Bồi hồi chuẩn bị cho lễ giỗ của ngoại lần thứ 15 và đọc những bài viết về đứa em tật nguyền đi kiện tôi chợt nhớ đến tờ di chúc của mình và được bà ngoại chuẩn bị chu đáo từ 17 năm trước.
Từ khi mới tượng hình trong bụng mẹ được 3 tháng thì tôi đã được sống với bà ngoại do ba mẹ ly thân. Khi mẹ khăn gói từ Bến Tre về Sông Bé (nay là Bình Dương) năm 1990 thì đã sống với ngoại.
Căn nhà sập xệ của ngoại nằm lọt thỏm giữa rừng cao su là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Năm 1997 nhà nước thu hồi và cấp cho bà một lô đất tái định cư 400m2 rồi sau đó Ngân hàng Chính sách tỉnh cấp cho bà một căn nhà tình nghĩa theo diện mẹ liệt sĩ năm 2001.
Cảm thấy sức khỏe mình không tốt khi đã 80 tuổi và sợ khi qua đời sẽ xảy ra tranh chấp nên ngoại đã gặp đứa con cả (đã mất năm 2010) để đưa ra quyết định là để lại toàn bộ tài sản gồm nhà đất và quyền hưởng tiền tuất cho đứa cháu ngoại trai duy nhất là tôi. Trước đề nghị của ngoại, tất cả các con đều đồng ý.
Cảm thấy vẫn còn lo lắng, ngoại quyết định lập di chúc bằng giấy tay (không có xác nhận của địa phương) và đích thân ngoại đã chống gậy đi từng nhà yêu cầu các con ký.
Tờ di chúc chỉ vỏn vẹn một trang giấy trắng học sinh với nội dung chủ yếu là "sau khi tôi chết thì toàn bộ tài sản và quyền hưởng tiền tuất hàng năm thuộc về cháu ngoại tôi, các con tôi sẽ không tranh giành".
Mặc dù tờ di chúc đó đã thất lạc nhưng tất cả 10 người con của ngoại đều nhận thức rằng có một tờ giấy giao hẹn mà chính mình đã ký. Năm 2003 ngoại tôi qua đời ở tuổi 82 và tôi đã được hưởng toàn bộ tài sản của bà cho đến tận bây giờ.
Dù tài sản ngoại để lại không quá lớn, nếu xét theo giá thị trường bây giờ khoảng 800 triệu nhưng với tôi đó là cả một di sản. Sự trân quý trên hết là sự tôn trọng của 9 người con trai dành cho ngoại tôi. Bởi lẽ sẽ rất ít ai đồng ý để tài sản của mẹ mình cho cháu ngoại trong khi cháu nội rất nhiều và có tận 9 người con trai.
Khi lớn lên tôi mới nhận ra một điều rằng có thể tờ di chúc của ngoại có vẻ hơi thừa vì nếu có sự tồn tại của nó mà những người con của ngoại có tranh giành thì tôi cũng thua. Hơn hết tờ di chúc đó không được sự công nhận của chính quyền địa phương và nó đã không còn tồn tại.
Hơn nữa, phần tiền tuất hàng năm cho gia đình liệt sĩ khoảng 2 triệu (Tết 1 triệu, 27/7 được 1 triệu) sẽ mặc nhiên được chuyển cho người nhang khói cho liệt sĩ hiện người bác thứ 6 đang phụng thờ chứ không đến lượt tôi.
Tôi viết không phải để tự vẻ vang với mọi người rằng gia đình ngoại tôi đoàn kết và không màng tài sản mà tôi viết để chúng ta nên tôn trọng những thỏa ước của gia đình. Tài sản là một thứ mà bất cứ ai cũng cần nhưng nó không tồn tại mãi mãi như tình thâm máu mủ.
Tôi còn nhớ câu nói trước khi con cả của ngoại tôi qua đời vào năm 2010 với các em rằng: "Nếu thời gian có quay trở lại thì anh sẽ cất một căn nhà nhỏ để ở với má hoặc tất cả anh em chúng ta sẽ sống chung với má. Ngày mai anh chết hãy đưa anh về nghĩa trang và chôn càng gần má càng tốt".
Hai ngày sau câu nói đó thì ông đã ra đi và như lời ông nói thì vợ và các anh em đã đưa ông về gần ngoại để thỏa lòng ông ước mong.
Tài sản và tờ di chúc chỉ là vật chất và không bao giờ tồn tại với thời gian, chỉ có tình nghĩa mới trường tồn mãi mãi. Đến tận bây giờ, mỗi năm giỗ ngoại thì mọi người vẫn hay nhắc đến tờ di chúc và hình bóng bà chống gậy đi ký từng chữ.
Họ còn cười vui với nhau rằng "tánh má lo xa chứ ai thèm về đó ở, sợ ma muốn chết" rồi vỡ ra cười như một sự tưởng nhớ đến bà.
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận