Người dân mua sắm rau, củ, quả tại các điểm bán hàng trước tiệm thuốc tây với giá bình ổn - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong khi đó, hàng loạt tiểu thương tại các chợ đang tạm đóng cửa cũng sớm bắt kịp xu hướng, đăng ký gian hàng tại các chợ mạng hoặc cung cấp cho những mối khách riêng với đầy đủ các mặt hàng.
Không đến siêu thị vẫn nấu đủ món
Phản ảnh tới Tuổi Trẻ, chị Thuyền (quận Tân Phú) cho biết do chung cư bị phong tỏa nên chị đặt hàng online ở siêu thị gần nhà và đã thanh toán. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua chị vẫn không nhận được hàng, dù đã có hai đơn hàng được siêu thị xác nhận đang xử lý.
"Trong khi hàng hóa chưa nhận được, siêu thị lại thông báo đã giao hàng thành công. Gọi điện cho siêu thị để phản ảnh đều không được vì không thể kết nối" - chị Thuyền chán nản.
Tình trạng đơn hàng online sau một tuần mới được giao hoặc "bị lãng quên" ở các siêu thị không hiếm do quá tải ở các siêu thị, sau khi hơn 200 chợ truyền thống phải đóng cửa do có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ đã tự xoay xở bằng cách đa dạng kênh mua sắm thay vì phụ thuộc vào các siêu thị.
"Hơn một tháng qua, nhà tôi vẫn luôn có đầy đủ rau củ, thịt, thậm chí các món khó như bún bò, phở, bánh cuốn... mà không còn phụ thuộc vào kênh siêu thị" - chị Hoàng Trang (quận Bình Thạnh) cho biết.
Theo chị Trang, sau nhiều lần cắt cử người xếp hàng ở siêu thị gần nhà rồi đặt hàng online nhưng chờ dài cổ vẫn không được giao, chị bắt đầu cài ứng dụng đa dịch vụ có kết nối với một số chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chợ truyền thống để mua những mặt hàng thiết yếu và được giao hàng nhanh nhờ lực lượng shipper sẵn có.
Khi các cửa hàng trên nền tảng này quá tải, chị Trang chuyển sang mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada...
Do các nền tảng dịch vụ như Grab... đã gắn kết với nhiều siêu thị, chợ truyền thống nên có thể dễ dàng mua được gạo, rau, thịt, cá, trái cây... và được giao hàng trong khoảng 30 phút, nhanh hơn nhiều so với các kênh khác.
Ngoài ra, dịch vụ đi chợ hộ còn có kết nối với khá nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn như Lottemart, Aeon, Big C, Farmers’ Market, Vinamilk, Family Mart...
"Các trang thương mại điện tử này không quá xa lạ nhưng đều khá mới trong bán hàng tươi sống, thường mất hai ngày mới giao, nên hàng mua ở đây tôi xem như phần 'để dành'. Với các dịch vụ đi chợ hộ nhận xử lý đơn từ 6 - 7 ngày sau, tôi đặt gối đầu nên bây giờ có thể yên tâm đến cuối tháng 7 nhà vẫn có thực phẩm" - chị Thu Hà (phường 9, quận Phú Nhuận) cho biết.
Hàng hóa dồi dào với các nhóm mua chung
Do nằm trong khu vực bị cách ly rồi phong tỏa kéo dài, chị Ngọc Bích (quận 7) cho biết đã cùng với một số người quen gần nhà tìm cách xoay xở.
Với rau củ, thịt, cả xóm cùng lập quỹ và đặt hàng từ Đà Lạt, nguyên xe vận chuyển về đầy đủ. Hàng được chia thùng tại vườn rồi phát về từng nhà. Đến nay, xóm đặt được hai xe hàng và ai cũng yên tâm ở nhà chống dịch.
"Tại sao phải xếp hàng vào siêu thị để mua bột mì, bột gạo trong khi mua bao nhiêu cũng có tại các cửa hàng làm bánh và được giao hàng tận nhà?" - chị Bích nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nền tảng mua hộ được các bà nội trợ ưa thích là các ứng dụng như Grab, Be... vì có thể giao hàng nhanh chóng, nhưng do dịch vụ quá tải nên nhiều bà nội trợ cũng "dắt túi" vài mối hàng riêng.
Bà Minh (quận Phú Nhuận) cho biết nhờ có số điện thoại của những mối quen ở chợ tạm phải ngưng bán gần nhà nên gọi điện đặt hàng và được giao tận nhà, thậm chí bánh mì, bún, bánh ướt cũng được giao.
"Tuy phí giao hàng dạo này hơi cao nhưng xem như chi phí mình đi xe ôm đi chợ mọi khi cũng chừng đó" - bà Minh cho biết.
Với các khu chung cư, nhiều cư dân cũng xoay xở được nhờ "họp chợ nội bộ", vừa có đủ thực phẩm vừa đỡ phải ra ngoài lúc giãn cách. Theo chị Uyên (TP Thủ Đức), các group dân cư hoạt động vốn sôi nổi, trong dịch còn nhộn nhịp hơn nhờ những người bán cũng là cư dân trong chung cư.
Người có nguồn rau Đà Lạt, người có trái cây miền Tây, cá miền Trung... thậm chí cả bánh chưng, hột vịt lộn. Ban quản trị chung cư cũng tìm đầu mối từ các nhà vườn, cung cấp thực phẩm tận tay cho cư dân.
"Mọi người đăng ký mua bán theo số căn hộ, nhu cầu rồi giao ở lễ tân và chuyển khoản, một số người nhận ngay tại nhà. Đến nay tôi cũng chưa phải đi chợ lần nào" - chị Uyên khoe.
Ngay cả với những người trong khu vực phong tỏa và cách ly y tế vẫn có thể dễ dàng đặt mua hàng online. Khách chỉ cần đặt hàng qua mail, tin nhắn Zalo, Facebook hoặc gọi trực tiếp đến các tiểu thương, cửa hàng với các combo hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu cho bữa cơm.
Người dân có nhiều cách mua sắm hàng thiết yếu khác nhau thay vì xếp hàng dài vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tiểu thương cũng "tung hoành" chợ online
Trong thời gian chợ truyền thống hay chợ tạm phải ngưng hoạt động, nhiều tiểu thương cũng tìm đến các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng.
Anh Nguyễn Công Duy - chủ gian hàng rau tại chợ Gò Vấp - cho biết từ khi quận áp dụng chỉ thị 16 từ đầu tháng 6-2021 và chợ Gò Vấp phải đóng cửa, anh đã tìm cách đăng bán trên mạng. Ban đầu là thử bán trên những trang rao vặt không mất phí đăng ký hay hoa hồng trên mỗi đơn hàng.
"Nắm rõ tâm lý người đi chợ online, tôi chọn cách bán đồng giá rau củ trên Chợ Tốt và một số kênh khác. Khi có khách đặt mua, tôi sẽ lên đơn hàng và đặt xe ôm công nghệ giao hàng tận nhà. Trung bình một ngày lượng rau củ bán ra có thể trên 1 tấn" - anh Duy cho biết.
Tương tự, ông Tâm, chủ sạp rau Đà Lạt ở quận 8, cũng cho biết sau khi đăng ký lên các nền tảng đa dịch vụ, sạp rau nhà ông bận rộn không kém gì ngày thường.
Các nền tảng thương mại điện tử cũng ghi nhận số lượng người đăng bán thực phẩm mạnh từ đầu tháng 6. Chỉ tính riêng trang Chợ Tốt, số lượng người bán tại TP.HCM tăng 30% so với tháng trước, trong đó có hơn 30% tin đăng bán các loại thịt bò, heo, gà; 38% tin đăng bán các loại hải sản và 32% tin đăng bán rau củ.
Hầu hết người đăng bán là tiểu thương ở khu vực chợ bị đóng cửa. Các sàn Lazada, Tiki, Shopee cũng hỗ trợ rất nhiều nhà cung cấp là hộ kinh doanh mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản, thịt... lên sàn thời gian gần đây.
Ông Bruno Jousselin, tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19, mua sắm trực tuyến là lựa chọn an toàn cho khách hàng, hạn chế tập trung đông người vào những giờ cao điểm.
Tuy nhiên, thay vì nhận đơn hàng không giới hạn, hệ thống này chuyển sang chế độ "ngắt tự động", chỉ nhận đơn hàng ở số lượng trong khả năng xử lý trong ngày, để rút ngắn thời gian giao hàng cho khách.
Một số hệ thống cũng đẩy mạnh giải pháp Pich & Go giúp người dùng không còn phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt thanh toán. Để giảm tải đơn hàng online, nhà bán lẻ cũng làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển để kịp thời cập nhật về tình trạng đơn hàng hay các vấn đề phát sinh khác trong quá trình đặt hàng trực tuyến.
Tuy vậy, các nhà bán lẻ vẫn khuyến khích khách hàng mua vừa đủ theo nhu cầu, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều...
Cửa hàng sữa sẵn sàng ship tận nơi
Theo đại diện Vinamilk, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của hệ thống ở TP.HCM vẫn mở cửa hoạt động bình thường, người dân vẫn có thể đến mua sữa các loại. Ngoài ra, kênh bán hàng online và giao hàng tận nhà được nâng cấp để phục vụ lượng khách tăng đột biến thời gian này.
Với đơn hàng từ 300.000 đồng, khách đặt hàng online và được giao hàng tận nhà miễn phí. "Với những khách hàng quen, có thể đặt hàng qua điện thoại tại điểm bán gần nhà, tất cả được giao hoàn toàn miễn phí" - vị này cho biết.
Ngoài ra, một số điểm bán sữa và cửa hàng khác cũng đã kết nối với các ứng dụng đi chợ hộ như Chopp, Grab...; người dùng có thể đặt mua hàng và được giao tận nơi thông qua lực lượng shipper sẵn có.
Một lãnh đạo bộ phận kinh doanh của Công ty Nutifood cho biết trừ những khu vực bị cách ly, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Nutifood vẫn hoạt động, cung cấp đầy đủ các sản phẩm cho người tiêu dùng.
"Tất nhiên việc vận chuyển hàng hóa không thể thuận lợi như thời điểm bình thường được nhưng chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng, nhất là trẻ em" - vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận