Phóng to |
Rất nhiều học sinh đang nghiện game online mà sao nhãng học hành - Ảnh: Gia Tiến |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Hồi đó mỗi ngày tôi được ba mẹ cho chừng 2.000đ để ăn sáng và tiêu vặt, nhưng tôi không ăn sáng mà để dành số tiền ít ỏi đó để chơi game. Chơi vậy không thỏa mãn, tôi bắt đầu cúp học thêm. Bao nhiêu tiền ba mẹ, ông bà cho để mua truyện (thậm chí cả tiền cắt tóc có 5.000đ) tôi đều lấy đi chơi game hết. Không đủ, tôi lại lấy đồ của gia đình đem ra tiệm cầm đồ để cầm lấy tiền chơi game...
Đến một ngày ba mẹ tôi phát hiện đồ trong nhà bị mất, tra hỏi mãi tôi cũng phải thú nhận. Từ đó ba mẹ quản lý tôi rất chặt (trước đây rất lỏng lẻo): buổi sáng mẹ chở tôi ra tiệm ăn đầu đường mua đồ cho tôi ăn, không cho tiền nữa. Đến giờ tan học ba tôi đón sẵn ở cổng trường, học thêm cũng tương tự như vậy. Suốt ba năm liền, quả thật tôi vẫn còn nghiện game, thỉnh thoảng vẫn lén ra ngoài chơi game nhưng đã bớt hẳn. Năm lớp 12, tôi tự thấy nếu mình không bỏ game, lo học thì sau khi thi tốt nghiệp tôi sẽ làm gì, đi về đâu?
Năm lớp 12 tôi quyết tâm tu chí học hành, một phần nhờ ba mẹ động viên và hai người bạn chăm chỉ của tôi giúp đỡ. Năm đó có nhiều lúc học hành mệt quá, lại nhớ tới game, lại mò ra tiệm vi tính chơi nhưng lương tâm thật sự cắn rứt, chơi mà thấy trách nghiệm của mình sao nặng nề quá, làm mất cả vui. Thế là lại trở về bàn học... Có lẽ những lời lẽ, hành động nghiêm khắc của ba mẹ, sự tủi hổ so với bạn bè đã tạo nên trách nhiệm trong tôi. Năm đó cả lớp 52 đứa chỉ có một đứa duy nhất đậu đại học lại là tôi (trường tôi vốn là trường bán công, tôi học lớp hệ B).
Tôi vẫn thường tự nhủ nếu ngày ấy ba mẹ tôi không phát hiện, không kèm cặp thì bây giờ có lẽ tôi vẫn còn ngập ngụa trong các tiệm game online. Tôi vẫn thường nghe mọi người cho rằng vì game bạo lực, tụi trẻ nghiện game là do lỗi của bạn bè, hoặc là lỗi của mấy nhà cung cấp game. Tôi không đồng ý, trẻ em ghiền game là do lỗi của ba mẹ không quản lý hoặc quản lý không chặt chẽ, không biết con mình đã mê game. Với tư cách là cha mẹ, thầy cô, phải giáo dục cho trẻ biết về game (game là gì, ích lợi, tác hại của game, các tấm gương sáng và tối...) giúp trẻ ý thức, hiểu rõ về nó.
Tôi không phủ nhận bạn bè rủ rê là một phần của tính ghiền game. Tuy nhiên, nếu phụ huynh kiểm tra kỹ chuyện này thì biết đó không phải là yếu tố dẫn đến việc nghiện game. Các phụ huynh nên liên lạc với nhau thường xuyên, trao đổi về tình hình học tập, vui chơi giải trí của con cái. Mỗi công dân là một tế bào của xã hội, nếu tế bào đó tốt sẽ "miễn nhiễm" trước cái xấu. Trẻ em nếu được cha mẹ chăm sóc, quan tâm và giáo dục kỹ thì sẽ "miễn nhiễm" trước việc chơi game, hoặc chơi game chỉ để khuây khỏa phút chốc.
Hẳn nhiên là nhà cung cấp "đổ bộ" các trò chơi đến tận ngõ xóm, chính quyền quản lý chưa chặt chẽ, song nếu gia đình thả lỏng các em thì đừng đổ lỗi cho nhà trường, nhà cung cấp hay xã hội chịu trách nhiệm về "cơn nghiện" đó mà bỏ qua yếu tố gia đình.
Tin bài liên quan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận