Trưởng làng Kim Dong-gu giải thích cách hệ thống khẩn cấp bằng 5G hoạt động - Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW
Làng hòa bình Daeseong-dong nằm cách thủ đô Seoul gần 2km về phía bắc. Nơi đây có khoảng 200 người dân sinh sống và luôn được canh gác cẩn thận bởi các đồn quân sự.
Theo thỏa thuận đình chiến 1953, Triều Tiên và Hàn Quốc được phép quản lý một ngôi làng thuộc DMZ mỗi bên. Daeseong-dong cũng được thành lập vào năm này.
Từ chỗ sống ở nơi cô lập, 46 hộ gia đình tại đây đã được kết nối 5G nhờ hệ thống của KT, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc. KT cũng chính là đối thủ đang cạnh tranh vị trí nhà mạng 5G "đầu tiên trên thế giới" với hãng viễn thông Verizon của Mỹ.
Theo Nikkei Asian Review, các tín hiệu tốc độ cao góp phần hỗ trợ hệ thống phản ứng khẩn cho cộng đồng tại Daeseong-dong, nơi vốn không có cả bệnh viện và trụ sở cảnh sát.
Trưởng làng Kim Dong-gu cho biết công nghệ 5G đã giúp ông "tiết kiệm thời gian để dành cho gia đình".
Vì thiếu thốn các dịch vụ khẩn cấp, ông Kim từng đóng luôn vai "nhân viên cứu hộ".
Cụ thể, mỗi gia đình đều được trang bị một nút báo động để dùng khi cần. Tại hội trường làng, trưởng làng sẽ ngồi trực trước một màn hình giám sát lớn. Nếu dân làng bấm nút báo động, màn hình sẽ hiện lên thông báo.
Ngoài ra, mạng 5G không chỉ được kỳ vọng sẽ thay thế mô hình thô sơ trên mà còn mang lại kỹ thuật làm nông công nghệ cao cho Daeseong-dong.
Hệ thống phun nước được bật tắt tự động nhờ các máy cảm ứng đo tình trạng của đất. Người dân có thể tự bật tắt bể chứa nước cách làng 2km bằng điện thoại di động. Trước đây, họ phải có quân lính đi cùng đến bể để làm công việc này.
Bên cạnh đó, 5G cũng giúp trường học duy nhất của Daeseong-dong áp dụng công nghệ cao vào chương trình giảng dạy.
Ở Hàn Quốc, các nhà mạng đã bắt đầu khởi động dịch vụ 5G từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, cho tới tháng 8, chỉ mới 4,8% người đăng ký sử dụng dịch vụ di động của KT sử dụng 5G.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận