Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn này. Khi vụ việc DEHP xuất hiện ở Đài Loan và sau đó nhanh chóng được xác nhận có mặt ở các mặt hàng như xirô, bánh, thạch rau câu..., người tiêu dùng bắt đầu lo lắng.
Họ lo lắng bởi lỡ đã ăn phải sản phẩm này thì có hại gì không, trẻ đã lỡ ăn kẹo bánh nhiễm DEHP số lượng nhiều có bị rối loạn dậy thì, hormon không; lượng ăn vào bao nhiêu có thể bị ảnh hưởng; thực phẩm nào có khả năng bị thôi nhiễm chất làm dẻo từ bao bì (như trường hợp hỗn dịch Augmentin vừa bị thu hồi ở Hong Kong và Đài Loan)... Tuy nhiên, vì chưa có tiêu chuẩn, tất cả những câu hỏi này đều chưa được trả lời.
Không chỉ nhờ Internet, thế giới phẳng nhờ giao thương khiến các vụ bê bối gây tai tiếng trong dư luận xã hội liên quan đến thực phẩm luôn mang màu sắc toàn cầu. Trước đây, xìcăngđan melamine trong sữa đã gây hỗn loạn thị trường sữa khắp thế giới sau khi nó bùng nổ ở Trung Quốc.
Giờ đây, sau khi vụ việc được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan, xìcăngđan DEHP ngay lập tức ảnh hưởng đến Việt Nam bởi những sản phẩm hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ Philippines và Đài Loan. Thế giới cũng đang lo lắng với nguy cơ nhiễm E.coli chủng cực độc từ rau quả ở châu Âu hay vụ thuốc kháng sinh nhiễm chất làm dẻo cũng có khả năng gây rối loạn nội tiết...
Có người nói tai nạn giao thông mới là quốc nạn, vài người ăn kẹo bánh và có nguy cơ nhiễm chất gây dậy thì sớm chả có gì là ghê gớm. Nhưng nói như ông Cao Minh Quang, thứ trưởng Bộ Y tế, những chất độc bị thôi nhiễm vào thực phẩm và thuốc cũng nguy hiểm không kém, mặc dù không gây chết người ngay.
Một báo cáo của Bệnh viện K cho hay tỉ lệ ung thư ở trẻ em Việt Nam vào loại cao nhất thế giới. Điều đó có liên quan gì đến chất lượng nước, vệ sinh môi trường hay an toàn thực phẩm hay không thì người ta mới chỉ ước lượng, mới đoán thôi chứ chưa có gì là chắc chắn, vì làm gì có tiêu chuẩn để mà đánh giá.
Vì vậy, muốn thay đổi hình thức đối phó với những xìcăngđan thực phẩm, từ cách chạy theo sau và đối phó một cách thụ động, chỉ có thể bằng cách chủ động ban hành sớm hệ thống tiêu chuẩn, thay vì ngồi chờ xìcăngđan xuất hiện và thụ động giải quyết. Những tiêu chuẩn Việt Nam chưa có, chưa nghiên cứu được, tại sao không cập nhật, vận dụng của Tổ chức Y tế thế giới hay tiêu chuẩn châu Âu hoặc tiêu chuẩn Mỹ?
Nếu không có tiêu chuẩn, mỗi khi thực phẩm nhiễm độc bị phát hiện ở đâu đó, cả cơ quan hữu quan lẫn người tiêu dùng đều bối rối như nhau. Vì không biết chất này có ở thực phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam hay chưa, gây hại thế nào, cơ chế ra sao, ăn bao nhiêu thì bị độc, giải độc thế nào...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận