Phóng to |
Ngoại trưởng Kerry trong buổi hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Reuters |
Quả thực trong ngày, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã có các cuộc làm việc liên tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị. Nhưng tại sao lại kéo dài hơn dự tính, nếu không phải là cần nhiều thời giờ để đả thông?
Phía Trung Quốc không họp báo chung, nhưng cũng có một cách khác để công bố thông tin. Lúc 10g55 cùng ngày, khi hai bên đang gặp nhau, Tân Hoa xã phóng ra một cảnh cáo: “Kerry có lẽ nên tháo gỡ vài tảng đá cản đường trước khi hai bên bàn bạc. Ông ta nên khởi đầu phát biểu bằng một câu trả lời rõ rệt và đáng tin cậy về việc Washington gần đây chỉ trích Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc, và thách thức đường chín khúc của Trung Quốc”.
Thậm chí, bài báo còn đe dọa rằng “Trung Quốc sẽ không ngần ngại tiến hành các bước nhằm đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia then chốt của mình, đúng theo các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc”.
Ông Kerry hồi đáp như thế nào trong cuộc họp báo? Ông cho biết trong các cuộc gặp, ông đã biểu thị mối quan tâm đến nhu cầu tìm cách thiết lập một quy chế về vấn đề biển Đông dựa trên pháp luật nhiều hơn, ít đối đầu hơn, cùng các vấn đề liên quan đến cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông... Bao gồm cả các câu hỏi về cách thức một ADIZ có thể hoặc không xảy ra. Theo ông, điều quan trọng là ráng làm để các bước sắp tiến hành hay không tiến hành đó có thể được cùng chấp nhận.
Trong phần hỏi đáp, nhà báo Arshad Mohammed của Reuters nêu lại vấn đề này: “Liệu ngoại trưởng có đặc biệt cảnh báo Trung Quốc về việc đơn phương thiết lập một ADIZ thứ hai trên biển Đông? Nếu Trung Quốc làm điều đó, liệu nước Mỹ sẽ thay đổi thái độ quân sự của mình trong khu vực như ông từng phát biểu?”.
Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định: “Về vấn đề ADIZ, chúng tôi đã tỏ rõ các cảm nhận của chúng tôi về mọi công bố đơn phương kiểu này. Và hôm nay, tôi lặp lại điều đó lần nữa. Và tôi nghĩ một cách đầy hi vọng rằng bất cứ điều gì diễn ra trong tương lai sẽ được thực hiện một cách công khai, minh bạch, trách nhiệm, bao gồm những ai có hoặc không có liên quan đến sự việc này. Nhưng chúng tôi đã tỏ rất rõ ràng rằng một hành vi chủ động đơn phương, không báo trước như thế có thể là rất thách đố đối với một số người nhất định trong khu vực và do đó đến sự ổn định khu vực. Và chúng tôi kêu gọi những người bạn của chúng tôi ở Trung Quốc hãy tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thông báo, tham gia, can dự, chia sẻ thông tin để giảm bớt khả năng diễn dịch sai trong những việc như vậy”.
Trước đó mười ngày trên báo Nhân Dân hằng tháng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh của Việt Nam cũng đã phát biểu về các vấn đề này. Ông nói: “Khi Trung Quốc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, nó sát sườn tới biển Đông. Nó là phép thử, theo tôi, nó còn nguy hiểm hơn cả “đường chín khúc”...
Thí dụ như bầu trời Việt Nam mà ông đặt “Vùng nhận dạng phòng không” của ông trùm lên trên, tức là máy bay từ Hà Nội đi ra biển Đông bay vào TP.HCM phải xin phép ông thì tôi chết! Nguy hiểm thế!”.
Và ông kết luận: “Tự quyết định vận mệnh dân tộc là một giá trị không thể so sánh, không thể đánh đổi...”. (Và để) “ngăn chặn thỏa hiệp trên lưng ta, khi mà trong quan hệ quốc tế, đỉnh cao xung đột là thỏa hiệp”, theo tướng Vịnh, khi xung đột đến đỉnh cao, các nước lớn “đều tính lợi ích riêng. Hoặc phải hi sinh lợi ích này để tìm kiếm lợi ích khác. Hoặc hi sinh những nhân tố khác ảnh hưởng tới lợi ích của họ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận