19/03/2023 08:18 GMT+7

Ngộ độc botulinum ở Quảng Nam: Cá chép muối ủ chua do người dân tự làm

Món cá chép muối ủ chua khiến 10 người ngộ độc botulinum là do người dân tự tay làm và là món ăn quen thuộc được nhiều người dân ở Quảng Nam sử dụng bao năm nay.

Ngộ độc botulinum ở Quảng Nam: Cá chép muối ủ chua do người dân tự làm - Ảnh 1.

Chuyên gia chống độc và hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy đang kiểm tra tình trạng bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Quảng Nam - Ảnh: N.H.

Đó là thông tin vừa được TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - nói với Tuổi Trẻ Online sau 3 chùm ca ngộ độc botulinum khiến 1 người tử vong ở Quảng Nam.

Ngộ độc bởi món ăn tự làm

Đến nay sau khi điều tra dịch tễ, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam xác định cả 3 chùm ca bệnh (10 người) đều cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua - món ăn quen thuộc với người dân ở khu vực này.

Trong quá trình chế biến, loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển).

Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện cũng xác định trong món ăn này có chứa clostridium type E (+). Từ đó, có thể khẳng định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.

Vấn đề được các chuyên gia đặt ra là 3 chùm ca bệnh này xảy ra ở 3 xã khác nhau, gồm Phước Chánh, Phước Kiên, Phước Đức (thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Tuy vậy, các ca ngộ độc lại được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam trong cùng một khoảng thời gian ngắn.

"Qua khai thác thông tin từ người bệnh, bước đầu xác định món cá chép muối ủ chua do người dân tự làm, sử dụng nhiều năm qua. Điều này hoàn toàn khác với với vụ ngộ độc pate Minh Chay là thực phẩm đều do một cơ sở sản xuất bán ra thị trường" - TS.BS Lê Quốc Hùng nói.

Dự kiến trong sáng nay (19-3) các chuyên gia chống độc và hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục giám sát chặt phản ứng của bệnh nhân sau dùng thuốc giải độc. Đồng thời sẽ có buổi làm việc với ngành y tế tỉnh Quảng Nam nhằm tìm cách ngăn chặn các ca ngộ độc botulinum có thể xảy ra.

Việt Nam chỉ còn 5 lọ thuốc BAT?

Ngộ độc botulinum ở Quảng Nam: Cá chép muối ủ chua do người dân tự làm - Ảnh 2.

Trong số 9 bệnh nhân còn điều trị có 5 nữ, 4 nam. Hiện có 3 bệnh nhân có biểu hiện bị liệt tứ chi, suy hô hấp và phải thở máy - Ảnh: N.H.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thời điểm bùng phát ngộ độc botulinum ở nhiều tỉnh, thành được xác định có nguồn gốc từ sản phẩm patê Minh Chay (2020 - 2021), ngành y tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng thiếu thuốc giải độc. Lúc bấy giờ các trung tâm chống độc, điển hình là Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) phải "điều" các lọ thuốc giải độc cuối cùng đến nơi có ca bệnh nhập viện.

Thời điểm này, Việt Nam may mắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ 2 đợt với 12 lọ thuốc giải độc botulinum. Đây là loại thuốc rất hiếm, có giá trị dao động từ 6.000 - 8.000 USD/lọ. Và đến nay số thuốc này cơ bản đã dùng hết.

Hiện Việt Nam chỉ còn 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium botulinum ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả 5 lọ thuốc này cũng vừa được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam giải độc cho bệnh nhân.

"Từ vụ ngộ độc pate Minh Chay, ban giám đốc bệnh viện phải cấp tốc mua thuốc trực tiếp từ Canada để có thuốc giải độc cho người bệnh. Thuốc rất đắt đỏ, rất hiếm và hiếm khi sử dụng, đặc biệt không phải bệnh nhân ngộ độc botulinum nào cũng được chỉ định sử dụng" - một chuyên gia chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Chẳng hạn như trong số 9 bệnh nhân ngộ độc đang điều trị ở Quảng Nam, hiện các bác sĩ chỉ chỉ định cho 3 bệnh nhân nặng đang thở máy được dùng ngay thuốc giải độc. Trong quá trình này, các bác sĩ sẽ phải theo dõi sát phản vệ trong và sau truyền, cũng như các biến chứng loạn nhịp tim. Có 2 bệnh nhân tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt nhằm quyết định có nên sử dụng BAT hay không.

Việc bây giờ, theo các chuyên gia, là làm mọi cách ngăn chặn không để xảy ra các ca ngộ độc botulinum, bởi nếu để bùng phát sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thuốc giải độc.

Báo cáo Bộ Y tế về chùm ca bệnh ngộ độc botulinum

Khuya 18-3, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo Bộ Y tế về chùm ca bệnh ngộ độc botulinum khiến 10 người nhập viện, trong đó 1 người tử vong.

Trong số 9 bệnh nhân còn điều trị có 5 nữ, 4 nam. Hiện có 3 bệnh nhân có biểu hiện bị liệt tứ chi, suy hô hấp và phải thở máy.

Các bệnh nhân nhập viện đều có đặc điểm chung là sau ăn chưa đầy 24 giờ đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ, thở máy. Tuy nhiên tất cả đều tỉnh và tiếp xúc được.

Thiếu nhiều loại thuốc

Một cán bộ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị chống độc đầu ngành ở Việt Nam cũng cho biết không còn lọ giải độc nào. "Đợt 2020 khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh chay, để có 2 lọ đã toát mồ hôi"- vị này nói.

Vị cán bộ này cũng chia sẻ trung tâm cũng đang thiếu nhiều thuốc/sinh phẩm giải độc như huyết thanh kháng nọc rắn, ngộ độc thuỷ ngân. Gần đây vấn đề dự trữ các thuốc hiếm đã được nói đến nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết.

LAN ANH

10 người ở Quảng Nam ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua, 1 người tử vong10 người ở Quảng Nam ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua, 1 người tử vong

Vừa có 3 chùm ca bệnh, tổng số 10 người bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, trong đó có 1 người đã tử vong. Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc (giá hơn 6.000 USD/lọ) ra Quảng Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp