04/08/2014 13:45 GMT+7

Ngoại ngữ là môn bắt buộc: người ủng hộ, người không

NGUYỄN ANH DUYaduy520770@...
NGUYỄN ANH DUYaduy520770@...

TTO - Cả ba phương án cho một kỳ thi quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố, ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc, nhiều bạn đọc có ý kiến về vấn đề này.

cRkpnZUX.jpgPhóng to
Biểu đồ thăm dò ba phương án cho một kỳ thi quốc gia trên TTO

Cả với phương án 1 (thi 8 môn) hay phương án 2 (thi 5 bài tổng hợp từ 8 môn học) hoặc phương án 3 (thi 4 bài, tổng hợp từ 11 môn học), môn ngoại ngữ đều là môn hoặc bài thi độc lập và nằm trong số các môn thi tối thiểu bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả để tuyển sinh vào các trường có yêu cầu kiểm tra kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ.

Nhiều bạn đọc chia sẻ quan điểm về vấn đề này, trong có có nhiều ý kiến ủng hộ ngoại ngữ là môn bắt buộc nhưng ngược lại cũng có nhiều ý kiến không hoặc chưa ủng hộ.

TTO xin trích đăng.

* Nên bắt buộc khi có lộ trình thay đổi toàn diện

* Kính gửi Bác Bộ trưởng bộ Giáo dục- Đào tạo

Con là một học sinh vùng xa của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, con học lớp 12 và sắp bước vào kỳ thi quan trọng của đời mình. Con có vài ý kiến cá nhân như sau:

1. Trước khi các bác, các thầy cô muốn làm một công việc đổi mới thì nên có lộ trình hợp lý. Ví dụ như muốn năm 2015 thi theo 3 phương án Bộ đưa ra, thì nên công bố vào cuối năm học 2013-2014 để chúng con còn chuẩn bị. Nếu để đến cuối năm, chúng con rất vất vả vì áp lực.

2. Con thấy Bộ ta luôn lấy ý kiến của nhân dân. Đúng, nhưng người thi là chúng con nên cần lấy ý kiến của chúng con hàng đầu. Điển hình như việc nói "ngoại ngữ mà tự chọn thì sao hội nhập". Câu nói đó đúng, nhưng chương trình tiếng Anh của nước ta còn nhiều bất cập. Bọn con là học sinh vùng sâu vùng xa, không có khả năng đến trung tâm ngoại ngữ học, thì lấy đâu ra mà giỏi.

Học ở trường thì quá sách vở, "hội nhập" là giao tiếp, không phải rập khuôn. Các bạn ở các thành phố lớn có thể thấy ngoại ngữ là môn thế mạnh, nhưng đối với chúng con học ngoại ngữ là môn yếu vì nhiều lý do. Con nghĩ là ngoại ngữ sẽ thành môn bắt buộc khi lộ trình thay đổi toàn diện.

Con mong Bộ có những thay đổi đúng đắn vì đó là 2 kỳ thi quan trọng nhất đời chúng con, Không phải trò chơi, muốn đổi thì đổi.

* Tán thành

* Tôi tán thành ngoại ngữ là môn bắt buộc. Các bạn bây giờ nên nhìn thấy sự thật là trẻ lên 6 là cha mẹ đã cho học Anh văn rồi. Các ý kiến phản đối chỉ là ngụy biện cho việc con em họ không chiu học ngoại ngữ do không thi bắt buộc môn này mà thôi. Nếu không bắt buộc thì đến bao giờ mới chịu học?

Tôi nghĩ phải làm ngay từ bây giờ. Nếu các em chấp nhận bỏ ngoại ngữ thì phải chấp nhận thẩp điểm hơn các em khác, đó cũng là lẽ công bằng. Không thể chấp nhận một kỹ sư hay bác sĩ mà không biết ngoại ngữ.

Trong khi hiện nay công nhân mình còn có thể giao tiếp với quản lý nước ngoài được kia mà.

Tôi đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là trình độ ngoại ngữ học sinh vùng miền đô thị khác nhau, nhưng nếu Bộ ra đề hợp lý thì cũng không phải chuyện khó khăn lẳm vì còn điểm ưu tiên vùng mà. Tóm lại theo tôi phương án 1 là hợp lý nhất cho kỳ thi năm 2015. Có thi thì mới có học và dạy cho tử tế.

* Thuốc đắng dã tật

Tôi đã từng là sinh viên ở Mỹ. Cảm nhận chung trong chúng tôi - những người được học ở nước ngoài - là trình độ tiếp thu của sinh viên Việt không hề thua kém nếu không muốn nói là khá hơn so với sinh viên quốc gia khác. Tuy nhiên, sinh viên Việt rất khó được vào top trên ở trường họ đang học.

Lý do đơn giản là chúng ta nhút nhát vì thiếu khả năng giao tiếp tiếng Anh, chủ yếu là kỹ năng nghe và nói. Cho nên tôi tuyệt đối ủng hộ việc bắt buộc thi tiếng Anh.

Thuốc đắng dã tật. Nếu nói tôn trọng ý kiến học sinh thì tôi tin chắc đại đa số các em sẽ nói không vì có ai dại mà rước cái khó vô mình. Nhưng nếu không làm như vậy đến bao giờ mới khá hơn được đây?

Tôi cũng không muốn những học sinh các khóa thi đầu thành "chuột bạch" cho những thí điểm của ngành giáo dục. Vậy nên, những kỳ thi đầu nên cho đề dễ một chút, cho các thế hệ tiếp theo có thể cảm thấy tự tin hơn.

* Sinh ngữ là môn năng khiếu

Cần tư vấn thêm các nhà khoa học về não bộ. Không phải ai cũng có thể học ngoại ngữ trên một bình diện nhận thức như nhau. Tuy nhiên, do yếu tố ứng dụng của thời đại nên khuyến khích và tạo điều kiện nhiều hơn và sớm phân luồng lựa chọn cho học sinh.

* Ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc

Một thế hệ tri thức tương lai mà không biết ngoại ngữ là điều không thể chấp nhận được. Nếu học sinh phổ thông không có sự đầu tư thích đáng cho môn ngoại ngữ từ khi ngồi ghế nhà trường phổ thông thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi bước vào giảng đường đại học trong việc tiếp thu tri thức cũng như nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, ngoại ngữ là một học trình bắt buộc của tất cả các trường đại học.

* Giáo viên chưa đạt chuẩn

Giáo viên tiếng Anh hiện nay còn chưa đủ chuẩn làm thế nào mà bắt học sinh như thế được. Chưa kể mỗi nơi chất lượng mỗi khác, vùng sâu vùng xa người ta chỉ mong có được chữ thôi.

* Chưa nên

Báo Tuổi Trẻ có đăng một bài "trong lần khảo sát ý kiến học sinh ở trường THPT thuộc TP.HCM mà có đến 60% học sinh sợ môn tiếng Anh, không tự tin khi dự thi môn tiếng Anh và không muốn môn tiếng Anh bắt buộc".

Thử hỏi, nếu khảo sát này được thực hành ở các tỉnh nông thôn, miền núi như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, khu tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, học sinh các tỉnh nghèo vùng núi Việt Bắc... thì số học sinh sợ môn tiếng Anh sẽ là bao nhiêu? Chắn chắn hơn 80%.

Chúng ta nên tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người trong cuộc chính là thí sinh, biết được phần lớn các em muốn gì, các em có thay đổi được không với đề án này. Và đông đảo các em không muốn như thế thì chúng ta cần có thời gian để uốn nắn các em theo đề án, không thể bắt buộc ngay bây giờ.

* Không nên

Chúng ta nên nhìn vào hiện tại để đưa ra phương án thích hợp nhất chứ không phải dùng tầm quan trọng của nó để áp đặt thí sinh. Hiện tại thì vẫn chưa thể là môn bắt buộc. Đây là năm đầu tiên đổi mới, không thể tháng 9 chốt đề án tháng 6 năm sau thi trực tiếp.

Muốn thay đổi thì cũng cần phải có lộ trình và có thời gian cho học sinh, giáo viên và phụ huynh chuẩn bị. Từ trước đến giờ thi 3 chung, học sinh vẫn học theo định hướng. Đối với rất nhiều học sinh thì ngoại ngữ không phải là môn lợi thế, sự thay đổi mà đi ngược lại với lợi ích thí sinh thì không nên. Chúng ta cần có thời gian để chuẩn bị.

Hơn nữa, kì thi này không phải là chuyện đùa, ngày một ngày hai là xong. Không thể cứ đưa ra rồi áp dụng thử, sai rồi rút kinh nghiệm - điều này là hoàn toàn không thể. 12 năm học của học sinh rất quan trọng, quan trọng với bản thân, gia đình, nhà trường và cả xã hội, vì thế chúng ta phải lắng nghe ý kiến học sinh.

Không chỉ thực hiện khảo sát ý kiến học sinh ở thành phố mà cũng cần hỏi, quan sát và lắng nghe ý kiến của học sinh ở các tỉnh nghèo, miền núi khác. Khi chúng ta đổi mới được chương trình học và thông báo cho học sinh trước 3 năm thì thi bắt buộc sẽ hợp lý hơn. Còn bây giờ thì môn ngoại ngữ phải là môn tự chọn.

* Không cần bàn nữa

Không cần bàn thi ngoại ngữ bắt buộc hay tự chọn. Chỉ quyết thi bắt buộc thôi nhưng cần xem lại cách dạy học và cũng nên nhìn ra thế giới, học sinh tú tài ở Philippines và Ấn Độ đều thành thạo tiếng Anh. Vả lại chúng ta đang hội nhập cơ mà.

* Ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc

Tôi tâm đắc với câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Thi ngoại ngữ bắt buộc là một thông điệp cho toàn xã hội". “Có những người ví von bây giờ mà không biết ngoại ngữ giống như ra trận mà không có súng. Chúng ta phải định hướng để con cháu chúng ta học, nhưng thi ngoại ngữ bắt buộc không có nghĩa là bắt ngay các cháu ở miền núi cũng thông thạo như các cháu ở Hà Nội hay TP.HCM”.

Ngoại ngữ hiện nay rất cần cho mọi ngành nghề trong xã hội, chẳng hạn như anh nông dân mua một bao phân thì cũng phải biết từ fertilizer được ghi ở ngoài bìa bao chứ. Như hai năm qua vì bệnh thành tích quá lớn mà một số tỉnh mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đầy đủ, phòng học có máy chiếu cho sử dụng giáo án đện tử nhưng vì trường ở vùng sâu vẫn xin thi thay thế tốt nghiệp môn tiếng Anh.

Nếu Bộ cứ cho các địa phương xin thi thay thế thì Đề án ngoại ngữ sẽ khó khả thi.

* Nên là môn tự chọn

Ngoại ngữ tác động đến rất nhiều ngành trong xã hội nhưng không có nghĩa là tất cả các ngành đều cần ngoại ngữ. Có nhiều thí sinh xuất phát từ gia đình nông nghiệp và định hướng thi vào trường tầm cỡ thấp rồi sau này về công tác tại địa phương thì ngoại ngữ không thật sự cần thiết, cái cần hơn cả là trình độ chuyên môn. Vì thế bắt buộc ngoại ngữ là điều không hợp lý.

Hơn nữa đây là kỳ thi quan trọng cả đời người, không thể bất ngờ để các thí sinh ban tự nhiên thi môn này được. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là các em ở nông thôn và miền núi. Cái rõ ràng mà chúng ta nhìn thấy là điều kiện học ngoại ngữ của các em ấy không đảm bảo, không phải ai cũng kém nhưng đa phần là như vậy, chính vì thế phần lớn các em đặt nguyện vọng vào khối A và B giờ đột ngột thay đổi thì chẳng khác nào dồn các em vào thế bí.

Chúng ta cần chọn ra phương án phù hợp với thời điểm hiện tại nhất, không để thí sinh thiệt thòi, và gây sốc cho thí sinh.

Tiếng Anh là môn tự chọn sẽ đáp ứng được yêu cầu đó. Còn về lâu dài ta vẫn có thể đưa tiếng Anh vào môn bắt buộc khi ta đã cải cách được điều kiện học ở mọi vùng miền, và có sự thông báo để các em sớm định hướng và chuẩn bị.

* Phải thi môn ngoại ngữ thôi

Thật ngạc nhiên, lâu nay ngoại ngữ là môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT (cùng với văn và toán). Chỉ mới năm 2014 thì ngoại ngữ mới là môn tự chọn. Vậy thì từng ấy năm trời, sự quan tâm của các ngành, các cấp như thế nào mà đến nay vẫn còn nhiều nơi không tổ chức giảng dạy tốt môn ngoại ngữ?

Tôi nghĩ những nơi này cần kiểm điểm lại việc đầu tư cho giảng dạy môn ngoại ngữ (đào tạo giáo viên, trang bị cơ sở vật chất...).

Ngày nay, không chỉ trong công tác, nghiên cứu, học tập mà ngay trong sinh hoạt đời thường, con người luôn tiếp xúc với những yếu tố có tiếng nước ngoài. Vốn kiến thức ngoại ngữ nhất định sẽ giúp chúng ta thuận lợi hơn trong cuộc sống. Vậy thì học ngoại ngữ là rất cần thiết. Muốn học có chất lượng thì phải thi. Điều này không thể chối cãi.

Mặt khác, nếu ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc thì những địa phương hiện nay đang khó khăn về dạy ngoại ngữ chừng nào mới thoát khỏi khó khăn này? Trẻ em ở những nơi này chừng nào mới được học ngoại ngữ đàng hoàng như trẻ em ở những nơi khác?

Vì những lẽ trên, tôi thấy môn ngoại ngữ là môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp là hợp lý. Bộ nên khảo sát những địa phương, những trường còn khó khăn về dạy-học ngoại ngữ thì cho thi môn thay thế. Đồng thời Bộ cũng giao trách nhiệm cho địa phương phải đầu tư cho việc giảng dạy môn ngoại ngữ trong một khoảng thời gian nhất định. Hết thời gian qui định thì địa phương này, trường này không được thi môn thay thế. Có như vậy thì trong 5-10 năm tới việc dạy - học ngoại ngữ mới đi vào khuôn khổ trên phạm vi toàn quốc.

* Bắt buộc hay không?

Thời điểm hội nhập, các kênh truyền hình kể cả nhịp sống của giới trẻ cũng đã dùng rất nhiều từ tiếng Anh. Thế tại sao lại băn khoăn ở môn ngoại ngữ. Học để làm việc nhưng học còn để hiểu biết nữa chứ.

Một kỹ sư cao tay nghề nhưng không đọc được hướng dẫn sử dụng máy bằng tiếng nước ngoài thì giỏi chỗ nào?

Người dân Việt ưa xài hàng ngoại mà không có một chút ngoại ngữ lõm bõm để đọc được các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài ở các chợ, siêu thị thì phải làm sao?

Môn tiếng Anh thời gian qua việc dạy và học tuy còn nhiều bất cập nhưng cũng thấy hiệu quả của việc sử dụng quá tốt đấy chứ.

Là người Việt nói tiếng nước ngoài thì có thể chấp nhận đôi lúc phát âm có phần ngọng nghịu nhưng rồi sẽ tiến bộ dần nếu ai ham thích và đầu tư cho môn học này.

Tôi thấy nếu bắt buộc thì học sinh mới học, không thì lơ là. Vấn đề là cân đối đề thi giữa vùng trọng điểm hay không mà thôi.

* Để ngoại ngữ là môn bắt buộc

Tôi nghĩ bắt buộc hay không không quan trọng, cái chính là cần nghiên cứu thay đổi cách dạy ngoại ngữ ở phổ thông. Nếu vẫn giữ cách dạy như hiện nay có thể nói gần như là muối bỏ biển vì thực tế hơn 7 năm hoc tiếng Anh học sinh không thể nói được một câu cho "tử tế".

Hơn nữa nếu không có phương pháp sư phạm tốt sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh. Đây là điều giáo dục cần nên tránh.

* Ngoại ngữ cứ nên là môn tự chọn

Có thể rất nhiều ngành sẽ cần tiếng Anh nhưng không phải ngành nào cũng vậy. Hơn nữa, khoảng cách trình độ, kỹ năng sử dụng tiếng Anh giữa các vùng miền là rất lớn. Bắt buộc thi tiếng Anh chỉ làm cho các em khối A và B và học sinh miền quê thiệt thòi.

Đây là một kỳ thi cực kì quan trọng trong đời học sinh nên cần tôn trọng và công bằng cho mọi thí sinh. Còn việc "không bắt học sinh nông thôn và miền núi thành thạo bằng học sinh Hà Nội và Sài Gòn" tuy hợp lý nhưng trong kỳ thi quyết định có tỉ lệ chọi đàng hoàng này thì không thể để các em ấy thua kém ngay từ vạch xuất phát.

* Bắt buộc là một điều tất yếu

Phải khẳng định môn ngoại ngữ là môn rất quan trọng, cần phải được coi là môn thi bắt buộc, vì thực tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, môn ngoại ngữ có vai trò lớn. Nếu được thì nên bắt buộc 3 môn thi tốt nghiệp (toán, văn và ngoại ngữ).

Có thể ra đề theo từng vùng để phù hợp với điều kiện học ngoại ngữ ở từng vùng. Chúng ta phải làm mọi cách để phát triển môn được coi là công cụ này, đó là một môn học bắt buộc.

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, hãy chia sẻ quan điểm của bạn với chúng tôi qua phần ý kiến bạn đọc phía dưới hoặc địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn.
NGUYỄN ANH DUYaduy520770@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp