04/07/2020 07:39 GMT+7

Nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19: Kỳ vọng Thái Lan, Indonesia

LÊ MY
LÊ MY

TTO - Vì sao Indonesia và Thái Lan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao về năng lực sản xuất vaccine và đặt nhiều kỳ vọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm chế tạo vaccine ngừa COVID-19?

Nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19: Kỳ vọng Thái Lan, Indonesia - Ảnh 1.

Vaccine đã được thử nghiệm trên khỉ do Trung tâm phát triển vaccine Chula (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) nghiên cứu sản xuất - Ảnh: ThaiPBS

Ngoài hai láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam, Ấn Độ cũng được Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông và Nam Á của WHO, mong đợi sẽ đóng vai trò dẫn đầu giúp khu vực này vượt qua đại dịch hiện tại. "Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. 

Mỗi ngày, hàng triệu người đủ mọi lứa tuổi được bảo vệ tính mạng nhờ vaccine sản xuất tại ba quốc gia này" - Singh nói tại cuộc họp trực tuyến với các nhà sản xuất vaccine và giới chức y tế các nước hôm 29-4.

Thái Lan sẵn sàng chia sẻ

Thái Lan bắt đầu phát triển vaccine để sử dụng cho người dân trong nước vào năm 1953 với sản phẩm BCG phòng bệnh lao. Theo công bố của Chỉ số an ninh y tế toàn cầu 2019 (Global Health Security Index), Thái Lan là nước châu Á có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, đứng thứ 6 trên thế giới (có 195 quốc gia được đánh giá). 

Năm 2019, giá trị xuất khẩu dược phẩm của nước này đạt 13 tỉ baht (khoảng 420 triệu USD), chủ yếu xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan hiện là một trong những ứng cử viên dẫn đầu khu vực trong cuộc đua tìm vaccine chống COVID-19. 

Dự án vaccine của Đại học Chulalongkorn (Bangkok) đang bước vào giai đoạn quyết định thành - bại, theo hãng tin Reuters. Các nhà khoa học Thái đã tiêm liều thử nghiệm thứ hai cho 13 con khỉ hôm 22-6 và đang hồi hộp chờ đợi kết quả tích cực. Nếu thành công, loại vaccine này sẽ được phê duyệt thử nghiệm trên người sớm nhất là vào tháng 10 năm nay.

Dù thừa nhận cần ưu tiên nhu cầu trong nước, giáo sư Kiat Ruxrungtham, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng các quốc gia sẽ cần bắt tay nhau để ai cũng được sử dụng được vaccine. "Chúng tôi không có ý định kiếm tiền. Quan trọng không phải là chuyện tiền bạc mà là vấn đề tiếp cận" - Reuters dẫn lời giáo sư Kiat. 

Mục đích của dự án là tăng hiệu quả về chi phí và khả năng tiếp cận ở Đông Nam Á, đồng thời góp phần giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Vị này cũng cho rằng không nên dựa vào các nền kinh tế lớn để phát triển và sản xuất vaccine chống virus corona chủng mới, vì có thể gặp tình trạng nghẽn nguồn cung - chỉ một nước sản xuất thì không kịp để đủ cho tất cả. 

"Vì vậy, một đất nước như chúng tôi, một quốc gia nhỏ, cần phải bước ra và tự lo lấy phần việc của mình". Giáo sư Kiat dự đoán mỗi liều vaccine sẽ có giá 1.000 bath (khoảng 30 USD) và họ có thể sản xuất hàng chục triệu liều vào giữa năm 2021 hoặc cuối năm 2021, một khi vaccine đã sẵn sàng.

Tuy là một trong những "ông lớn" trong ngành dược phẩm ở Đông Nam Á, nước này nhập khẩu khoảng 90% nguyên liệu đầu vào, theo báo cáo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Ayudhya (Thái Lan). Vì vậy, các nhà sản xuất Thái có nguy cơ đối mặt với tình trạng tăng giá nguyên liệu khi cả thế giới đều khẩn trương sản xuất vaccine.

Dù vậy, khi được hỏi Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề như thế nào nếu nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ bị gián đoạn, bà Narin Tunpaiboon thuộc Ngân hàng Ayudhya trả lời The Straits Times: "Thái Lan sẽ không gặp khó khăn khi tìm kiếm các nguồn thay thế khác".

Chính phủ Thái Lan đang nhắm đến việc đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, cung cấp các đặc quyền về thuế để thúc đẩy đầu tư trong nước, từ đó giảm sự phụ thuộc nước khác. 

Công tác điều chế và thử nghiệm vaccine cũng được hậu thuẫn mạnh mẽ. Hôm 19-6, trong cuộc họp Quốc hội tại Bangkok, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã tình nguyện làm người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine do nước này nghiên cứu!

Indonesia: tự chủ nguyên liệu

Bio Farma là "xưởng" vaccine lớn nhất ở Đông Nam Á, có khả năng sản xuất 2 tỉ liều mỗi năm. Với năng lực hiện tại, giả sử vaccine ngừa COVID-19 của Indonesia chứng tỏ hiệu quả, chỉ riêng Bio Farma đã có thể đáp ứng nhu cầu của toàn khu vực. Đó là nhận định của Dhesegaan Bala Krishnan, một học giả thuộc Đại học Malaya (Malaysia) trên tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật).

Được thành lập năm 1890, từ chỗ chỉ phục vụ thị trường trong nước, Bio Farma giờ đã lên tầm quốc tế. Tính riêng năm ngoái, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sản phẩm đến 147 quốc gia, đóng góp vào 465,5 triệu USD giá trị xuất khẩu dược phẩm trong năm 2019 của cả nước. Không như Thái Lan, Indonesia tự chủ đến 76% nguyên liệu đầu vào.

Bio Farma đang hợp tác nghiên cứu vaccine với công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc là Sinovac Biotech và hi vọng loại này sẽ có mặt ở Indonesia vào đầu năm tới. 

Tiến sĩ Neni Nurainy, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Bio Farma, cho biết sự hợp tác này sẽ nhanh chóng mang đến một loại vaccine hữu hiệu cho khoảng 270 triệu người dân Indonesia. "Bio Farma sẽ nhận thành phần dược phẩm từ Sinovac, sau đó chế tạo và hoàn thiện thành phẩm" - vị này nói với The Straits Times.

Bên cạnh hợp tác với Sinovac, Bio Farma còn cùng các trường đại học và cơ quan nghiên cứu trong nước, dẫn dắt bởi Viện Sinh học phân tử Eijkman nhằm phát triển vaccine của chính quốc gia mình. Doanh nghiệp này hi vọng có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với mục tiêu sản xuất vaccine trong quý 4 năm sau.

Bà Neni tin rằng mặc dù các sáng kiến địa phương sẽ ngốn nhiều thời gian hơn, nhưng việc nghiên cứu vaccine ngay từ đầu sẽ giúp Bio Farma phát triển năng lực sản xuất. Theo Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto, cần ít nhất 2 mũi vaccine cho mỗi người trong khoảng 170 triệu dân, đồng nghĩa với việc phải sản xuất ít nhất 340 triệu liều vaccine.

Cả WHO lẫn không ít tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo khả năng các nước nghèo bị bỏ lại phía sau trong cuộc tìm kiếm vaccine và giai đoạn thụ hưởng kết quả. Vì thế, tham vọng tự sản xuất vaccine của Indonesia cũng như các quốc gia trong khối là sự chuyển mình tất yếu, nhất là sau những bài học trong quá khứ.

Năm 2007, Indonesia quyết định ngừng chia sẻ mẫu bệnh phẩm virus cúm gia cầm với WHO. Nước này không đồng ý khi các quốc gia giàu hơn dùng chúng để phát triển các loại vaccine đắt đỏ mà những nước nghèo không thể nào mua nổi. 

Phát biểu với phóng viên, bộ trưởng y tế Indonesia bấy giờ là Siti Fadilah Supari đã bày tỏ tham vọng mở trung tâm hợp tác và nhà máy sản xuất vaccine trong nước.

Xưa nay, bản chất của việc chế tạo và sản xuất vaccine - vốn cần rất nhiều thời gian và tiền bạc - đã tự động thúc đẩy sự bất bình đẳng về lợi ích giữa các quốc gia. Các nước Đông Nam Á nhận ra rằng họ phải tự lực trong sản xuất vaccine để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của dân tộc mình.

Bên cạnh hai "ông lớn" của làng vaccine trong khu vực, Việt Nam và Singapore cũng đang có những tính toán và chuẩn bị riêng trong đại dịch lần này. Indonesia cùng với Thái Lan, Malaysia và Philippines đang tham gia sáng kiến Solidarity Trial của WHO - dự án thử nghiệm bốn phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng trên toàn thế giới.

Trong bài bình luận trên trang Nikkei Asian Review, Dhesegaan Bala Krishnan cũng đề cập đến các quốc gia kém phát triển nhất trong khu vực: "Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có nghĩa vụ đạo đức trong việc hỗ trợ các nước khó khăn hơn. Ví dụ, họ có thể mời Campuchia và Lào tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng cho các loại vaccine tiềm năng".

COVID-19 hiện nay là kẻ thù chung của cả thế giới. Một quốc gia chỉ có thể an toàn khi những quốc gia khác cũng được miễn dịch. Vì thế, việc đảm bảo cung cấp đủ vaccine phòng bệnh cho mỗi công dân trên Trái đất là cần thiết.

Ấn Độ từ lâu được mệnh danh là "nhà thuốc của thế giới" vì nước này có khả năng cung cấp các loại thuốc và vaccine chất lượng với giá cả phải chăng.

Viện Serum Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hằng năm cung cấp vaccine cho 165 quốc gia. Viện này đã hợp tác cùng công ty công nghệ sinh học Mỹ để phát triển vaccine sống giảm độc lực (giảm tính độc hại của mầm bệnh nhưng vẫn giữ chúng tồn tại để cơ thể người có thể hình thành miễn dịch).

Đồng thời, Viện Serum Ấn Độ cũng trở thành đối tác của Đại học Oxford (Anh) trong sản xuất vaccine.

Chế tạo thành công vaccine chỉ là bước đầu tiên. Để hoàn toàn thoát khỏi đại dịch lần này, chúng ta cần phải sản xuất, đóng gói và vận chuyển đi khắp thế giới… khoảng 7 - 15 tỉ liều (vì loại vaccine "đang còn là ẩn số" có thể sẽ bao gồm 2 mũi tiêm).

Đây là chỉ tiêu chưa từng có trong lịch sử ngành y tế. Chưa kể là việc sản xuất vaccine ngừa virus corona còn phải cân đối với các loại vaccine phòng bệnh khác như cúm mùa, sởi, quai bị hay rubella.

Nóng cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19: Việt Nam đang vượt tiến độ Nóng cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19: Việt Nam đang vượt tiến độ

TTO - 'Để cho ra đời vắcxin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này', đơn vị nghiên cứu sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ở Việt Nam tuyên bố.

LÊ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp