18/12/2019 15:36 GMT+7

Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ về 25 năm quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chia sẻ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về những thời khắc lịch sử mà hai nước trải qua và những thành quả hợp tác nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác Việt - Mỹ vào năm 2020.

Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ về 25 năm quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7-2018 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

Ngày 18-12, khoảng 2 tuần trước khi bước sang năm mới, tài khoản Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đăng một video, trong đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có những chia sẻ về 25 năm quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa.

"Năm 2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ kể từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là một bước tiến mang tính lịch sử, bước đi trước hết đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với di sản chiến tranh đen tối giữa hai quốc gia" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mở đầu đoạn video dài hơn 2 phút rưỡi.

Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ: "Cũng như nhiều người dân hai nước, tôi vẫn nhớ đã trải qua thời kỳ xung đột đó khi còn là một cậu bé. Chúng ta bắt đầu khắc phục hậu quả chiến tranh vào những năm 1980, khi hai nước cùng phối hợp để hồi hương hài cốt binh sĩ Mỹ tại Việt Nam".

Đoạn video chiếu lại những khoảnh khắc lịch sử như hình ảnh hồi hương hài cốt binh sĩ Mỹ tại Việt Nam, hình ảnh Tổng thống Mỹ khi đó, Bill Clinton - tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước và sau đó có chuyến thăm lịch sử tại Việt Nam năm 2000.

Trước khi chính thức bình thường hóa quan hệ, ngày 3-2-1994, Tổng thống Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Sau đó vào tháng 1-1995, Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thiết lập văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước.

Đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia.

"Kể từ đó, chúng ta đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau, và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai" - Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết là một phần trong số những nỗ lực này, Mỹ đã và đang đóng góp cho sự phục hồi kinh tế phi thường của Việt Nam.

Theo ông, trong hai thập niên qua, thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000% và Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Ông Pompeo cho biết Việt Nam và Mỹ cũng đã mở rộng giao lưu nhân dân, bao gồm lĩnh vực giáo dục. Gần 30.000 công dân trẻ Việt Nam hiện học tập tại các trường đại học ở Mỹ, với những đóng góp quan trọng.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cho biết trước đây hai nước là đối thủ trên chiến trường, nhưng ngày nay, hợp tác là nền tảng trong mối quan hệ an ninh giữa hai nước.

Theo sau việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam năm 2016, quân đội hai nước đang cân nhắc tăng cường hợp tác an ninh hơn nữa. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã đến thăm thành phố Đà Nẵng.

"Trong những năm tới, Việt Nam và Mỹ phải tập trung vào tương lai và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh mạng, giáo dục tới năng lượng và quốc phòng" - Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ.

Cuối video, Ngoại trưởng Pompeo cho biết nhân dịp 25 năm kỷ niệm quan hệ đối tác Việt - Mỹ vào năm 2020, Mỹ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Những thượng nghị sĩ vun đắp quan hệ Việt - Mỹ Những thượng nghị sĩ vun đắp quan hệ Việt - Mỹ

TTO - Ngày 20-4, trong cái nắng oi bức của mùa hè, một người đàn ông Mỹ tóc bạc trắng dẫn đầu một đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đến sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp