Ông Tillerson cho biết các ưu tiên chính sách của Mỹ bị mất cân bằng trong vài thập kỷ qua khi quá tập trung vào thúc đẩy các hoạt động kinh tế và thương mại với các nền kinh tế mới nổi. “Đó quả thực là các mối quan hệ quan trọng đối với chúng ta, và họ là những đồng minh thực sự quan trọng, nhưng chúng ta cần phải đưa các mối quan hệ trở lại cân bằng” - Reuters dẫn lời ngoại trưởng Mỹ.
Ông cũng rạch ròi giữa các tiêu chuân của Mỹ, như tự do, nhân quyền... với các chính sách của Mỹ, cho rằng đã có lúc việc cứ khăng khăng các nước phải tuân theo các tiêu chuẩn Mỹ đã cản trở Washington theo đuổi các lợi ích an ninh và kinh tế quốc gia.
Dù vậy, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ không gạt bỏ các tiêu chuẩn bởi các chính sách có thể thay đổi nhưng “tiêu chuẩn của chúng ta không bao giờ thay đổi”.
Cụ thể, về chiến dịch nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, ông Tillerson khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Trung Đông.
Về Nga, ông cho biết sẽ tiếp tục tìm cách hợp tác với Matxcơva trong khi đối với Trung Quốc ông lạc quan về “cơ hội lớn” tái khởi động quan hệ song phương trong 50 năm tới.
Tuy nhiên Triều Tiên là vấn đề lớn mà Washington đang gây sức ép lên Bắc Kinh. Ông Tillerson cho biết đã cố vấn tổng thống Donald Trump “thử” các cam kết của Bắc Kinh nhằm kềm chế nước láng giềng và cảnh báo có thể trừng phạt các công ty, ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
Các ưu tiên của ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến khủng hoảng y tế, khủng bố ở châu Phi, nạn buôn người ở nam Mỹ, nhưng không nhắc đến châu Âu.
Trước đó, nhiều đồng minh và cả các quan chức Mỹ lo ngại chủ trương “nước Mỹ trên hết” của tổng thống Donald Trump, chú trọng lợi ích của người Mỹ trong nước, khiến nước Mỹ rút lui khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Trong khi một số ý kiến lo ngại ông Tillerson có thể lèo lái chính sách ngoại giao Mỹ như thời làm lãnh đạo công ty dầu mỏ ExxonMobile, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski chỉ trích bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ là “thiếu hiểu biết”.
“Trong suốt cuộc đời tôi, đây là bài phát biểu thiếu hiểu biết nhất của một ngoại trưởng. Thiếu hiểu biết về những gì đã diễn ra trước ông ta, sự thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ sau chiến tranh lạnh, về những gì thế giới kỳ vọng ở chúng ta, bao gồm việc chúng ta bảo vệ các nguyên tắc và tiêu chuẩn toàn cầu ... Bài phát biểu giống như một tay lang băm bỏ học trường y nói rằng việc cắt bỏ xương sườn là tốt vậy” - ông Malinowski nói.
Trong khi đó, cựu phát ngôn viên bộ ngoại giao John Kirby viết trên mạng xã hội Twitter : “Tách các lợi ích từ những tiêu chuẩn của chúng ta khỏi chính sách ngoại giao cũng giống như cắt hoa khỏi cành”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận