03/02/2025 09:39 GMT+7

Ngoài đề xuất cho vợ chồng tự quyết định số con, cần làm gì để tăng mức sinh?

Cho vợ chồng tự quyết định số con có đảo ngược được suy giảm mức sinh và tình trạng mất cân bằng giới tính?

Ngoài đề xuất cho vợ chồng tự quyết định số con, cần làm gì để tăng mức sinh? - Ảnh 1.

Xu hướng sinh một con sẽ là một gánh nặng cho dân số trong tương lai - Ảnh minh họa: AI

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó cho phép vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Bước đi cần thiết 

Việc cho phép vợ chồng và cá nhân tự quyết định số lượng con, khoảng cách giữa các lần sinh hay cho phép lao động nữ khi sinh con thứ hai được kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng… là bước đi quan trọng nhằm đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Những năm gần đây, tình trạng suy giảm mức sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành những thách thức lớn đối với chính sách dân số nước ta. 

Các dữ liệu thống kê cho thấy mức sinh trên toàn quốc đang giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống còn 1,91 con/phụ nữ năm 2024. 

Cùng lúc đó, tỉ lệ giới tính khi sinh vẫn duy trì ở mức cao, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng nghiêm trọng trong tương lai gần.

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Điều này kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, từ suy giảm lực lượng lao động đến gánh nặng an sinh xã hội.

Để ứng phó, ngoài các đề xuất chính sách khuyến sinh đã nêu, Bộ Y tế còn đề nghị hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con ở các khu công nghiệp và địa phương có mức sinh thấp được thuê, mua nhà ở xã hội…

Có thể nói, những đề xuất thể hiện sự đột phá trong chính sách dân số so với trước đây, khi Việt Nam từng áp dụng các biện pháp hạn chế sinh con để kiểm soát dân số. 

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu các chính sách khuyến khích này có đủ để đảo ngược xu hướng suy giảm mức sinh?

Thực tế cho thấy các biện pháp khuyến sinh không thể chỉ dừng lại ở việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay hỗ trợ nhà ở. 

Chìa khóa quan trọng nhất để tăng mức sinh chính là tạo ra một môi trường thân thiện với gia đình, trong đó quyết định đẻ con, chăm sóc và nuôi dạy con cái phải trở thành một lựa chọn khả thi về mặt kinh tế và xã hội của mỗi cặp vợ chồng.

Các quốc gia như Pháp hay Thụy Điển đã thành công trong việc duy trì mức sinh ổn định bằng cách cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, bao gồm trợ cấp nuôi con, ưu đãi thuế và hệ thống giáo dục, y tế công miễn phí hoặc chi phí thấp. 

Các chính sách hỗ trợ hướng đến những ưu đãi cho cuộc sống hiện tại sẽ đủ hấp dẫn để có thể thay đổi quyết định sinh con của người dân.

Bỏ rào cản đối với nhóm có khả năng sinh nhiều con

Một điểm đáng quan tâm khác là chính sách khuyến sinh tốt không chỉ giúp duy trì mức sinh thay thế mà còn có thể góp phần giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Khi số con bị giới hạn ở mức thấp, nhiều gia đình có tâm lý ưu tiên sinh con trai trước, dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. 

Ngược lại, nếu mức sinh được nâng cao, áp lực phải có con trai ngay từ lần sinh đầu tiên sẽ giảm bớt, giúp tăng tỉ lệ sinh con gái một cách tự nhiên.

Để tối ưu, các chính sách khuyến sinh cần được thiết kế theo hướng tạo động lực cho gia đình sinh nhiều con mà không đặt nặng yếu tố giới tính. 

Điều này có thể bao gồm các biện pháp như ưu đãi tài chính đặc biệt cho các gia đình có ba con trở lên, hoặc thậm chí tăng thêm những chính sách khuyến khích gia đình chỉ có con gái, bao gồm hỗ trợ tài chính.

Nếu khuyến khích sinh con nhưng lại đặt ra rào cản đối với nhóm có khả năng sinh nhiều con thì vô hình trung có thể làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến sinh.

Hướng đi hợp lý hơn là dỡ bỏ hoàn toàn các quy định hạn chế số con, thay vào đó tập trung vào việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ em.

Các địa phương có mức sinh thấp có thể thí điểm áp dụng chính sách linh hoạt hơn, trước khi mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phụ nữ sinh hai con, mà cần tiến tới khuyến khích sinh ba con trở lên đối với những gia đình có điều kiện kinh tế ổn định.

Tạo ra môi trường thân thiện với gia đình bằng cách hỗ trợ tài chính, trợ cấp nuôi con, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các gia đình đông con và cải thiện hệ thống giáo dục, y tế. 

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới để thay đổi nhận thức về vai trò của con gái trong gia đình, từ đó giảm tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

Nói cách khác, đề xuất mới nhất của Bộ Y tế gợi ý rằng chính sách dân số cần được thay đổi theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế và không bị ràng buộc bởi những quy định không còn phù hợp.

Nếu không, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng. Đây không chỉ là vấn đề về số lượng, mà còn là bài toán về chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đề xuất cho vợ chồng tự quyết định số con:  - Ảnh 3.Đề xuất cho phép vợ chồng, cá nhân tự quyết định thời gian sinh con, số con

Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Dân số, trong đó cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp