19/07/2024 00:48 GMT+7

Ngoại giao kinh tế Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, bài bản

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá như vậy trong hội nghị về ngoại giao kinh tế ngày 18-7, đồng thời yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đàm phán và ký kết thêm nhiều FTA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngày 18-7 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngày 18-7 - Ảnh: VGP

Chiều tối 18-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng qua vượt kịch bản đề ra

Tại hội nghị, Bộ Ngoại giao cho biết trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm và mang lại các kết quả cụ thể, thực chất.

Việc rà soát tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế được triển khai quyết liệt với cơ chế họp định kỳ hằng tháng. Gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành và các địa phương đã được rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ vướng mắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận ngoại giao kinh tế có lúc chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo.

Ngoài ra, hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ, khâu xử lý và tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án chưa thực sự quyết liệt, rốt ráo.

Toàn cảnh hội nghị ngày 18-7 - Ảnh: VGP

Toàn cảnh hội nghị ngày 18-7 - Ảnh: VGP

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hằng quý, Thủ tướng đều tổ chức hội nghị để phát triển kinh tế đối ngoại, kết nối với kinh tế thế giới, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khái quát về những kết quả tích cực của kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy, tăng trưởng GDP quý 2 phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản đề ra.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng biểu dương sự đóng góp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ông nhận định tình hình ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, do đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác dù những gì đạt được 6 tháng đầu năm rất đáng trân trọng và hoan nghênh.

Thủ tướng đánh giá thực tế vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có kinh nghiệm hơn, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Do đó, ông tin tưởng thời gian tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm tốt hơn nữa.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh, thành tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh, thành tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu rõ thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam đề ra sẽ cao hơn, từ 6,5 - 7%, cùng với đó là việc tích cực thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Việt Nam cũng ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, xác định ưu tiên cho tăng trưởng, do đó phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung vào động lực xuất khẩu, mà muốn vậy thì phải thúc đẩy thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam, tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Trong đó nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, phải lắng nghe ý kiến của các địa phương về nhu cầu và mục tiêu phát triển đất nước; kết nối các nước, khu vực kinh tế, nền kinh tế thế giới với kinh tế Việt Nam; kết nối doanh nghiệp thế giới với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối các địa phương với các địa phương của các nước để tận dụng cơ hội phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương phải tích cực kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để truyền tải thông tin, khả năng cạnh tranh hàng hóa, quảng bá sản phẩm của Việt Nam với thế giới.

Chính phủ, các bộ, ngành phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, định hướng sự phát triển; quy hoạch vùng nguyên liệu để hàng hóa đủ khả năng cạnh tranh, phù hợp xu thế của thế giới.

Đàm phán, ký kết thêm nhiều FTA

Đại diện Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Đại diện Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA (hiện đã có 16 FTA với 60 đối tác - PV).

Đồng thời thúc đẩy việc mở rộng các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa.

Với du lịch, cần nghiên cứu chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách, tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi và tận dụng những cơ hội có thể để xuất khẩu lao động ra các nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá để thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển.

Bên cạnh đó, cần nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế phát triển, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh, hiện đại, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mới nổi để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên".

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần khai thác hiệu quả hơn cộng đồng khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Đây vừa là nguồn lực, vừa là cầu nối của Việt Nam với thế giới, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả, chia sẻ những khó khăn, thúc đẩy thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài ổn định sinh sống, làm ăn, vừa có điều kiện hỗ trợ trong nước.

Thủ tướng nêu Thủ tướng nêu '3 phát huy' trong ngoại giao kinh tế

Chiều tối 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp