Những thuyền trưởng Hoàng Sa bên chén trà buổi sáng tại chiếc bàn bên gốc bơ già ở “ngôi nhà thuyền trưởng” - Ảnh: Trần Mai |
“Nhờ những bữa trà như vậy mà anh em thêm đoàn kết. Tôi cũng thường xuyên tham gia để nghe ý kiến của đoàn viên, từ đó giải quyết được nhiều chuyện, khỏi phải rề rà họp hành |
Ông Nguyễn Thanh Nam |
Ngôi nhà cuối xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được gọi là “ngôi nhà thuyền trưởng”.
Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Nam, một “cựu binh” Hoàng Sa. Ở đây, những ngư dân thuyền trưởng trao đổi đủ chuyện: từ luồng cá, bãi san hô đến kỹ thuật tránh tàu Trung Quốc truy đuổi...
Một bình trà trên chiếc bàn đá dưới tán cây bơ già bị gió biển thổi bạt về phía núi, những tay đi biển can trường ngồi quanh. Vậy là thành câu chuyện.
Chuyện biển
Buổi trà sáng sớm xuân. Gần chục thuyền trưởng ngồi tụm lại. Thuyền trưởng Võ Văn Lựu (51 tuổi) giọng ầm ào như sóng. Ông hất hàm hỏi thuyền trưởng trẻ Nguyễn Văn Phú - người vừa trở về từ Hoàng Sa mấy ngày: “Phiên rồi đi sao mày, cái rạn san hô chỗ đảo Phú Lâm mùa này hải sâm với cá mú nhiều lắm. Mày có vào điểm đó không?”.
Không đợi trả lời, ông nói luôn vanh vách về tọa độ khu vực mà 40 năm đi biển ông tích cóp được cho người thuyền trưởng trẻ.
Phú bảo rằng: “Phiên rồi cũng được”. Mùa này tàu Trung Quốc ít quấy nhiễu nên sau một tháng đánh bắt ở rạn san hô mà ông Lựu vừa nói, mỗi ngư dân đi bạn kiếm được hơn 50 triệu đồng. Riêng Phú được hơn 150 triệu đồng vì vừa là chủ tàu, lại là thuyền trưởng và cũng là thợ lặn.
Niềm vui của Phú lại trúng nỗi buồn của ông Lựu. Bỏ chén trà, ông Lựu kéo một chân lên ghế, giọng bực tức: “Nói đến mấy cái tàu Trung Quốc tui lại đổ bực. Gần nửa năm nay có đi được phiên nào đâu. Ở nhà cuồng chân luôn. Ngư trường từ thời nào của mình mà nó ỷ tàu to đuổi miết”.
Làm sao ông Lựu không buồn cho được khi trung tuần tháng 7, tàu cá QNg 90479 của ông mãi nằm lại ở Hoàng Sa sau cú đâm đoạt mạng của tàu thép Trung Quốc. Bản thân ông và các thuyền viên may mắn sống sót khi một tàu cá ở Gành Cả kịp thời đến cứu.
Câu chuyện trở nên rộn ràng kèm nỗi tức giận khi các thuyền trưởng cùng tham gia. Tất cả những người ngồi đây và những thuyền trưởng xóm khác đều bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa. Họ cùng chung nỗi niềm biển cả như ông Lựu.
Cái giọng biển khơi lâu năm, ồm ồm như thủy triều. Ai chưa quen mà nghe họ nói chuyện sẽ lo không tránh khỏi cuộc... cãi nhau to.
Nhưng không. Ngoài biển họ xem nhau là đồng đội, sống chết có nhau thì trong bờ họ thân thiết như anh em cốt nhục, dù kèm theo lời nói lớn là những cái vung tay và cả ánh mắt trừng trợn như sắp ăn tươi nuốt sống người đối diện.
Thuyền trưởng Võ Văn Tẩn nói vui: “Anh em vung chân, vung tay chứ không bao giờ vung quá trán đâu mà lo. Tụi tui cũng không cãi nhau bao giờ, đang nói chuyện đó”.
Hết chuyện bực tức lại là chuyện vui. Năm vừa rồi, dù phải liên tục vòng tránh tàu Trung Quốc nhưng tất cả thuyền trưởng không bỏ ngư trường, họ vẫn bám lấy Hoàng Sa hướng tàu ra khơi.
Tùy theo tháng và tùy theo kinh nghiệm của mỗi thuyền trưởng, họ vẫn cho tàu rong ruổi hết đảo Tri Tôn đến Đá Lồi, Bạch Quy, Chim Én, Bom Bay... Thuyền trưởng Phạm Trung Kiên bảo trong ba năm qua, đây là năm đánh bắt được nhất.
“Hai năm trước tổng kết toàn chuyện buồn thôi. Năm nay chuyện vui nhiều. Như tàu tui, tàu anh Quang, anh Phú có phiên trúng cá mú và hải sâm bán hơn 1 tỉ đồng”.
Bàn phương án ra khơi
Gần chục năm qua, ngôi nhà cuối xóm Gành Cả cũng kiêm luôn việc bàn phương án ra khơi. Khép lại một năm biển cả, những thuyền trưởng lão luyện và cả những “binh nhất, binh nhì” mới tuổi đôi mươi gánh trọng trách lèo lái con thuyền ra Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Thanh Nam, chủ nhà và cũng là người trực đài Icom xóm Gành Cả, lật cuốn sổ cũ ghi lại danh sách từng tổ đội và cả những khu vực gặp tàu Trung Quốc nhiều trong năm qua.
Ông Nam đưa ra phương án mới: thay vì mỗi tổ đội 10 tàu như trước thì tách nhỏ ra mỗi tổ đội khoảng 6 đến 7 tàu. Dĩ nhiên phương án này ngay lập tức bị phản đối bởi thấy bất hợp lý, khi mỗi tổ 10 tàu còn không kịp ứng cứu nhau khi gặp tàu Trung Quốc thì nay giảm xuống là hạ sách.
Thêm nhiều thuyền trưởng nữa vừa đến chung hội trà nghe thuật lại cũng không đồng tình. Nhưng ông Nam có lý lẽ của mình.
Ông Nam lý giải rằng: một tổ đội 10 tàu, nhưng khi ra đến Hoàng Sa vì đông nên chia nhau đi khá xa đến nhiều điểm đảo, khi có chuyện lại chạy về không kịp, bằng chứng là cuốn sổ của ông còn ghi lại rõ ràng.
Một tổ 6 tàu bám vào hai đảo ở gần nhau là hợp lý hơn 10 tàu mà chạy tứ tán vì tàu này nghĩ tàu kia đang ở gần nhau. Kiến giải ấy đã khiến giới thuyền trưởng phục. Thật ra, ông Nam dù không đi biển nhưng với chiếc Icom lại là một “thư ký” đắc lực trong mỗi chuyến ra khơi.
Gió thổi ào ào, phía ngoài ghềnh tiếng biển vẫn rì rào. Mấy em bé là con cháu của những thuyền trưởng ngồi chơi đồ hàng trong nhà thỉnh thoảng lại chạy ra méc khi bị bạn không cho chơi chung, rồi đứa khác ra thanh minh thanh nga khiến những khuôn mặt đen nhẻm cười khà khà làm “tòa án”.
Buổi trà trở nên bình yên khi có tiếng con trẻ. Có lẽ họ mãi vẫn bám lấy Hoàng Sa và bàn đủ phương án ra khơi một phần cũng vì con trẻ và gia đình mình.
Những người phụ nữ làng biển có chồng đi Hoàng Sa xuyên tết cũng đến nghe Icom buổi sáng, nói chuyện với chồng con đang lênh đênh nơi trùng khơi rồi ra trò chuyện cùng các thuyền trưởng đã trở về.
Và trong buổi trà xuân sớm này, họ còn nghe thông tin phương án ra khơi trong năm mới để nói lại cho chồng mình và cũng tham gia bàn chuyện, dù đôi khi bị mấy ông bảo là nhảm. Ở làng biển mọi người thân thuộc đến lạ.
Trên chiếc bàn bên gốc cây bơ già, bên chén trà là bao nhiêu câu chuyện buồn vui ở Hoàng Sa được chia sẻ. Và cũng rất nhiều phương án biển khơi được giải quyết: từ chuyện tìm thợ lặn, lập tổ đội đến sẻ chia lúc khốn khó, cùng nhau ra khơi...
Gần trăm con tàu lặn biển Hoàng Sa của xóm Gành Cả đang chờ nước biển khơi nơi cảng Sa Kỳ cũng đã sẵn sàng theo những thuyền trưởng và ngư dân tiến ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản.
Tôi không xa lạ gì với họ. Đáp lại cái bắt tay của những người đầu sóng ngọn gió dành cho mình, tôi chúc họ năm nay lại có một năm đánh bắt thuận buồm xuôi gió và mãi là cột mốc sống thể hiện chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cưu mang trên biển, giúp nhau trên bờ Để anh em cùng ra khơi trong năm mới, những thuyền trưởng “được mùa” cũng chia sẻ với những thuyền trưởng “thất thu” tàu bè hư hỏng. Thuyền trưởng Phú và Kiên cho thuyền trưởng Bùi Văn Cu mượn tiền mua lại bình khí nén và sửa lại máy chính gặp trục trặc. Ông Kiên bảo: “Anh em cả, mình có thì cho mượn. Có năm chả được đồng nào, lại còn âm nợ thì mấy ổng lại cho mình mượn để sắm đồ đi làm. Tụi tui khi nào hết nước mới mượn đầu nậu hoặc thế chấp nhà đi vay, chứ có là giúp hết”. Bên “căn nhà thuyền trưởng”, những “sói biển” dày dạn già trẻ cùng bàn nhiều chuyện. Căn nhà cứ như “Hội nghị Diên Hồng” của những người đi biển can trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận