đây là chương trình "gom góp yêu thương" để trao học bổng cho các cháu nhỏ tại địa phương, nên mọi người đều vui vẻ cho đặt mô hình Ngôi nhà xanh cũng như vận động người đi đường bỏ đúng nơi.

"Thiệt ra nếu tôi bỏ công ra gom thì mỗi tháng bán cũng được vài chục ngàn đồng. Nhưng khi biết chừng số tiền này có thể giúp mấy đứa nhỏ thì cũng vui vẻ thôi. Cái này nhiều ý nghĩa, vừa từ thiện mà ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng vì thế cao hơn" - chị Bình nói.

Dường như cũng "bệnh nghề nghiệp", những thành viên trong chi đoàn Đồn biên phòng Lăng Cô không chịu để yên khi thấy những vỏ chai, lon nước lăn lóc trên đường. Khi có mặt đưa tin vụ tai nạn lật xe chở sinh viên Trường CĐ Kiên Giang trên đèo Hải Vân mới đây, mọi người đều bất ngờ bởi nhìn thấy các chiến sĩ biên phòng sau khi hoàn thành xong xuôi việc cứu người ai nấy cũng ra những đường mương nhặt vỏ lon bị vứt lại mang về đơn vị.

Thiếu tá Dũng kể khi biết được ý nghĩa của chương trình này, ý thức của nhiều người dân trong khu vực đã cao hơn hẳn. Mọi người ai cũng sẵn sàng gom góp ve chai có thể bán được cho anh em trong chi đoàn làm từ thiện. 

"Thậm chí có những người làm nghề thu gom ve chai, bao phế liệu còn khó khăn nhưng hằng tháng vẫn chia sẻ tấm lòng với học sinh nghèo. Lòng tốt không phân biệt giàu nghèo" - thiếu tá Dũng nói.

Qua gần một năm triển khai mô hình Ngôi nhà xanh, đã có 4 đợt với 40 em học sinh các trường trên địa bàn Lăng Cô được nhận "học bổng vỏ lon" với những phần quà là sách vở, đồ dùng học tập và tiền mặt. 

Trung tá Lê Hồng Tuyên, phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết khi nhận thấy hiệu quả của mô hình này, bộ chỉ huy đã triển khai nhân rộng cho toàn đơn vị. Đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức được 12 đợt trao học bổng cho các em học sinh từ mô hình này.

Thiếu tá nghĩa hiệp

ngoi nha xanh 1

Thiếu tá Dũng và sinh viên Ngô Thị Su Sal, người được anh giúp đỡ tìm cánh tay bị mất - Ảnh nhân vật cung cấp

Không những là "cha đẻ" của mô hình Ngôi nhà xanh, thiếu tá Hoàng Văn Dũng còn là người sôi nổi trong các hoạt động ra tay cứu người. Trong cuộc chạy đua cứu cánh tay nữ sinh viên Trường CĐ Kiên Giang bị đứt lìa trong vụ tai nạn xe chở sinh viên trên đèo Hải Vân, thiếu tá Dũng ngoài tham gia đưa người lên khỏi vực còn là người trực tiếp tìm được cánh tay cô gái.

Thiếu tá Dũng kể khi nghe có một trường hợp mất cánh tay, anh nói đồng đội chạy về Lăng Cô tìm thùng đá, rồi hô hoán mọi người lục tung mọi ngóc ngách, rừng cây nơi chiếc xe khách lao xuống. 30 phút trôi qua vô vọng, anh lên lại khu vực taluy dương (bên vách núi) và đã thấy cánh tay cô gái dưới đường mương thoát nước. Sau đó, anh Dũng theo xe cấp cứu vào Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân. Sau vụ tai nạn này, thiếu tá Dũng cũng nhiều lần vào Đà Nẵng thăm em Ngô Thị Su Sal, nữ sinh viên bị mất cánh tay nói trên.

Chiến sĩ biên phòng bớt phần cơm, tặng gạo người khó khăn

TTO - Gần hai năm qua, tám hộ dân ở xã Mường Nhé đều đặn được nhận bao gạo tình thương từ các chiến sĩ bộ đội biên phòng Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nhờ đó, họ bớt đi cơn đói.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp