Ngày 3-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gửi một lá thư cho các nhà lập pháp, trích dẫn các hoạt động của USAID và đề xuất tái tổ chức hoặc sáp nhập một số phòng ban của cơ quan này vào Bộ Ngoại giao.
Phần còn lại của USAID, theo ông Rubio, có thể bãi bỏ theo luật hiện hành.
Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump và tỉ phú Elon Musk, người đang dẫn đầu sáng kiến cải cách chính phủ, nhằm tái cấu trúc hoặc thậm chí giải thể cơ quan viện trợ quốc tế này.
Tỉ phú Elon Musk từng tuyên bố trên mạng xã hội rằng USAID là một "tổ chức tội phạm" và kêu gọi đóng cửa cơ quan này, khẳng định "đã đến lúc nó phải biến mất".
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã thực hiện lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Quyết định của ông đã gây hỗn loạn trong cộng đồng viện trợ quốc tế, khiến nhiều nhân viên của USAID bị sa thải hoặc nghỉ phép không lương.
Động thái này còn kéo theo việc đóng cửa một số cơ quan và ngừng các chương trình viện trợ khẩn cấp, khiến cơ quan này và các tổ chức hỗ trợ nhân đạo trên toàn thế giới gặp khó khăn.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết mục tiêu của chính quyền là xem xét từng chương trình để xác định dự án nào sẽ giúp “Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn”.
Ông Rubio chỉ trích USAID không tuân thủ chính sách đối ngoại của Mỹ, khi cho rằng cơ quan này thường thực hiện các chương trình trái ngược với lợi ích và chiến lược quốc gia.
Ông Rubio còn đặt câu hỏi về việc liệu USAID có còn phù hợp với mục tiêu và chiến lược đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa và các thách thức quốc tế ngày càng gia tăng hay không.
Trong bối cảnh trên, nhiều nhà lập pháp dân chủ đã lên tiếng phản đối, cảnh báo việc đóng cửa USAID sẽ làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ và tổn hại đến an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho rằng động thái này là một "hành vi lạm dụng quyền lực". Thượng nghị sĩ Brian Schatz (D-Hawaii) cũng tuyên bố sẽ không phê duyệt bất kỳ đề cử nào vào Bộ Ngoại giao cho đến khi USAID hoạt động trở lại.
Hiện tại chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với đội ngũ nhân viên của USAID, phần lớn trong số họ đang làm việc ở nước ngoài. Các cuộc đàm phán và tranh luận vẫn tiếp tục, khi chính quyền Trump và các nhà lập pháp tiếp tục tìm cách điều chỉnh hoặc cắt giảm các chương trình viện trợ quốc tế.
Cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu thế giới
USAID (United States Agency for International Development) là cơ quan phát triển quốc tế của Chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ và hỗ trợ phát triển cho các quốc gia trên toàn cầu.
Thành lập vào năm 1961, mục tiêu của USAID là thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị, cải thiện điều kiện sống và hỗ trợ các quốc gia nghèo, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và an ninh.
USAID hoạt động ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. USAID có mặt tại Việt Nam từ những năm 1989.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận