Thông tin này được ông Đỗ Văn Thành, viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tại Diễn đàn nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới do Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với báo Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19-11.
Theo ông Thành, Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt bổ sung 31 hồ chứa lớn trên cả nước với tổng dung tích 1,92 tỉ m3.
"Dù quy hoạch nhưng việc xây dựng các hồ chứa này gặp nhiều khó khăn do có nhiều diện tích rừng phòng hộ, địa chất kém gây mất nước, diện tích phục vụ nhỏ" - ông Thành nói.
Ông Thành cho biết quy hoạch đến năm 2030 cũng xây dựng các hồ chứa nhỏ, phân tán và hệ thống tưới cho 300ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp trên đất dốc.
Cùng với đó là chương trình hồ chứa nhỏ, phân tán ở Đồng bằng sông Cửu Long để cấp nước sinh hoạt và sản xuất nhằm chống hạn trong mùa khô, xâm nhập mặn.
Đối với các công trình dâng nước kết hợp khắc phục hạ thấp mực nước trên lưu vực sông Hồng, ông Thành cho biết trong quy hoạch thủy lợi đề xuất xây dựng hai đập dâng Xuân Quan (sông Hồng) và Long Tửu (sông Đuống).
"Đối với đập Xuân Quan chúng tôi xem xét xây dựng tại một trong ba vị trí là ngay sau cống Xuân Quan hoặc sau trạm bơm Hồng Vân và phương án giữa hai vị trí này. Còn đập Long Tửu có thể xây ở ngay sau cống Long Tửu hoặc đập Phù Đổng.
Sau khi nghiên cứu khả thi thì lựa chọn vị trí xây dựng cho chính xác về mặt kinh tế kỹ thuật và tác động môi trường. Dự kiến năm 2025 nghiên cứu để đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đập (cống) trên sông Cửu Long như Vàm Cỏ, Hàm Luông. Đây là hai đập lớn đã được đưa vào quy hoạch, nếu triển khai thì đây là mô hình tốt để hạn chế tác động ở thượng lưu do xây dựng nhiều nhà máy thủy điện và biến đổi khí hậu" - ông Thành nói thêm.
Về việc xây 2 đập dâng trên lưu vực sông Hồng, ông Lương Văn Anh - phó cục trưởng Cục Thủy lợi - cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án, đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, hướng đến mục tiêu cao nhất là an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là mùa mưa lũ.
Cần nâng cao năng lực xả lũ các hồ chứa và dự báo mưa lũ
TS Hoàng Văn Thắng - chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam - cho rằng để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình "có chủ", đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Bên cạnh đó, các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.
"An toàn đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng. Song song đó là việc nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa" - ông Thắng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận