15/10/2023 06:20 GMT+7

Ngọc Hòa từng 'ước không đủ điểm đậu đại học', tính đi làm công nhân

Chỉ trong vài năm, lần lượt hết mẹ rồi đến cha qua đời vì ung thư, bỏ lại năm cô con gái côi cút, bơ vơ, trong đó có Ngọc Hòa, tân sinh viên Trường đại học Duy Tân.

Ngọc Hòa sắp xếp lại góc học tập, lên đường thực hiện ước mơ giảng đường với cơ hội thay đổi cuộc đời vừa được đặt trong tay - Ảnh: B.D.

Ngọc Hòa sắp xếp lại góc học tập, lên đường thực hiện ước mơ giảng đường với cơ hội thay đổi cuộc đời vừa được đặt trong tay - Ảnh: B.D.

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đường tới căn nhà cấp 4 nằm bên tuyến đường hướng từ huyện Thăng Bình qua Hiệp Đức (Quảng Nam) của gia đình Ngô Thị Ngọc Hòa - tân sinh viên khoa công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Duy Tân).

Ngoài vườn, cụ bà Nguyễn Thị Sạn (77 tuổi) trong bộ đồ cũ rách, chân cà nhắc đang cuốc đất trồng khoai. Ấy là bà nội, cũng là chỗ dựa duy nhất còn lại của mấy chị em Hòa từ ngày cha mẹ qua đời.

Lúc làm bài thi tốt nghiệp, mình đã ước điểm sẽ không đủ đậu để đỡ phải tiếc, để tự an ủi rằng mình không có khả năng đậu vào đại học chứ không phải vì hoàn cảnh ngăn bước mình đến giảng đường.
NGÔ THỊ NGỌC HÒA

Dồn dập nỗi đau

"Chết cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Mất mẹ đã là quá sức chịu đựng vậy mà mấy đứa cháu tôi còn mất luôn cả cha. Mấy năm nay một mình tôi quần quật đủ thứ ráng nuôi, bù đắp phần nào cho các cháu nhưng giờ thêm Hòa vào đại học, tôi yếu quá rồi, kham không nổi nữa", bà Sạn mở đầu câu chuyện, đón khách vào nhà.

Ngôi nhà ấy từng vui vẻ như bao mái ấm khác ở làng quê nghèo Hiền Lộc. Thế mà sau buổi chạy chợ về hồi năm 2009, mẹ Hòa bỗng lên cơn đau thắt dữ dội, được đưa ra Đà Nẵng nhập viện. Bác sĩ kết luận bà bị ung thư bàng quang. Do phát hiện quá trễ, ba tháng sau ngày phát bệnh, bà được cho về nhà chuẩn bị hậu sự.

Hòa nói lúc đó còn nhỏ quá để cảm nhận được nỗi đau. Lớn hơn chút, thấy mình không còn mẹ để tâm sự mỗi khi buồn vui, chăm sóc vỗ về lúc ốm đau mới thấm thía mất mát.

Vợ mất, một mình người cha phải làm lụng gấp đôi để nuôi năm đứa con gái. Hòa là con thứ tư trong nhà, sau Hòa còn cô em út nhỏ đang học phổ thông.

Những tưởng nỗi đau mất mẹ đã là quá lớn. Ngờ đâu sáu năm sau, cha Hòa bất ngờ phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối. Cha cũng đi theo mẹ sau đó.

"Lúc đó mình học lớp 5. Mọi thứ dồn dập ập tới, mấy chị em không tin lại mất cả cha lẫn mẹ chóng vánh như thế, cứ túm tụm lại rồi ôm nhau khóc. Cảm giác như có bao nhiêu bất hạnh, bi kịch nhất trên đời này chỉ tìm tới gia đình mình vậy", Hòa khóc.

Chị em nhà lọ lem

Thương các cháu mồ côi, ông bà nội dựng gian nhà nhỏ sát nhà các cháu để thay các con chăm cháu. Tuổi già, chân đi không vững nhưng ông bà nội vẫn phải nhận thêm ruộng để làm. Khoảnh vườn phía sau cũng được dọn thêm để quây chuồng nuôi heo, trâu, bò và trồng thêm rau để mong đủ nuôi ăn học, bù đắp nỗi bất hạnh cho những đứa cháu mồ côi.

Thế nhưng một lần nữa tai họa lại giáng xuống khi ông nội ra vườn dọn cây cối ngã đổ sau cơn bão dữ đã bất ngờ gặp nạn và qua đời. Mọi khổ đau, nặng gánh dồn lên vai bà Sạn. Nhưng cũng từ trong tận cùng nỗi đau ấy, cách mấy chị em vươn lên để học, để sống khiến người khác cảm phục.

Hai chị gái đầu đã lập gia đình trước thời điểm cha mất. Người chị thứ ba của Hòa - Ngô Thị Ngọc Hiền - tốt nghiệp THPT 2021 và trúng tuyển Trường ĐH Văn Hiến.

Ngày Hiền lên đường nhập học, đàn heo đang sinh con non, gà vịt trong nhà có bao nhiêu bà nội dọn sạch, chắt bóp từng đồng tiền mọn tiễn cháu vào Sài Gòn. Bà nội kể cô cháu gái Ngọc Hiền đang là sinh viên năm thứ ba, đã tự đi làm thêm trang trải cuộc sống.

Và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, cô em gái Ngọc Hòa nối bước chị vào đại học. Nhưng cách "đậu" đại học của Hòa nghe mà thương! Vốn là học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12 nhưng khi dự thi tốt nghiệp, Hòa ngần ngừ rồi không đăng ký xét tuyển đại học. Biết sao được khi cô bé biết có đậu cũng làm gì có tiền đi học. Bà nội ngày một già yếu và còn đứa em nhỏ đang học lớp 11.

Nhưng chắc chắn bạn từng ước mơ về một công việc nếu được quyền lựa chọn? Hòa im lặng rồi bảo lúc biết điểm thi của mình khá cao đã nằm khóc ướt gối. Cô gái từng ao ước trở thành sinh viên ngành marketing một trường đại học ở TP.HCM.

Khi đăng ký thủ tục online, Hòa tìm vào xem ngành học mình ao ước rồi ngần ngừ và cuối cùng quyết định không đăng ký để đỡ tốn phí 20.000 đồng. Tuy nhiên, khi biết điểm chuẩn, đối chiếu và thấy điểm thi của mình dư để đậu, cô bé lẳng lặng vào phòng nằm khóc, khóc chán rồi đi ra níu vai đùa giỡn với bà như không có chuyện gì.

Vỡ òa giữa tuyệt vọng

Nhận phiếu báo điểm, tính tới lui thấy khó có đường nào đi học tiếp, Hòa đã xác định sẽ đi làm công nhân nhưng tận đáy lòng vẫn muốn được đi học. Gửi nguyện vọng tới Trường ĐH Duy Tân, lúc đó Hòa chỉ nghĩ "đăng ký cho vui chứ làm gì có tiền mà đi học".

Nhưng ngay lúc bạn chuẩn bị lên đường, nhiều người tìm cách can ngăn, tiếc cho con đường học hành dang dở vì nghịch cảnh của Hòa. Lúc ấy, một cán bộ khuyến học của xã biết chuyện đã gọi điện cho Hòa và tìm cách kết nối với học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

Cánh cổng giảng đường đang mở ra, đang đặt vào tay cô sinh viên mồ côi cơ hội thay đổi cuộc đời.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Tiếp sức 105 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng

Hôm nay 15-10, 105 tân sinh viên Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ nhận học bổng Tiếp sức đến trường tại lễ trao ở TP Hội An (Quảng Nam). Đây là điểm trao học bổng thứ ba của chương trình năm 2023 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng, Palm Garden Resort và Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức.

Ngọc Hòa phụ bà nội trồng rau nuôi heo để có thêm tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: B.D.

Ngọc Hòa phụ bà nội trồng rau nuôi heo để có thêm tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: B.D.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ. Mỗi suất học học bổng 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có bốn suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) hỗ trợ ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Tính đến nay, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp sức 2.315 tân sinh viên khó khăn với số tiền hơn 22 tỉ đồng cùng nhiều hỗ trợ khác.

Từng ước không đủ điểm đậu đại học - Ảnh 8.

Tiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung bộ: Vững tin bước qua nghịch cảnhTiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung bộ: Vững tin bước qua nghịch cảnh

86 tân sinh viên Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa được nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào sáng 5-10 với tổng giá trị hơn 1,3 tỉ đồng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp