Phóng to |
Điều đáng lo là người mắc bệnh này có tâm lý không muốn đến cơ sở y tế để điều trị, và cho rằng nếu đi điều trị thì bác sĩ không được truyền nước vì như vậy sẽ mau... chết.
Bệnh nhân sợ đi viện
Lý giải điều này, ông Lê Huy - chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi, cho rằng tất cả bệnh nhân khi nhập viện bị bệnh nặng không ăn uống được, nên phải truyền dịch để duy trì sức khỏe. “Bà con không rõ nên nói thế” - ông Huy cho biết.
Cũng theo ông Huy, kể từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn xã Ba Điền có 98 ca mắc bệnh “lạ”, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh này là 190 ca, trong đó chín người chết (năm 2011 có một người chết). Tất cả các trường hợp tử vong đều được các cơ sở bệnh viện điều trị, thậm chí có người điều trị tốn cả trăm triệu đồng. Đặt vấn đề vì sao có không ít trường hợp tử vong tại nhà, ông Huy cho rằng trường hợp tử vong tại nhà riêng là bệnh quá nặng, các bệnh viện đã “bó tay”. Trong khi đó, tập tục của đồng bào Hrê nơi đây là trước khi chết, họ muốn người nhà mình nằm tại nhà.
Khẩn trương hỗ trợ gạo, thiết bị y tế UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ VN tỉnh khẩn trương trợ cấp 60 tấn gạo trắng cho người dân năm xã gồm Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh, Ba Tô có người mắc bệnh “lạ” từ 1,3 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của trung ương và doanh nghiệp. Mỗi nhân khẩu sẽ được cấp 15kg gạo trong thời gian sáu tháng. Đồng thời UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng trực tiếp đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hỗ trợ khẩn một máy siêu lọc máu để trang bị cho khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. |
Vẫn mãi loay hoay
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ thị nhiệm vụ hàng đầu là giảm tử vong. Nhưng sau chuyến đi của bộ trưởng, đã có thêm 2 bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở xã Ba Điền tử vong, nâng tổng số tử vong do căn bệnh từng được coi là không khó chữa này lên 21 người trong một năm qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 9-5, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết tại khu vực xuất hiện bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân, nhóm nghiên cứu phát hiện người dân có tập quán ăn gạo ủ, một số gia đình có bệnh nhân ăn gạo mốc khi được khảo sát. Loại trừ dần các căn nguyên, nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng cao là bệnh nhân mắc bệnh nhiễm độc từ môi trường hoặc thực phẩm. Nhưng môi trường là yếu tố gì, thực phẩm cụ thể là loại thức ăn gì... thì đến nay vẫn chưa tìm ra!
Để hỗ trợ cho Quảng Ngãi chống bệnh “lạ”, cách đây ba ngày Bộ Y tế đã có thông báo cung cấp cho Quảng Ngãi một xe cứu thương, một dây chuyền lọc máu và một máy xét nghiệm sinh hóa. Tuy nhiên, thông báo này cũng cho biết đang có hai bệnh nhân bệnh “lạ” vẫn đang ở cộng đồng, sẽ được chuyển ngay đến Bệnh viện C Đà Nẵng hoặc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Bộ Y tế cũng “phân công” cho UBND tỉnh Quảng Ngãi một việc kỳ lạ trong lúc chống dịch như cứu hỏa là vận động, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức xã hội, kinh tế tại địa phương hỗ trợ vitamine, khoáng chất và tăng cường dinh dưỡng cho đồng bào. Cả một ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện, hàng ngàn công ty dược chả lẽ không có vitamine, khoáng chất trong lúc cần chống dịch?
Bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi đã được phát hiện ngày 19-4-2011. Hơn một năm trôi qua, nhưng những công tác nghiên cứu, điều trị chỉ được tăng cường vào hai đợt, lần 1 vào giữa năm 2011 bằng đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu TƯ, và khoảng 20 ngày nay là sự tích cực của Bộ Y tế. Nhưng tình trạng số mắc bệnh, số tử vong vẫn tăng, đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của Bộ Y tế vì gần như “bỏ quên” bệnh “lạ” trong gần một năm qua. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc vì sao chưa mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia quốc tế khác, đại diện Bộ Y tế mới đây cho rằng không ai hiểu tình hình ở địa phương bằng chính người địa phương, nghiên cứu viên địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận