Cô Nguyễn Thị Anh Thư hướng dẫn sinh viên năm 4 khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hành làm đồ chơi trẻ em - Ảnh: Như Hùng |
PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Ảnh: Ngọc Hà |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, chia sẻ:
- Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện theo các quyết định, nghị định của Thủ tướng Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Luật giáo dục năm 2005 cũng tiếp tục khẳng định học sinh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí.
Hiện tại, việc cấp bù học phí cho các trường sư phạm được thực hiện dựa trên quy mô sinh viên hằng năm của trường và mức thu học phí theo nhóm ngành đào tạo quy định về mức thu học phí từng thời kỳ.
Tháng 8-2014, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, năm 2015 bộ đã không thông báo chỉ tiêu tuyển mới đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo từ xa đối với tám cơ sở giáo dục đại học đã được cấp phép |
PGS.TS NGUYỄN VĂN ÁNG |
Thay bằng chính sách cho vay đặc thù với sinh viên sư phạm?
* Kinh phí cấp bù học phí cho trường sư phạm đang tăng đều hằng năm. Năm 2014, Bộ GD-ĐT dự toán mức chi bù học phí cho sinh viên sư phạm và cấp bù miễn giảm học phí trên 484 tỉ đồng. Kinh phí cấp bù học phí cho trường sư phạm chiếm tỉ trọng thế nào trong tổng mức chi thường xuyên cho giáo dục, thưa ông?
- Theo quy định hiện hành, từ nguồn chi ngân sách nhà nước được giao hằng năm, Bộ GD-ĐT chỉ cấp kinh phí cho các trường sư phạm trực thuộc bộ.
Còn lại, các trường sư phạm trực thuộc địa phương lại do ngân sách địa phương đảm bảo, nên Bộ GD-ĐT không có số liệu để khẳng định việc cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm hiện nay chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng mức chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo.
* Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thực hiện gần 20 năm qua đã không còn đủ sức thu hút với thí sinh giỏi, thậm chí có thể gây lãng phí khi nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường lại thất nghiệp, không có cơ hội gắn bó với ngành sư phạm. Bộ GD-ĐT có nghiên cứu thay thế chính sách mới nhằm tăng hiệu quả trong chi ngân sách cho giáo dục?
- Phải khẳng định rằng những năm đầu áp dụng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã tạo bước đột phá tăng cả về số lượng, chất lượng sinh viên sư phạm. Đến nay vẫn có những sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm.
Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn - đặc biệt là những sinh viên thật sự giỏi vào học ngành sư phạm - thì việc nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tài chính trong khâu đào tạo, đồng thời quan trọng hơn, cần có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng trong khâu tuyển dụng, là cần thiết.
Việc nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng chính sách cho vay đặc thù có thể là một trong những phương án sẽ được bàn thảo.
Theo cách này, mọi sinh viên sư phạm được vay tiền học, sau khi ra trường nếu được tuyển dụng làm giáo viên sẽ được Nhà nước xóa nợ bằng số học phí đã nộp.
Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm bằng chính sách vay đang vướng quy định tại Luật giáo dục và cần được thực hiện đồng bộ với chủ trương đổi mới cơ chế tính tài chính giáo dục đại học. Vì vậy, trước mắt vẫn thực hiện theo các văn bản hiện hành.
Tự xác định chỉ tiêu đào tạo
* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiều lần công bố cắt giảm chỉ tiêu sư phạm vì đang xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu. Tuy nhiên, có vẻ một số trường sư phạm vẫn cưỡng lại xu thế này, cố tuyển sinh quy mô lớn để không bị sụt giảm nguồn kinh phí từ ngân sách vì việc đầu tư, cấp bù học phí vẫn được cào bằng theo số sinh viên?
- Thực tế, nhằm giải quyết bức xúc về mất cân bằng cung cầu giáo viên, năm 2013 Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị về thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015.
Trong khi chưa kịp thực hiện những giải pháp có ý nghĩa tương đối lâu dài và tổng hợp, kể từ năm 2013 trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ GD-ĐT đã gửi thông điệp đến người học và các cơ sở đào tạo về những ngành cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có ngành sư phạm.
Thông điệp như vậy không trái với chủ trương tăng cường quyền tự chủ của các trường, nhưng ngay lập tức có tác động điều chỉnh ban đầu về quy mô tuyển sinh ngành sư phạm thông qua việc đăng ký chọn ngành của thí sinh và việc tự điều chỉnh giảm quy mô tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Kể từ năm 2014, bộ đã yêu cầu các cơ sở có đào tạo ngành sư phạm tự xác định chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm trong tổng chỉ tiêu đào tạo chung và thông báo chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm tách biệt trong tổng chỉ tiêu đào tạo chung.
Việc yêu cầu các cơ sở đào tạo xác định riêng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm đã phần nào tăng cường vai trò của bộ cũng như cơ quan chủ quản trong việc giám sát số lượng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm.
Chỉ tiêu sư phạm năm 2015 giảm 1/5 so với năm 2012 Đối với các cơ sở đào tạo sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT, bộ đã chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm nhằm đảm bảo việc cân đối nhu cầu đào tạo ngành sư phạm của xã hội và khả năng bố trí ngân sách nhà nước cấp bù cho đào tạo sư phạm chính quy tập trung. Từ các giải pháp trên, chỉ tiêu và số lượng tuyển sinh sư phạm đã có sự giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2014 tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm thông báo cho các cơ sở là 60.000 chỉ tiêu, tuy nhiên đến năm 2015, chỉ tiêu đào tạo sư phạm thông báo là 54.000 chỉ tiêu, giảm 10%, trong đó chỉ tiêu sư phạm dự kiến thực hiện là 50.000 chỉ tiêu (93% chỉ tiêu thông báo). Nếu so sánh với năm 2012, chỉ tiêu sư phạm dự kiến thực hiện năm 2015 giảm khoảng 22% (thực tuyển sư phạm năm 2012 là 63.500 chỉ tiêu). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận